FDI Hà Nội khởi sắc, hướng tới thành quả cao hơn
Năm 2024, Hà Nội thu hút 2.162 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 30% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI.
Cải thiện môi trường, hoàn thiện thể chế để khơi thông nguồn lực
Trong đó, đăng ký cấp mới 293 dự án với số vốn đạt 1,212 tỷ USD; 205 dự án bổ sung tăng vốn với 297 triệu USD; 279 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 652 triệu USD.
Lĩnh vực thu hút vốn nhiều nhất là kinh doanh bất động sản, tiếp theo là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thương mại, dịch vụ, xây dựng và khoa học công nghệ… Trong đó, dự án chung cư Lumi Hà Nội tại Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm do Tập đoàn Capital Land (Singapore) đầu tư với số vốn 662 triệu USD, là một trong những dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm 2024 đến nay.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, vốn đầu tư FDI năm 2024 tập trung nhiều vào các tỉnh, TP có lợi thế cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… Trong đó, có Hà Nội.
Những năm qua TP Hà Nội luôn quan tâm và dành những điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI.
Đơn cử, với doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực được xác định "ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược" sẽ được TP miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; đồng thời, được áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp; trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh các lợi thế vượt trội mà TP Hà Nội đang nắm giữ về địa lý, nguồn nhân lực và cải cách hành chính. “Sự chuyển dịch của Hà Nội hướng tới TP xanh, sạch, thông minh và hiện đại đang mở ra triển vọng lớn; nếu thành công”- TS Lê Quốc Phương. Ông Phương cũng nhận định: “Hà Nội là một trong năm địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI suốt nhiều năm qua và tiên phong phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp nội địa có thể đáp ứng các yêu cầu của công nghiệp phụ trợ cho DN FDI tại Hà Nội đã tăng trưởng mạnh mẽ”.
Cơ chế mở với dòng vốn chất lượng cao
Gần một năm sau khi tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, TP Hà Nội tập trung phát triển khu công nghệ này thành nơi "đón sóng" đầu tư FDI cho những ngành công nghiệp mới, công nghệ cao đầy tiềm năng. Đến nay, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 109 dự án đầu tư (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng.
Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Trần Đắc Trung cho biết, Ban quản lý đang tập trung xây dựng các danh mục để thu hút các dự án về phát triển hạ tầng xã hội cần thiết, đồng thời thường xuyên chủ động đề xuất, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư tại đây. Trong đó, với những dự án đầu tư quy mô lớn (tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng) được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp trong 30 năm thay vì 15 năm như trước đây.
Trong thời gian tới, dự kiến Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ ngày càng hoàn thiện và thu hút được nhiều nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao. Theo kế hoạch, năm 2027, Viện Khoa học và công nghệ Hàn Quốc sẽ đầu tư, hỗ trợ Việt Nam thành lập Phòng nghiên cứu vi mạch bán dẫn đặt tại đây nhằm góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.
2025, thu hút FDI toàn cầu hiện gặp nhiều thách thức, đặc biệt là các chính sách giữ chân các nhà đầu tư của các quốc gia lớn. Các chuyên gia đến từ UNDP và Eurocham lưu ý, để chuẩn bị cho năm 2025 và nhiều năm tới, Chính phủ cũng như các địa phương cần đầu tư nhiều hơn cho đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh “tốc độ” hơn, trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp cận công nghệ hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.
Nhận định nguồn vốn FDI là động lực quan trọng cho phát triển, TP Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để có thể thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới. TP yêu cầu rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động,… để sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư, tập đoàn lớn; đẩy mạnh nâng cấp hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trung và dài hạn. Đặc biệt, Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua với nhiều cơ chế đặc thù mở thêm nhiều hướng phát triển cho TP, giúp Hà Nội tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư lớn.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tạo bước đột phá với hơn 50 nhiệm vụ mới được phân cấp và phân quyền, chính thức áp dụng từ đầu năm 2025, trong đó đáng chú ý là cơ chế cho phép thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy đổi mới khoa học và thương mại hóa sản phẩm công nghệ. TP. Hà Nội đang đứng trước cơ hội với việc khai thác lợi thế, thực hiện cải cách, vận dụng quy định mới để hướng tới những thành quả thu hút FDI cao hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) đồng quan điểm, chỉ rõ: Hà Nội là địa bàn được Chính phủ chọn để đặt Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Trung tâm Đổi mới Công nghệ Quốc gia, cùng với các trung tâm nghiên cứu, phát triển của nhiều tập đoàn kinh tế quốc tế. Các tập đoàn công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, đặt kỳ vọng lớn vào Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, coi đây là những địa phương đầu tàu. Ông Toàn tin tưởng rằng, với tiềm năng sẵn có, Hà Nội sẽ phát triển mạnh mẽ nếu biết khai thác đúng hướng.