Thiếu niên luôn cáu gắt, thiếu tập trung do ngưng thở khi ngủ trong 10 năm

Ngủ nhiều, luôn trong trạng thái buồn ngủ, không thể tập trung, thường xuyên cáu gắt, thiếu niên được gia đình đưa đến bệnh viện khám và phát hiện bị ngưng thở khi ngủ.

Sáng 20/12, ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, tình trạng rối loạn giấc ngủ đang trở nên ngày càng phổ biến hơn đặc biệt ở thời đại 4.0.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân chia sẻ về trường hợp một thiếu niên 17 tuổi được gia đình đưa đến bệnh viện khám vì ngủ nhiều, luôn cảm thấy buồn ngủ suốt 10 năm qua. Đồng thời, thiếu niên thường xuyên cáu gắt, học hành thiếu tập trung.

Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân gặp tình trạng ngưng thở khi ngủ, thậm chí chỉ trong vòng 1 tiếng bệnh nhân đã ngưng thở rất nhiều lần khiến cơ thể thiếu oxi nặng từ đó dẫn đến những biểu hiện bất thường trong sinh hoạt cũng như học tập của bệnh nhân.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ về tình trạng rối loạn giấc ngủ.

ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ về tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Sau khi thực hiện các phương pháp điều trị, tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, tinh thần thoải mái, học hành tập trung, không còn tình trạng uể oải, buồn ngủ.

"Việc chậm trễ trong phát hiện và điều trị đã khiến bệnh nhân đối diện với tình trạng bất thường kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như mối quan hệ trong gia đình. Đây là một trong những bệnh nhân có tình trạng rối loạn giấc ngủ mà nhiều người mắc phải hiện nay", bác sĩ Quân nhận định.

Theo ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân, rối loạn giấc ngủ bao gồm không ngủ được cả đêm, ngủ không yên giấc hoặc giấc ngủ kéo dài, li bì.

Bên cạnh đó, những người làm ca đêm, trực đêm rồi quay trở lại sinh hoạt hàng ngày cũng hay rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ.

Để tự nhận biết bản thân có bị rối loạn giấc ngủ hay không, mọi người có thể tự cảm nhận tình trạng cơ thể hoặc hỏi ý kiến những người sống chung, làm việc chung về sinh hoạt, làm việc của bản thân. Khi cảm thấy cơ thể không ổn, có vấn đề cần giải quyết về giấc ngủ thì nên đi khám để có cách điều trị phù hợp.

Đối với tác động của tình trạng rối loạn giấc ngủ, BS.CKII Đặng Nhất Tâm - Phó khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - chia sẻ: "Khi nhịp sinh học bị xáo trộn, giấc ngủ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi xảy ra rối loạn giấc ngủ, hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, trí nhớ, tư duy sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo đó là hệ tuần hoàn, cơ xương khớp và hệ miễn dịch cũng bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, người bị rối loạn giấc ngủ có thể đi kèm với nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác như trầm cảm, các bệnh lý về tim mạch…".

Một số người khi bị mất ngủ thường có thói quen tự mua thuốc ngủ hoặc nghe theo lời chia sẻ của mọi người xung quanh để thực hiện theo. Tuy nhiên khi gặp tình trạng này cần đi khám để biết được mức độ và cách giải quyết phù hợp vì rối loạn giấc ngủ bao gồm nhiều tình trạng khác nhau và không phải mọi biểu hiện rối loạn giấc ngủ đều phải dùng thuốc.

Các chuyên gia cho rằng, việc tự ý sử dụng thuốc ngủ có nguy cơ gặp các biến chứng như ngủ nhiều, lên cân nhanh, bị "lệ thuộc" thuốc ngủ, mỡ máu, tăng men gan.

Bên cạnh đó, có một số người ngộ nhận việc sử dụng bia, rượu có thể giúp quá trình đi vào giấc ngủ dễ hơn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tâm đây chỉ là cảm giác đánh lừa của não bộ dẫn đến giấc ngủ không sâu, không đạt chất lượng cần thiết.

Nam Thương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thieu-nien-luon-cau-gat-thieu-tap-trung-do-ngung-tho-khi-ngu-trong-10-nam-169241220135432475.htm
Zalo