Đầu tư vào điện mặt trời đạt kỷ lục hơn 300 tỷ USD mỗi năm, cơ hội nào cho Việt Nam?
Theo Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam, đầu tư vào điện mặt trời đã đạt kỷ lục hơn 300 tỷ USD mỗi năm, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của loại hình nguồn điện này trên toàn cầu. Trong khi, tiềm năng ở nước ta dồi dào khắp đất nước.
Hiện Việt Nam có khoảng 17 GW công suất điện mặt trời vào vận hành từ năm 2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về phát triển điện mặt trời trong khu vực ASEAN. Trong đó, có khoảng hơn 100.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đã được lắp đặt, tương đương với gần 50% tổng công suất điện mặt trời.
Những văn bản pháp lý mới được ban hành gần đây, như Nghị định 80 năm 2024 về Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn với nhà máy phát điện và Nghị định 135 năm 2024 thúc đẩy ĐMTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ, đã tạo khung pháp lý, kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo, hướng đến mục tiêu NetZero của Việt Nam vào năm 2050.
Là nước đạt tỷ lệ 58% tổng sản lượng điện từ năng lượng tái tạo, Bà Helga Barth, Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cho hay, công suất điện mặt trời nước Đức hiện đã vượt 80 GW và trở thành nguồn điện rẻ nhất, tạo ra nhiều việc làm.
Trên toàn cầu, năng lượng mặt trời tiếp tục dẫn đầu xu hướng chuyển đổi năng lượng tái tạo và đã trở thành nguồn năng lượng có chi phí hiệu quả nhất trên toàn thế giới.
"Đầu tư vào năng lượng mặt trời đã đạt mức kỷ lục với hơn 300 tỷ đô la mỗi năm, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của loại hình nguồn điện này trong hệ thống năng lượng toàn cầu", bà Helga Barth nói và nhấn mạnh, kinh nghiệm từ Đức rất khả quan cho Việt Nam khi nguồn năng lượng mặt trời của nước ta dồi dào trên khắp đất nước.
Thực tế, hiện chưa đến 1% mái nhà được lắp đặt điện mặt trời áp mái, bà Helga Barth cho rằng, tiềm năng phát triển điện mặt trời chi phí thấp ở Việt Nam còn rất lớn.
Theo bà, chi phí sản xuất điện mặt trời đã thấp hơn chi phí sản xuất điện than ở nhiều khu vực. Sự giảm giá nhanh chóng của công nghệ lưu trữ pin hứa hẹn sẽ thúc đẩy gia tăng tính cạnh tranh về chi phí của các hệ thống điện mặt trời quy mô lớn kết hợp pin lưu trữ so với điện than vào năm 2030.
Bên cạnh đó, năng lượng mặt trời còn đóng góp tích cực vào thị trường lao động toàn cầu, tạo việc làm cho hơn 5 triệu người vào năm 2023. Điều này càng nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của năng lượng mặt trời trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch xanh toàn cầu.
Do đó, để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng về năng lượng tái tạo, Vị Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh, Nghị định 80 và Nghị định 135 cần sớm được đưa vào thực tiễn.
Bà Helga Barth cũng lưu ý, Quy hoạch điện VIII sửa đổi sắp tới cần tạo cơ hội phát triển nguồn điện này.
"Để đạt được mục tiêu điện mặt trời tham vọng hơn vào năm 2030, việc phát triển lưới điện cần đi đôi với cơ chế giá mới cho điện mặt trời và lưu trữ năng lượng - đây là một nhiệm vụ đầy thách thức mà ngay cả Đức cũng đang phải đối mặt.
Chúng ta cần đảm bảo rằng môi trường và người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc thực hiện chuyển đổi năng lượng một cách bền vững, chi phí phù hợp và đáng tin cậy", bà Helga Barth nhấn mạnh.