Gia Lai 50 năm vươn mình cùng đất nước

Sau 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất, Gia Lai đã có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Từ trong khó khăn, đói nghèo, lạc hậu của những năm đầu giải phóng, tỉnh đã từng bước vươn lên, khẳng định vị thế ở khu vực Tây Nguyên, đóng góp tích cực trong hành trình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của cả nước.

 TP. Pleiku ngày càng phát triển theo hướng năng động, hiện đại. Ảnh minh họa: Phan Nguyên

TP. Pleiku ngày càng phát triển theo hướng năng động, hiện đại. Ảnh minh họa: Phan Nguyên

Trước khi công cuộc đổi mới bắt đầu vào năm 1986, Gia Lai vẫn là một tỉnh nghèo, nền kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa rẫy, mì, bắp. Một vùng đất khó khăn với cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông chia cắt, đời sống còn nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí thấp. Sự phát triển của tỉnh phụ thuộc phần lớn vào ngân sách nhà nước. Trở ngại về địa lý trong kết nối với các trung tâm kinh tế lớn khiến Gia Lai khó phát triển. Mặc dù gặp phải nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng nhờ cải cách kinh tế và phát triển hạ tầng, Gia Lai từng bước cải thiện tình hình kinh tế, hạ tầng xã hội, cải thiện đời sống người dân.

Việc xây dựng các công trình thủy lợi, mở rộng diện tích cây công nghiệp, đặc biệt là cây cà phê, hồ tiêu, cao su, mía đường, lúa nước, cây ăn quả… dần dần thay đổi đời sống bà con, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Những nông trường cà phê, cao su, những cánh đồng mía, đồng lúa đã tạo ra sự thay đổi lớn trong đời sống người dân địa phương.

Nông dân Gia Lai dần trở thành chủ vườn cây nông nghiệp giá trị kinh tế cao; được đào tạo, tiếp cận với các giống cây chất lượng, năng suất vượt trội, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và quảng bá sản phẩm. Đầu ra rộng mở, hàng hóa nông sản không ngừng tăng cao, xuất khẩu ra nhiều thị trường thế giới, tổng giá trị sản phẩm đến nay trị giá hàng tỷ đô la. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi mở ra nhiều triển vọng, với hàng trăm trang trại chăn nuôi lớn, đưa Gia Lai vươn lên thành tỉnh có đàn gia súc hàng đầu cả nước.

 Những sản phẩm chế biến từ cà phê như cà phê hòa tan, cà phê rang xay đã được xuất khẩu ra thế giới. Ảnh: Phương Vi

Những sản phẩm chế biến từ cà phê như cà phê hòa tan, cà phê rang xay đã được xuất khẩu ra thế giới. Ảnh: Phương Vi

Sau 50 năm vươn mình phát triển, Gia Lai đã chứng kiến những thay đổi rõ rệt về kinh tế. Trước hết, nền kinh tế của tỉnh đã chuyển dịch mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Các ngành công nghiệp chế biến nông sản, chế biến thực phẩm và khai khoáng đã phát triển mạnh mẽ, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của tỉnh.

Cây cà phê vẫn là ngành chủ lực, những sản phẩm chế biến từ cà phê như cà phê hòa tan, cà phê rang xay đã được xuất khẩu ra thế giới, làm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Các mô hình nông nghiệp thông minh, sử dụng công nghệ cao trong trồng trọt và chăn nuôi dần được triển khai. Các chương trình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp giúp tăng cường khả năng tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những chuỗi giá trị bền vững.

Sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, Gia Lai đã có những bước tiến vượt bậc trong quá trình đô thị hóa. Những tuyến đường huyết mạch nối liền các vùng miền, các huyện, xã đến tận thôn, buôn, kết nối Gia Lai với các tỉnh khác và trung tâm kinh tế lớn, từ tỉnh đến cơ sở dần hoàn thiện. Giao thông thuận lợi không chỉ giúp cho việc vận chuyển hàng hóa dễ dàng mà còn tạo điều kiện cho xã hội thay đổi, du lịch phát triển.

 TP. Pleiku có nhiều đổi thay trong những năm gần đây, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Ảnh: P.V

TP. Pleiku có nhiều đổi thay trong những năm gần đây, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Ảnh: P.V

Thành phố Pleiku, trung tâm kinh tế và chính trị của tỉnh, thay đổi rõ rệt trong những năm qua. Đô thị hóa không chỉ thể hiện ở sự gia tăng dân số mà còn qua sự phát triển các khu dân cư, các khu công nghiệp và dịch vụ đô thị. Các dự án hạ tầng lớn như các tuyến giao thông, các công trình thủy điện và các khu đô thị mới đã tạo ra một diện mạo mới cho Gia Lai. Sự phát triển này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Một yếu tố không thể không nhắc đến khi nói về sự phát triển của Gia Lai trong 50 năm qua chính là sự phát triển văn hóa-xã hội. Là tỉnh có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, Gia Lai luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc như Jrai, Bahnar... Các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, múa... không chỉ là tài sản văn hóa vô giá mà còn là sức mạnh kết nối cộng đồng, thúc đẩy du lịch.

Ngoài ra, giáo dục và y tế cũng là những lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm. Mạng lưới trường học, bệnh viện đã được cải thiện đáng kể, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính quyền tỉnh Gia Lai đã triển khai các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số, giúp nâng cao trình độ học vấn, mở rộng cơ hội việc làm cho người dân. Đói nghèo lạc hậu đang được đẩy lùi, ánh sáng văn minh ngày càng lan tỏa đến khắp các buôn làng, ngõ phố.

 Gia Lai luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc như Jrai, Bahnar... Ảnh: Hoàng Ngọc

Gia Lai luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc như Jrai, Bahnar... Ảnh: Hoàng Ngọc

Với những thành tựu đã đạt được, sự quyết tâm của chính quyền và người dân, Gia Lai hoàn toàn có thể vươn lên mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới. Đặc biệt, việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền kinh tế xanh, bền vững, Gia Lai chắc chắn trở thành một tỉnh phát triển toàn diện trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Sau 50 năm phát triển, Gia Lai đã có những bước tiến mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực. Những thành tựu trong kinh tế, hạ tầng, văn hóa, xã hội là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân trong tỉnh. Mặc dù còn đối mặt nhiều thách thức nhưng với những bước đi vững chắc, Gia Lai sẽ tiếp tục phát triển, vươn lên trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa và xã hội quan trọng trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

BÁO GIA LAI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-lai-50-nam-vuon-minh-cung-dat-nuoc-post320833.html
Zalo