Nữ giám đốc ở Hải Phòng nghỉ việc đi bán hoa tươi, tiết lộ thu nhập sau 7 năm

Năm 2017, chị Tiết Lan Anh là giám đốc tài chính của một công ty xây dựng ở Hải Phòng. Chỉ vì yêu hoa, yêu cây, chị đã có một quyết định khiến cả gia đình phản đối: Bỏ nghề để mở cửa hàng hoa tươi.

Năm 2017, công việc ở công ty xây dựng đang rất thuận lợi và chị Lan Anh cũng tốn nhiều thời gian, nỗ lực mới được đảm nhiệm vị trí giám đốc tài chính.

Vốn là người yêu hoa, năm đó, chị đầu tư trồng một vườn hồng ngoại 5.000 gốc ở Kiến An, vừa để thỏa đam mê với hoa, vừa để bán gốc hồng. Hàng ngày, chị làm song song 2 việc và đạt được một số thành tựu đầu tiên trong nghề trồng hoa.

Càng đi sâu vào nghề này, chị càng có thêm những mối quan hệ, càng đam mê với hoa. Chị đi học thêm cắm hoa để có kiến thức. Cũng từ đây, chị nảy ra ý tưởng mở một cửa hàng hoa tươi. Rủ một người bạn làm cùng, chị bắt tay vào khởi nghiệp với rất ít kinh nghiệm.

Tình yêu với hoa và cây cỏ khiến sự nghiệp của chị Lan Anh rẽ hoàn toàn sang một hướng khác

Tình yêu với hoa và cây cỏ khiến sự nghiệp của chị Lan Anh rẽ hoàn toàn sang một hướng khác

Thời điểm này, chị vẫn chưa nghỉ việc ở công ty, vẫn nghĩ mình có thể đảm đương cả hai việc cùng một lúc. “Tôi không ngờ là làm hoa rất vất vả. Trong khi công việc của tôi ở công ty cũng bận rộn không kém”.

Trong vòng 6 tháng, cửa hàng hoa của chị buộc phải đóng cửa. Hai bà chủ thua lỗ khoảng 200 triệu đồng. Bằng niềm đam mê với hoa, chị muốn làm lại. Sau nhiều cân nhắc, chị quyết định nghỉ việc ở công ty.

Quyết định này của chị vấp phải sự phản đối của cả gia đình bởi chị đang có một công việc ổn định, một vị trí rất tốt, một mức thu nhập khá.

Bất chấp sự ngăn cản của mọi người, chị mở cửa hàng hoa thứ 2. Lần này, vốn liếng của chị là những bài học kinh nghiệm từ lần thất bại trước. Và hơn hết, chị có thể dành toàn bộ thời gian cho công việc kinh doanh.

Cửa hàng hoa hiện tại của chị Lan Anh ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng

Cửa hàng hoa hiện tại của chị Lan Anh ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng

Thời gian đầu, khó khăn chồng chất. Đang từ vị trí giám đốc tài chính mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, chị phải dậy từ 2-3h sáng đi chợ chọn từng bông hoa.

Từ mức thu nhập 50 triệu đồng/tháng, chị “làm tất ăn cả” với mức thu nhập 0 đồng, thậm chí là lỗ vốn trong những tháng đầu tiên.

“Tôi vẫn nhớ mãi anh trai tôi hỏi ‘giờ em kiếm được bao nhiêu một tháng?’. Lúc đó, thực ra tôi đang lỗ nhưng không dám nói thật, chỉ bảo ‘em đủ ăn’. Anh đã mắng ‘bỏ việc đi bán hoa mà chỉ đủ nuôi miệng à’. Đó là thời điểm tôi mới mở cửa hàng thứ 2 được vài tháng” – chị kể.

Nhưng chị không bỏ cuộc. Quyết tâm khẳng định bản thân thôi thúc chị bước tiếp. Bằng tất cả nỗ lực và nhanh nhạy thích nghi, sau 2 năm, lợi nhuận chị thu về từ cửa hàng hoa đã ngang bằng với thời đi làm công ty.

Từ đó, cứ sau mỗi năm, thương hiệu hoa của chị lại càng phát triển và được nhiều người biết đến hơn ở TP Hải Phòng.

Hiện tại, chị nhẩm tính, doanh thu trung bình mỗi năm của cửa hàng là khoảng 8 tỷ đồng. Mức thu nhập của chị bây giờ đã gấp 2-3 lần mức thu nhập của vị trí giám đốc tài chính ngày xưa.

Tuy nhiên, những thành công này không đến một cách dễ dàng. Chị nói, ngành hoa cũng giống như ngành thời trang, nó chính là làm nghệ thuật. Mà nghệ thuật thì thay đổi liên tục.

Mỗi năm, mỗi mùa hoa đều có những xu hướng mới. “Tuổi 42 của tôi không phải là một độ tuổi lý tưởng cho những thay đổi và thích nghi. Nhưng tôi buộc phải thích nghi để có thể tồn tại trong ngành. Ở ngành này, nếu bạn dừng lại và thỏa mãn với những cái cũ, bạn sẽ bị đào thải”.

Đó cũng chính là lý do mà chị luôn cập nhật thường xuyên những xu hướng mới nhất từ các thành phố lớn để đưa về Hải Phòng.

Chị Lan Anh quan niệm, phải luôn thay đổi và cập nhật xu hướng thì mới tồn tại được trong ngành hoa

Chị Lan Anh quan niệm, phải luôn thay đổi và cập nhật xu hướng thì mới tồn tại được trong ngành hoa

Cũng nhờ thế mà ngay cả trong những năm dịch bệnh Covid-19, cửa hàng của chị thậm chí còn hoạt động hiệu quả hơn giai đoạn trước đó.

“Khi Covid-19 ập đến, những đơn hàng hoa bó, hoa lẵng chững lại. Tôi tập trung vào hoa cắm lọ. Bởi khi mọi người phải ở trong nhà nhiều, mọi thứ bí bách, người ta sẽ lại quan tâm tới đời sống tinh thần hơn. Mọi người lại tìm đến hoa để giải tỏa căng thẳng”.

Nhìn lại 7 năm làm nghề hoa, chị Lan Anh cho biết, chị chưa từng cảm thấy nản chí. Chị không hình dung được nếu không làm hoa thì mình sẽ làm gì. “Hoa gắn bó với tôi từ lúc mở mắt cho đến khi đi ngủ. Nó là cuộc sống của tôi”.

Những khó khăn luôn không thiếu. Nhất là thời điểm mùa hè là mùa mà doanh thu sụt giảm, hoặc có thời điểm ngành hoa thu hút rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, họ đưa giá thấp để tăng tính cạnh tranh…

Những lúc ấy, uy tín và sự nhanh nhạy thích nghi mới có thể giúp cửa hàng hoa của chị trụ vững.

“Nhìn lại những được mất trong suốt 7 năm qua, tôi thấy cái được lớn nhất là tôi được làm việc vì đam mê. Cái được thứ hai là tôi chủ động được cuộc sống của mình.

Còn cái mất lớn nhất chính là trong những năm đầu tiên khởi nghiệp, tôi không có nhiều thời gian dành cho con cái.

Chính vì thế, những năm gần đây khi cửa hàng đã phát triển ổn định hơn, khi đã có nhiều người hỗ trợ hơn, tôi bắt đầu bù đắp lại cho con khoảng thời gian trước đó.

Ngày xưa, tôi cũng hay chia sẻ với các con tại sao mẹ lại phải làm như vậy. Tôi mong là các con hiểu và thông cảm cho công việc của mình”.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nu-giam-doc-o-hai-phong-nghi-viec-di-ban-hoa-tuoi-tiet-lo-thu-nhap-sau-7-nam-2353002.html
Zalo