'Sóng nâng hạng có thể đẩy VN-Index lên mốc 1.400 điểm vào cuối năm 2025'

Với kịch bản thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng vào tháng 9/2025, VN-Index được dự báo có thể lên cao nhất 1.400 điểm.

TS Phạm Thế Anh (giữa) và ông Trần Hoàng Sơn (trái) tại sự kiện. Ảnh: BTC cung cấp

TS Phạm Thế Anh (giữa) và ông Trần Hoàng Sơn (trái) tại sự kiện. Ảnh: BTC cung cấp

Đó là nhận định của ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) tại hội thảo VPBankS Talk 4 diễn ra chiều 16/12.

Theo ông Sơn, mặc dù gặp nhiều yếu tố như tỷ giá tăng, khối ngoại bán ròng liên tiếp trong năm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn xây dựng vững nền 1.200 - 1.300 điểm (đối với VN-Index), chờ thời điểm bứt phá với kỳ vọng nâng hạng diễn ra trong năm 2025.

Về vĩ mô, vị chuyên gia ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 sẽ trong khoảng 6,6% - 6,85%. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, cuộc cạnh tranh sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khi là một trong những môi trường kinh doanh hấp dẫn nhất trong các nền kinh tế có thu nhập tương tự tại khu vực, với chi phí lao động cạnh tranh.

Về lãi suất, dưới chính quyền của Tổng thống Trump với lo ngại đồng bạc xanh sẽ mạnh lên bởi những cam kết về thuế quan, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng việc tỷ giá chịu áp lực tăng sẽ gây nhiều khó khăn cho mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, với chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ để kích thích tăng trưởng kinh tế, lãi suất điều hành dự kiến sẽ có xu hướng đi ngang trong nửa đầu năm 2025 và chỉ tăng nhẹ vào nửa cuối năm nếu áp lực lạm phát gia tăng hoặc tăng trưởng tín dụng phục hồi mạnh.

Tham gia hội thảo, PGS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam cho rằng, tỷ giá là câu chuyện cần theo dõi trong năm 2025, qua đó cần theo dõi chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và trong nước, lạm phát khi chính quyền Tổng thống Trump áp thuế quan...

PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều câu chuyện lớn, đi từ cải cách thể chế sau đó đi vào chính sách kinh tế lớn. Sân bay Long Thành, điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam... đều là những dự án lớn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Còn trong ngắn hạn, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn xuất phát từ đầu tư công và xuất khẩu.

“Xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục, không chỉ do tránh xung đột kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc mà nước ta còn có rất nhiều lợi thế, từ vị trí địa lý, giá lao động hấp dẫn, sản xuất hướng ra xuất khẩu... Việt Nam cũng đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu,” vị chuyên gia nêu lợi thế của Việt Nam.

TTCK Việt Nam đang có tiềm năng lớn trên nền định giá thấp

Cùng với sự tích cực về vĩ mô, chứng khoán Việt Nam còn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố khác. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là yếu tố thúc đẩy dòng tiền tham gia vào thị trường. Theo ông Trần Hoàng Sơn, tổng doanh thu và lợi nhuận toàn thị trường 9 tháng đầu năm 2024 tăng lần lượt 10% và 21%, ghi nhận đà hồi phục sau giai đoạn tạo đáy trong 2023. Lợi nhuận tăng trưởng cao trong nhóm phi tài chính cho thấy bức tranh bối cảnh kinh doanh đã có sự thay đổi đáng kể cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.

Bức tranh lợi nhuận của năm 2025 vẫn tiếp tục được ông Sơn dự bảo khả quan. Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể đạt từ 25% - 30%, xu hướng phục hồi của kinh tế sẽ là động lực giúp các nhóm ngành tăng trưởng. Đây cũng là động lực thu hút dòng tiền vào thị trường, đặc biệt khi VN-Index đang ở mức thấp so với bình quân 10 năm.

Nguồn: VPBankS

Nguồn: VPBankS

Theo ông Sơn, định giá theo P/E và P/B của thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫp hơn đáng kể so với khu vực thị trường mới nổi và một số quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, chỉ số ROE của Việt Nam cũng nằm trong các nước có ROE cao, đồng thời P/E cũng ở mức hấp dẫn.

“P/E hiện tại của VN-Index đang ở mức 14,9 lần, thấp hơn trung vị 10 năm gần đây ở mức 16,6 lần. Việt Nam đang ở mức hấp dẫn cho một chu kỳ tăng trưởng mới. Với dự báo lợi nhuận tiếp tục hồi phục, mức định giá hợp lý vẫn là cơ sở để thu hút dòng tiền tham gia,” vị chuyên gia nêu quan điểm.

Đặc biệt, theo ông Sơn, triển vọng nâng hạng là điểm sáng cho thị trường năm 2025. Vị chuyên gia kỳ vọng việc nâng hạng sẽ chính thức diễn ra vào tháng 9/2025. “Năm 2025, TTCK Việt Nam sẽ có bước ngoặt rất quan trọng về nâng hạng, qua đó thu hút lượng vốn lớn cả chủ động và thụ động từ nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời kích hoạt dòng vốn trong nước. TTCK có thể gặp nhiễu động trong 6 tháng đầu năm nhưng 6 tháng cuối năm có thể có những bước thăng hoa đưa chỉ số lên mức cao nhất quanh 1.400 điểm,” chuyên gia VPBankS nêu kỳ vọng.

Biến động dòng tiền đầu tư nước ngoài tại các thị trường sau khi nâng hạng. Nguồn: VPBankS

Biến động dòng tiền đầu tư nước ngoài tại các thị trường sau khi nâng hạng. Nguồn: VPBankS

PGS.TS Phạm Thế Anh cũng cho rằng, nâng hạng thị trường chứng khoán là một trong những điều kiện để thu hút dòng vốn ngoại. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần quan tâm đến yếu tố quan trọng khác là chênh lệch lãi suất. Nếu lãi suất Mỹ có thể hạ về 2-3% như trước đây sẽ là điều kiện rất tốt để dòng vốn ngoại tham gia vào TTCK Việt Nam. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lạm phát, thị trường lao động, giá nguyên vật liệu, chính sách thuế quan của ông Trump...

“TTCK Việt Nam đang có tiềm năng lớn trên nền định giá thấp, trong khi TTCK Mỹ đã ở mức định giá cao. Đến một lúc nào đó, khi TTCK Mỹ không hấp dẫn dòng vốn, mặt bằng lãi suất hạ, dòng vốn ngoại sẽ lan sang thị trường khác. Và với tình hình vĩ mô tốt cùng việc cải cách thể chế, Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn ngoại mạnh hơn,” PGS.TS Phạm Thế Anh nêu quan điểm.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/song-nang-hang-co-the-day-vn-index-len-moc-1400-diem-vao-cuoi-nam-2025-36689.html
Zalo