Đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam tăng mạnh
Trong 11 tháng, vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản tăng đến 89,1% so với cùng kỳ, đạt khoảng 5,63 tỷ USD. Dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại Báo cáo “Bất động sản Việt Nam 2024: Một năm nhìn lại”, Avison Young Việt Nam nhận định, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2024 đã chậm lại theo xu hướng chung của thế giới. Tính đến hết tháng 11, tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 31,38 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.
“Mức tăng chậm này phản ánh đúng thực tế khi kinh tế Việt Nam có độ mở và dòng vốn FDI trên toàn cầu đã suy giảm trong hai năm liên tiếp (2022 và 2023) do bất ổn kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị”, các chuyên gia cho biết.
Tuy vậy, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn tích cực và họ tiếp tục rót vốn vào các dự án đầu tư đã được phê duyệt, cấp phép. Điều này được chứng minh qua tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia cho rằng, với đà tăng này, cộng với nỗ lực giải ngân vốn FDI dịp cuối năm, nhiều khả năng đến cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm ngoái và đạt mức kỷ lục mới trong giai đoạn 2019 – 2024.
Đáng chú ý, trong bối cảnh sản xuất toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn (vốn FDI đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 8,7% so với cùng kỳ) và các thị trường bất động sản lớn trên thế giới khá ảm đạm, dòng vốn FDI tại Việt Nam lại có xu hướng chảy nhiều hơn vào lĩnh vực bất động sản.
Trong 11 tháng, vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản tăng đến 89,1% so với cùng kỳ, đạt khoảng 5,63 tỷ USD. Dòng vốn FDI mạnh mẽ cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Các chuyên gia cho biết, nhà đầu tư không chỉ đánh giá tích cực về các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam, mà còn nhìn thấy cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần, nhà ở, văn phòng và bán lẻ. Đặc biệt, bất động sản công nghiệp và hậu cần được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hàng đầu. Phân khúc này dẫn đầu về số lượng giao dịch bất động sản trong suốt năm 2024.
Theo Avison Young, trong ngắn hạn, các biến động kinh tế, thương mại và địa chính trị do tác động từ các chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể gây sức ép tức thời lên việc thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Nhưng về dài hạn, với các lợi thế về vị trí địa lý, sự ổn định chính trị tương đối, chi phí cạnh tranh và môi trường đầu tư ngày một cải thiện, Việt Nam có thể trở thành cứ điểm sản xuất tiếp theo trên toàn cầu nếu nắm bắt kịp thời cơ.
Chuyên gia dự đoán, loại hình đất công nghiệp sạch, sẵn sàng cho thuê với thời hạn lâu dài, hạ tầng hoàn thiện và kết nối tốt sẽ tăng sức hút. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử đi kèm với các nhà kho và nhà xưởng xây sẵn tại nơi dễ tiếp cận với mạng lưới nhà cung ứng; trung tâm phân phối, hậu cần tại những nơi có kết nối giao thông thuận lợi tới các đô thị lớn. Các chuyên gia cũng dự đoán, sự xuất hiện của trung tâm AI đầu tiên tại Việt Nam của Nvidia mở đường cho làn sóng cơ sở công nghiệp công nghệ cao. Nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội tham gia vào lĩnh vực trung tâm dữ liệu theo Luật Viễn thông mới.
“Những thay đổi to lớn trong năm 2024 về chính sách, xu hướng đầu tư hay bối cảnh kinh doanh là cơ sở để chúng ta tiếp tục giữ tầm nhìn lạc quan về thị trường bất động sản Việt Nam. Khi các tín hiệu tích cực xuất hiện rõ hơn là lúc tái khởi động dòng vốn vào các giao dịch và sẵn sàng đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới", ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam nhấn mạnh.