Giá cước vận chuyển LNG giảm mạnh do tình trạng dư thừa tàu

Giá thuê tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vì ngành này đang phải đối mặt với tình trạng sản xuất quá mức sau cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hai năm trước.

Theo dữ liệu từ Spark Commodities, chi phí thuê tàu chở LNG hiện đại (loại tàu phổ biến trên thị trường) trong thời gian ngắn tại lưu vực Đại Tây Dương trung bình là 19.700 USD/ngày vào tháng 11, là mức thấp nhất được đánh giá dựa vào dữ liệu từ năm 2019.

Giá thuê tàu đã giảm gần 80% kể từ mùa hè năm nay vì việc bàn giao tàu mới vượt xa tốc độ tăng trưởng sản xuất LNG toàn cầu.

Các chuyên gia trong ngành cho biết giá thuê các tàu cũ hơn, kém hiệu quả hơn cũng đã giảm mạnh. Đối với các tàu chở LNG chạy bằng tua bin hơi nước (loại tàu kém hiệu quả nhất trên thị trường) thì lợi nhuận sau khi trừ các yếu tố như chi phí vận hành, trong nhiều trường hợp là âm hoặc gần bằng 0.

Mức giá thấp như vậy đồng nghĩa với việc một số chủ tàu có thể không đủ khả năng trang trải chi phí cho tàu ra khơi và có khả năng dẫn đến một giai đoạn điều chỉnh trong ngành, chẳng hạn như loại bỏ các tàu cũ hơn.

Giá thuê tàu giảm trong năm nay là do số lượng lớn tàu tham gia thị trường vào thời điểm hàng hóa thực tế chưa được đưa vào hoạt động nhanh như mong đợi do sự chậm trễ của các dự án.

Các chủ tàu đã đặt một số lượng lớn tàu mới trong cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine. Họ đã đặt cược rằng nhu cầu về nhiên liệu vận chuyển trên biển sẽ tăng lên, do nhu cầu của châu Âu trong việc thay thế khí đốt đường ống của Nga đã mất bằng khí đốt nhập khẩu LNG, vì Nga đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung sang châu Âu ngay cả trước khi xung đột diễn ra.

Giá thuê tàu chở LNG đang ở mức thấp kỷ lục

Giá thuê tàu chở LNG đang ở mức thấp kỷ lục

Theo Liên minh Khí đốt Quốc tế (IGU), tính đến năm ngoái, có khoảng 650 tàu chở LNG đang hoạt động. Theo Flex LNG - công ty vận chuyển LNG - có 68 tàu sẽ được giao trong cuối năm nay và 88 tàu vào năm 2025, và hơn 80 tàu sẽ được giao mỗi năm cho đến năm 2027.

Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu LNG bổ sung để sử dụng các tàu này đã không thành hiện thực trong khung thời gian dự kiến, chủ yếu là do sự chậm trễ trong việc phát triển các cơ sở xuất khẩu LNG tại Mỹ - hiện là nước xuất khẩu nhiên liệu siêu lạnh lớn nhất thế giới và là nguồn cung cấp chính cho châu Âu.

Oystein Kalleklev, Tổng giám đốc điều hành của Flex LNG cho biết, khối lượng xuất khẩu LNG thường tăng khoảng 6% đến 8% mỗi năm, nhưng năm nay có khả năng chỉ tăng trưởng 1%. "Đây cũng là một trong những lý do giải thích tại sao thị trường vận chuyển hàng hóa giao ngay đang giao dịch kém", ông cho biết.

Ngoài ra, châu Âu không nhập khẩu nhiều LNG như những năm trước do lượng khí đốt còn lại trong kho dự trữ ở mức cao sau khi mùa đông năm ngoái ôn hòa hơn bình thường, làm hạn chế việc sử dụng các tàu như vậy.

Năm nay, các công ty kinh doanh LNG cũng không sử dụng kho chứa nổi (nhằm giữ các tàu LNG chất đầy hàng trên mặt nước cho đến khi giá tăng vào thời điểm trước mùa đông) nhiều như những năm trước do không có sự chênh lệch giá lớn giữa giá mùa hè và mùa đông. Điều này làm giảm khả năng sử dụng nhiều tàu chở hàng hơn. Một số tàu cũ hơn cũng đang được giải phóng khỏi các hợp đồng dài hạn trong năm nay, làm tăng thêm tình trạng dư thừa tàu.

Các nhà phân tích cho biết cho đến nay, các hợp đồng thuê tàu thực tế với mức giá bằng 0 hoặc âm vẫn chưa diễn ra và hiện vẫn chỉ là trên lý thuyết. Tuy nhiên, chủ sở hữu của các tàu cũ hơn có thể có xu hướng cho thuê chúng với mức giá như vậy sau khi cân nhắc chi phí cho việc ngừng hoạt động hoặc loại bỏ tàu cũ.

Clare Pennington, chuyên gia vận chuyển LNG tại công ty tư vấn hàng hóa ICIS cho biết: “Các thỏa thuận cho thuê thực sự có thể xuất hiện khi chủ sở hữu cho thuê một tàu với mức giá bằng hoặc gần bằng không trong một thời gian ngắn…Điều có thể xảy ra là một tình huống mà một số chủ sở hữu bị mắc kẹt với một tàu chạy bằng hơi nước và đang cân bằng chi phí loại bỏ tàu khỏi thị trường hoặc cho thuê để tàu không bị hỏng”.

“Điều này cũng sẽ phụ thuộc vào thời gian chủ sở hữu có thể phải chờ để loại bỏ một tàu và tính toán xem điều gì khiến họ tốn ít chi phí hơn”, bà cho biết thêm.

Trong khi các công ty năng lượng dự báo nhu cầu về LNG sẽ tăng mạnh trong những thập kỷ tới, chủ yếu là từ các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí đốt, giá cước vận chuyển LNG trong ngắn hạn có khả năng sẽ giảm.

Martin Senior, phó giám đốc định giá LNG tại Argus Media cho biết, trong khi 251 tàu mới sẽ được bàn giao trong giai đoạn 2025-2027, thì công suất xuất khẩu mới đi vào hoạt động trong cùng kỳ có thể chỉ cần thêm 171 tàu nữa.

"Thị trường đang định giá một thị trường tàu chở LNG được cung cấp đầy đủ vào năm tới với giá cước vận chuyển kỳ hạn năm 2025 thấp hơn nhiều so với mức giá của những năm trước", ông cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-cuoc-van-chuyen-lng-giam-manh-do-tinh-trang-du-thua-tau-post360141.html
Zalo