UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 11
Ngày 21-11, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 11.
Trước khi bắt đầu phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Chỉ còn rất ít thời gian để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2024. Khối lượng công việc lớn, đòi hỏi các đồng chí lãnh đạo sở, ngành, địa phương phải quyết tâm cao nhất, tập trung cao độ hoàn thành và hoàn thành vượt các mục tiêu năm 2024, để xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ năm 2025 và là nền tảng xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Trong đó, ưu tiên số 1 là giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ thu ngân sách. Ưu tiên thứ 2 là tập trung khôi phục sản xuất và khắc phục hậu quả bão số 3, trọng tâm là xây dựng 7 dự án ổn định dân cư trên địa bàn, đảm bảo chậm nhất 31-12 phải hoàn thành.
Ưu tiên thứ 3 là tập trung cao độ huy động các nguồn lực hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Ưu tiên thứ 4 là Đề án xây dựng Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất lâm nghiệp công nghệ cao; kế hoạch tổ chức kỷ niệm 80 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên tại Tuyên Quang...
Ưu tiên thứ 5 là giải quyết vướng mắc về đất đai, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các dự án ngoài ngân sách. Ưu tiên thứ 6 là khẩn trương hoàn thiện các văn bản, nghị quyết, quy định thực hiện Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên thứ 7 là đầu tư trang thiết bị giáo dục, thuốc và thiết bị y tế và việc tổ chức các hoạt động văn hóa – xã hội... tạo không khí vui tươi, phấn khởi ngày cuối năm.
Ngoài ra, ưu tiên tập trung đảm bảo lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35 của UBND tỉnh…
Tập trung thu đúng, thu đủ; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư
Tại phiên họp lãnh đạo Sở Tài chính đã báo cáo thu ngân sách Nhà nước, chi ngân sách địa phương 10 tháng năm 2024; bổ sung kinh phí năm 2024.
Theo đó trong 10 tháng năm 2024, Tuyên Quang nằm trong tỉnh thu ngân sách khá, đạt tiến độ đề ra. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 90,5% dự toán HĐND tỉnh giao, đạt trên 87% mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra và bằng 169% so với cùng kỳ năm 2023.
Một số khoản thu thực hiện đạt tiến độ theo dự toán đã được HĐND tỉnh giao như: Thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước do Trung ương quản lý; thu thuế thu nhập cá nhân; thu phí, lệ phí; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản thu ngân sách khác.
Bên cạnh các khoản thu đạt, một số khoản thu vẫn chưa đạt tiến độ đề ra như: Thu khu vực doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thuế bảo vệ môi trường; thu tiền cho thuê mặt đất…
Tại phần thảo luận, các đại biểu cho rằng hiện nay nguồn thu chính là từ cấp quyền sử dụng đất, tuy nhiên hiện nay do Luật Đất đai mới đã thay đổi, tiến độ giải phóng mặt bằng của một số công trình chậm, khiến cho việc thu ngân sách gặp nhiều khó khăn. Các đại biểu cũng kiến nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách trên địa bàn.
Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chỉ rõ, việc thu ngân sách không phải chỉ riêng trách nhiệm của ngành thuế, mà rất cần các ngành, địa phương, chủ đầu tư tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thu đúng, thu đủ theo đúng kế hoạch.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian không còn nhiều, để thực hiện mục tiêu thu trên 4.000 tỷ đồng, tập trung giải pháp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh các khoản thu trọng yếu, như thu tiền về cấp quyền sử dụng đất, thu từ khu vực doanh nghiệp… Để thu đúng, thu đủ, các ngành, địa phương, chủ đầu tư tập trung cao độ, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân. Khi giải ngân được nguồn vốn, việc thu ngân sách sẽ trở nên thuận lợi.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, bắt đầu từ ngày 25-11, Kho bạc Nhà nước báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo ngày lên UBND tỉnh; Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có trách nhiệm cập nhật tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thông qua tờ trình về chương trình mục tiêu quốc gia
Trong buổi sáng 21-11, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tờ trình về việc phân bổ Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2025.
Theo đó, vốn ngân sách dự kiến năm 2025 của chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững là trên 86.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương là trên 83,6 nghìn tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương trên 2,5 nghìn tỷ đồng.
Các nguồn vốn tập trung vào chương trình hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo; phát triển giáo dục, tạo việc làm bền vững. Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, dự kiến 216 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư 173 nghìn tỷ; vốn sự nghiệp trên 42,2 nghìn tỷ đồng.
Về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư bám tiêu chí, rà soát, các thủ tục, nguyên tắc trên cơ sở nhu cầu của các địa phương để phân bổ nguồn vốn theo đúng kế hoạch. Với các địa phương đã được phân bổ nguồn vốn phải tập trung làm, chúng ta chỉ bàn làm, không bàn lùi tất cả vì mục tiêu cho dân và cho nước.
Đảm bảo số lượng hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập
Về nội dung biên chế công chức, số lượng người làm việc, hợp đồng lao động làm công việc hỗ trợ, phục vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị năm 2025. Năm 2025, dự kiến có 16.798 người và cho ý kiến đối với 121 hợp đồng thực hiện công việc hỗ trợ, phục vụ làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, giảm 278 người so với năm 2024.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu đã thẳng thắn nêu rõ những khó khăn trong thực hiện tinh giản biên chế hiện nay. Đó là lượng công việc phải giải quyết rất nhiều tuy nhiên người làm lại đang thiếu.
Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để bổ sung hoàn thiện dự thảo. Trên cơ sở đó, cân đối, tính toán số lượng biên chế người làm việc và việc giao tự chủ cho một số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực đặc thù như y tế, giáo dục... Đảm bảo lộ trình tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Trung ương, đồng thời đảm bảo yêu cầu thực tiễn hoạt động của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, người lao động.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo trong năm 2025
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 10-2024, toàn tỉnh còn 6.976 hộ đang ở nhà tạm, dột nát, nhà xuống cấp cần được làm mới, sửa chữa. Với mục tiêu thực hiện hỗ trợ xóa hết nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh sẽ tập trung huy động nguồn lực để thực hiện hỗ trợ góp phâng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong đó, năm 2024, hỗ trợ xóa 1.694 hộ và năm 2025 sẽ hỗ trợ 5.281 hộ còn lại. Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ dự tính trên 342 tỷ đồng, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ làm mới, 30 triệu đồng với những hộ thực hiện sửa chữa.
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu đề nghị cần thống nhất mức hỗ trợ; thực hiện hiệu quả phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ nhằm phát huy cao độ tinh thần chủ động, tự lực, tự cường vượt lên khó khăn của người dân… Trên cơ sở đó, các huyện rà soát, xác định nguồn gốc đất để sớm hoàn tất thủ tục hỗ trợ người dân làm mới, xóa nhà ở tạm…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chăm lo nơi an cư cho người dân là nhiệm vụ cao nhất, là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Do đó, toàn hệ thống chính trị cần phải vào cuộc, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, đồng tâm hỗ trợ của toàn xã hội để Chương trình được triển khai hiệu quả, mục tiêu hoàn thành vào tháng 8-2025.
Phiên họp cũng đã cho ý kiến và thông qua các nội dung khác trong chương trình.