Tăng khả năng cạnh tranh cho HTX
Giá trị xuất khẩu rau quả trong 11 tháng năm nay đã đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Chính vì vậy, việc tăng nội lực sẽ giúp các HTX không ngừng nắm bắt cơ hội, từ đó đóng góp vào các con số xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Trao đổi với VnBusiness, ông Hà Chí Mãng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mãng cầu Thạnh Tân (Tây Ninh), cho biết HTX đang chuẩn bị đưa vào hệ thống nhà máy, cơ sở chế biến quả mãng cầu nhằm mục đích nâng cao giá trị gia tăng cho loại nông sản này và mở ra cơ hội xuất khẩu, bởi mãng cầu tươi hiện nay vẫn tiêu thụ trong nước.
Khó về nguồn vốn, đất đai
Tuy nhiên, điều mà vị giám đốc này băn khoăn đó chính là chi phí đầu tư nhà xưởng, máy móc rất lớn nhưng vấn đề tài chính của HTX lại có hạn. Việc tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ của HTX thực sự cũng chưa được thuận lợi.
Anh Lê Minh Trung, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (Tây Ninh) - đơn vị đang phát triển tập trung về cây mãng cầu, cũng thông tin, hiện việc xuất khẩu quả mãng cầu của HTX mới tập trung vào thị trường Lào - là thị trường dễ tính, không yêu cầu nhiều về chất lượng. Thế nhưng, nếu cứ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Lào thì thương hiệu của quả mãng cầu khó mở rộng.
HTX đã tham gia các buổi xúc tiến quả mãng cầu ở Lạng Sơn để thúc đẩy tiêu thụ loại quả này sang Trung Quốc. Dù có nhiều khách hàng Trung Quốc đánh giá cao quả mãng cầu về chất lượng, nhưng đến thời điểm này vẫn không dám nhập khẩu vì mãng cầu chưa được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Khách hàng Trung Quốc nếu nhập loại quả này và bày bán ở các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị thì sẽ bị cơ quan quản lý phía Trung Quốc phạt.
Với tiêu thụ ở trong nước, hiện nay, quả mãng cầu cho thu hoạch quanh năm nên đáp ứng được yêu cầu cung cấp hàng liên tục cho các đối tác.
Chính vì vậy, từ 600 ha của các thành viên chính thức và 100ha liên kết, nhằm hướng đến đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và xa hơn, nếu có cơ hội xuất khẩu chính ngạch trực tiếp sang một số thị trường (hiện đã xuất khẩu sang châu Âu, Ấn Độ… nhưng gián tiếp qua các đối tác), HTX Minh Trung đang mong muốn mở rộng diện tích trồng mãng cầu. Tuy nhiên, diện tích đất mà HTX gửi kiến nghị lên cơ quan địa phương để được hỗ trợ đang được trả lời là “không nằm trong đối tượng thu hút đầu tư của tỉnh nên chưa được hỗ trợ”.
“Chính quyền đang nói là sẽ hỗ trợ HTX sửa lại hồ sơ để có thể nhận được sự hỗ trợ nhưng vẫn chưa thể nói trước được điều gì”, Giám đốc HTX Minh Trung chia sẻ.
Tỉnh Tây Ninh cũng có Nghị quyết 58/2023/NQ-HĐND về hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể và Quyết định 53/2024/QĐ-UBND về vấn đề hỗ trợ giao, thuê đất nhưng HTX mới thành lập được 2 năm nên cũng chưa đủ các điều kiện để được nhận hỗ trợ (quy định HTX phải kinh doanh hiệu quả trong 2-3 năm liên tiếp). Ngoài ra, HTX cũng chậm cập nhật hồ sơ thuế nên kéo theo bị chậm trong tiếp cận chính sách hỗ trợ khoảng 5 tháng).
Khó cạnh tranh trên thị trường
Rõ ràng, để nâng tầm mô hình HTX và để cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu, nhất là hướng đến xuất khẩu chính ngạch, các HTX buộc phải mở rộng diện tích, hoàn thiện quy trình sản xuất… đáp ứng hàng loạt các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Trong khi tiềm năng về sản xuất các loại nông sản của nhiều HTX là rất lớn, trong đó có những loại nông sản được thị trường quốc tế ưa chuộng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết các thị trường trên thế giới có nhu cầu cao về số lượng và chủng loại nông sản Việt.
Tuy nhiên, khó khăn đối với xuất khẩu là việc áp dụng công nghệ tiên tiến chưa thuận lợi, quy mô sản xuất của HTX còn nhỏ, đồng vốn còn yếu nên khó kết nối thành các chuỗi giá trị sản xuất trên quy mô lớn.
Trong khi đó, hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn hiện nay đều có những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các sản phẩm xuất sang các nước phải có tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, quy trình chế biến phải đạt HACCP… Do đó, các HTX cần đầu tư về vùng sản xuất, quy trình sản xuất, máy móc, quỹ đất…
Vậy nhưng, từ thực tế của HTX Minh Trung và HTX Thạnh Tân cho thấy, những khó khăn trong ứng dụng công nghệ, đầu tư chế biến, phát triển sản xuất còn gặp những khó khăn nhất định từ chính các HTX và những yếu tố khách quan.
“Nhiều cơ quan quản lý cho rằng việc hỗ trợ HTX là ban ơn nên chưa thể giúp HTX phát triển. Và, nếu HTX phải vay ngân hàng thương mại với lãi suất cao thì sẽ không thể tăng tốc trong phát triển chuỗi giá trị, trong khi sức ép trong sản xuất kinh doanh ở trong và ngoài nước là rất lớn”, ông Hà Chí Mãng giãi bày.
Theo giới chuyên gia, hiện đã có những chính sách hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX trong đầu tư máy móc, tiếp cận đất đai, phát triển thị trường, cơ sở hạ tầng nhưng lại thiếu các kênh thông tin để HTX tiếp cận khiến nhiều HTX không nắm bắt được.
Đại diện sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết việc chủ động rà soát, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung các chính sách để hỗ trợ cải tạo, trồng mới, chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ cho nông dân, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp gắn với cấp mã số vùng trồng xuất khẩu cần được quan tâm hơn.
Đặc biệt, việc hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm từ các nông sản hay hỗ trợ HTX, doanh nghiệp đổi mới công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cũng cần được chú trọng. Nếu không, các HTX sẽ không nâng cao được năng lực cạnh tranh, không tận dụng được tiềm năng của các địa phương để đáp ứng nhu cầu của thị trường.