Gấp rút giải ngân vốn đầu tư công
(Báo Quảng Ngãi)- Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ngãi từ đầu năm đến nay thấp hơn so với bình quân chung cả nước. UBND tỉnh đã chỉ đạo từ nay đến cuối năm 2024, các chủ đầu tư phải tập trung nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ giải ngân.
Vướng mắc về giải phóng mặt bằng
Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 thấp chủ yếu là do vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), vì pháp luật có thay đổi, điều chỉnh. Rất nhiều dự án trước đó đã hoàn thiện thủ tục bồi thường, GPMB nhưng đến thời điểm ngày 1/8/2024 khi Luật Đất đai có hiệu lực thì phải thay đổi thủ tục theo quy định mới. Công tác ban hành giá đất bị chậm trễ, không có cơ sở lập, trình phê duyệt phương án bồi thường, GPMB.
Ngoài ra, việc GPMB còn gặp nhiều khó khăn trong xác định nguồn gốc đất; một số dự án tạm thời không triển khai để khắc phục theo kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra. Quy định pháp luật về đấu thầu mới có hiệu lực nên việc tổ chức triển khai lựa chọn nhà thầu, nhất là các gói thiết bị của các dự án y tế cũng gặp vướng mắc, chậm trễ.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh hơn 6.900 tỷ đồng. Số vốn này tỉnh bố trí đầu tư 49 dự án chuyển tiếp; 2 dự án chuẩn bị đầu tư; 29 dự án khởi công mới. Đến nay, tỉnh đã phân khai cho các dự án gần 5.700 tỷ đồng; còn lại 1.200 tỷ đồng chưa phân khai do chưa có nguồn thu.
Kết quả giải ngân của tỉnh trong 10 tháng qua mới đạt 28,1% kế hoạch vốn giao, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (52,3%); trong đó giải ngân thấp nhất là 8 dự án trọng điểm của tỉnh, chỉ 21%. Hiện nay, toàn tỉnh còn gần 3.700/5.700 tỷ đồng đã phân khai chưa giải ngân, nhiều nhất là tại Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh (1.617 tỷ đồng).
Trong số 49 công trình chuyển tiếp từ năm 2023 có 33 công trình phải hoàn thành trong năm 2024, nhưng tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp. Thậm chí, có công trình chưa giải ngân, như dự án các tuyến đường trục vào KCN nặng Dung Quất phía đông; đường tránh Tây thị trấn Di Lăng Sơn Hà; tuyến đường từ Cây Chò đi Trà Nham, Trà Bồng; hệ thống trữ nước sinh hoạt, kết hợp tưới tiết kiệm nước cho nông nghiệp đảo Lý Sơn...
Toàn tỉnh hiện chỉ có 7 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân ở mức cao hơn bình quân chung cả nước (hơn 52%); có 9 chủ đầu tư ở mức bình quân từ 30 - 51%; có 10 chủ đầu tư tỷ lệ giải ngân 1,6- 29%. Đáng lo ngại là một số chủ đầu tư quản lý nguồn vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh. Như Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, quản lý vốn đầu tư công năm 2024 chiếm 30% vốn toàn tỉnh nhưng tỷ lệ giải nhân mới đạt 23,8%; TP.Quảng Ngãi quản lý tổng nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng, nhưng hiện tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 21%.
Đẩy mạnh giải ngân
Từ tháng 9/2024, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp cho ý kiến điều chuyển vốn đầu tư công từ các dự án gặp vướng mắc chưa thể giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt. Đồng thời, trình HĐND tỉnh điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã giao đầu năm 2024 cho một số dự án và xin kéo dài thời gian thực hiện, hoàn thành dự án từ năm 2024 sang năm 2025. UBND tỉnh cũng đã thành lập 3 tổ công tác đôn đốc giải ngân theo từng nhóm dự án, nhờ đó tỷ lệ giải ngân đã nhích lên kể từ khi tổ công tác đi vào hoạt động.
Tại cuộc họp của UBND tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công ngày 16/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang đã yêu cầu các địa phương, sở ngành có tỷ lệ giải ngân thấp phải đăng ký mức phấn đấu nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn. Tuy nhiên, có một số chủ đầu tư đăng ký giải ngân dưới mức mà cả tỉnh phải phấn đấu. Cụ thể, UBND huyện Bình Sơn đăng ký đạt 63%; Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đăng ký 74,8%; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đăng ký 50%.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cho rằng mức đăng ký trên là quá thấp, không đảm bảo mức tỉnh phấn đấu là 80%. Các chủ đầu tư phải rà soát lại, quyết tâm cao hơn, tích cực phối hợp tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng để đẩy mạnh giải ngân ở mức cao nhất có thể.