Giá vàng thế giới vượt xa thực tế: Nguyên nhân và hệ quả

Giá vàng thế giới lần đầu vượt mốc 2.900 USD/ounce, bất chấp lãi suất cao và đồng USD mạnh, phản ánh lo ngại sâu sắc về bất ổn toàn cầu.

Giá vàng đã lần đầu tiên vượt mốc 2.900 USD/ounce trong tuần này, tương đương khoảng 2.330 bảng Anh. Kể từ tháng 10/2023, giá kim loại quý này đã tăng hơn 1.000 USD/ounce. So với một thập kỷ trước, mức giá hiện tại cao gấp ba lần, và nếu tính từ năm 2000, giá vàng đã tăng gấp 10 lần. Điều gì đang xảy ra, xu hướng tiếp theo của vàng sẽ ra sao và đâu là cách đầu tư hợp lý?

 Hình minh họa các thỏi vàng. Ảnh: The Telegraph

Hình minh họa các thỏi vàng. Ảnh: The Telegraph

Trên lý thuyết, giá vàng không nên cao như vậy. Thông thường, kim loại quý này có xu hướng giảm khi lãi suất tăng, bởi vàng không tạo ra thu nhập như trái phiếu, cổ phiếu, tiền mặt hay bất động sản. Khi lợi suất của các tài sản khác trở nên hấp dẫn, nhu cầu nắm giữ vàng từng bị nhà kinh tế học John Maynard Keynes gọi là "di tích man rợ" sẽ giảm. Tuy nhiên, dù lãi suất đang cao, vàng vẫn liên tục lập đỉnh.

Bên cạnh đó, vàng thường có xu hướng tăng giá khi đồng USD suy yếu. Vì được định giá bằng đồng bạc xanh, khi các đồng tiền khác mạnh lên so với USD, chúng có thể mua được nhiều vàng hơn, khiến giá kim loại này tăng.

Ngược lại, khi USD mạnh, giá vàng thường chịu áp lực giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đồng USD đang hưởng lợi từ chính sách của Tổng thống Donald Trump, vàng lẽ ra phải giảm giá, nhưng thực tế lại không như vậy.

Tín hiệu từ giá vàng: Nỗi lo của thị trường

Diễn biến giá vàng đang gửi đi một thông điệp rõ ràng: thế giới không ổn định. Giới đầu tư đang lo lắng, và lịch sử cho thấy việc phớt lờ những tín hiệu từ vàng trong thời kỳ biến động là điều không nên.

Trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chỉ số S&P 500 tăng mạnh từ sau giai đoạn suy thoái dotcom năm 2003 đến cuối năm 2007, gần như tăng gấp đôi chỉ trong chưa đầy bốn năm. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, giá vàng vẫn vượt trội hơn S&P 500 khoảng 40%. Các nhà đầu tư vàng khi đó không tin vào tín hiệu từ thị trường chứng khoán - và họ đã đúng.

Những yếu tố thúc đẩy giá vàng

Có nhiều lý do khiến giá vàng tăng mạnh hiện nay. Trước hết, đây là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh thế giới bất ổn. Sự tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump đã làm gia tăng tính khó đoán trong chính sách của Mỹ, đặc biệt là về thương mại và thuế quan. Đồng thời, vàng còn là công cụ phòng vệ trước lạm phát, và nhiều chính sách của chính quyền Trump không chỉ riêng thuế quan có thể đẩy lạm phát lên cao. Điều này tạo ra một "cơn bão hoàn hảo" để vàng bứt phá.

Sự bất ổn không chỉ dừng lại ở thị trường. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang tìm cách bảo vệ tài sản. Kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra và các biện pháp trừng phạt kinh tế được áp đặt, nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng mua vàng nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Với vai trò là tài sản lưu trữ giá trị lâu đời, không chịu rủi ro tín dụng như dự trữ tiền tệ, vàng ngày càng được các ngân hàng trung ương ưu tiên. Năm 2024, lượng vàng mua vào của các ngân hàng trung ương đã vượt 1.000 tấn, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp đạt mức này.

Bên cạnh đó, thông báo từ DeepSeek hồi tháng trước về việc công nghệ của họ có thể vượt mặt ChatGPT của OpenAI với chi phí thấp hơn đã làm lung lay niềm tin vào vị thế thống trị của Thung lũng Silicon trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Điều này kéo theo những lo ngại về định giá bấp bênh của nhóm cổ phiếu công nghệ - vốn là động lực chính giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn, và một lần nữa, vàng trở thành lựa chọn hàng đầu.

Bạc - Lựa chọn thay thế vàng?

Ngoài vàng, một kim loại quý khác cũng đang thu hút sự chú ý: bạc. Dù có nhiều điểm tương đồng - đều là kim loại quý và từng được sử dụng làm tiền tệ nhưng bạc có những đặc điểm khác biệt đáng kể.

Hơn một nửa nhu cầu bạc hàng năm đến từ lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là trong các ứng dụng điện tử, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, quốc phòng, hóa chất và thiết bị y tế. Một đặc tính đáng chú ý của bạc là khả năng kháng khuẩn, khiến kim loại này được ứng dụng rộng rãi trong y học.

Tuy nhiên, giống như vàng, giá bạc cũng chịu tác động từ các yếu tố vĩ mô như lạm phát, lãi suất, căng thẳng địa chính trị và chính sách kinh tế.

Hiện nay, trữ lượng bạc trong lòng đất lớn gấp 15 lần so với vàng. Trong nhiều năm, tỷ lệ này cũng chi phối giá hai kim loại. Mặc dù vậy, gần đây, tỷ lệ giá vàng/bạc đã thay đổi đáng kể, hiện ở mức 100:1 - tức là giá vàng cao gấp 100 lần bạc. Một phần lý do là vàng được ưa chuộng hơn trong vai trò công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng tỷ lệ này chưa phản ánh đầy đủ sự mất cân đối giữa cung và cầu của bạc.

Trong thập kỷ qua, khoảng cách giá giữa hai kim loại đã nới rộng đáng kể, phá vỡ mối tương quan truyền thống. So với vàng, bạc có vẻ đang bị định giá thấp, vẫn còn cách xa mức đỉnh gần đây của nó.

Đầu tư vàng và bạc: Lựa chọn nào hợp lý?

Có hai cách khả thi để đầu tư vào vàng và bạc. Nắm giữ kim loại vật chất là phương án tốn kém, rủi ro và kém linh hoạt. Một lựa chọn phổ biến hơn là đầu tư vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nắm giữ vàng và bạc vật chất – như quỹ iShares.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể cân nhắc cổ phiếu của các công ty khai thác vàng và bạc. Theo lý thuyết, cổ phiếu khai khoáng có thể mang lại lợi nhuận cao hơn khi giá kim loại tăng, nhưng thực tế, mối liên hệ giữa giá cổ phiếu và giá hàng hóa cơ bản không phải lúc nào cũng chặt chẽ.

Một chiến lược hợp lý là phân bổ một phần nhỏ danh mục khoảng 5% vào vàng và bạc thông qua các quỹ đầu tư.

Dũng Phan (Theo The Telegraph)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gia-vang-the-gioi-vuot-xa-thuc-te-nguyen-nhan-va-he-qua-post334501.html
Zalo