'Chìa khóa' đưa Thanh Hóa tiến nhanh, tiến mạnh
Hơn chục năm trước, nhắc tới Thanh Hóa người ta thường nghĩ tới vùng đất nghèo, chưa có nhiều phát triển nổi bật. Thế nhưng vài năm trở lại đây, cái tên Thanh Hóa đã thực sự gây ấn tượng mạnh khi có những thay đổi vượt bậc trong phát triển kinh tế với nhiều chỉ tiêu quan trọng đã xác lập và những con số chưa từng có. Đó là thành quả kết tinh từ quyết tâm chính trị rất cao của Thanh Hóa trong chặng đường kiên trì, nhất quán thực hiện các mục tiêu cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Quyết tâm vươn tới đích đến cao hơn trong CCHC được thể hiện rất rõ nét khi lần đầu tiên Thanh Hóa mạnh dạn đưa mục tiêu “nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước” về các chỉ số PAPI, PAR INDEX, SIPAS, PCI vào năm 2025. Ngay sau đó là hàng loạt nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch lớn về đẩy mạnh CCHC được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành. Nền tảng cho mục tiêu này không chỉ là các giải pháp về công nghệ mà “gốc rễ” quan trọng nhất quyết định sự thành bại chính là yếu tố con người. Do đó, gắn trách nhiệm người đứng đầu và “truyền lửa cải cách” tới nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, công chức, viên chức được Thanh Hóa thực hiện quyết liệt thông qua nhiều hình thức như chấm điểm chỉ số CCHC, chấm điểm DDCI... nhằm tạo cuộc đua tranh ngay từ cấp cơ sở.
Để tất cả cùng thi đua lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, các cấp, các ngành đã đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý, chuyển từ “mệnh lệnh” hành chính sang phục vụ. Chính việc sử dụng “chìa khóa” công khai - minh bạch và cam kết - đồng hành để mở “nút thắt” niềm tin từ phía người dân, doanh nghiệp đã đem lại cho Thanh Hóa không chỉ là sự phát triển nổi bật trên biểu đồ tăng trưởng của đất nước, mà còn là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp ngày càng được nâng lên.
Với sự định hướng rõ ràng và hành động quyết liệt, sau 4 năm thực hiện khâu đột phá “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn giai đoạn 2021-2025”, nhiều mục tiêu đặt ra đã đạt và vượt so với kế hoạch. Thanh Hóa rất phấn khởi khi là một trong những tỉnh có số lượng thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến đứng đầu toàn quốc; là 1 trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với phần mềm dịch vụ công liên thông của Bộ Công an và phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp để tiếp nhận, giải quyết hồ sơ 2 dịch vụ công liên thông là đăng ký khai sinh và đăng ký khai tử. Thanh Hóa cũng là 1 trong 8 tỉnh đi tiên phong trong cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo ra bước tiến mới trong tiến trình số hóa các dịch vụ công và là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Trong thực hiện Đề án 06, 100% đơn vị cấp xã đã triển khai thực hiện và có hồ sơ phát sinh trên hệ thống, được Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đánh giá là tỉnh xếp trong tốp đầu cả nước.
Sự phát triển của Thanh Hóa trong những năm gần đây được đặt nền móng từ hàng loạt cải cách tiên phong và đột phá. Điều này được minh chứng khi những công trình “sừng sững” mang tầm vóc thế kỷ tiếp tục được hình thành; những tuyến giao thông lớn, trọng điểm đã và đang được triển khai kết nối với các vùng kinh tế của khu vực và cả nước; những khu đô thị hiện đại mọc lên khắp nơi hay những nhà máy, xí nghiệp “tầm cỡ” lần lượt ra đời...
Thanh Hóa hoàn toàn có quyền tự hào khi trở thành điểm sáng của cả nước trên thang bậc phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều chỉ tiêu quan trọng năm 2024 đã xác lập những con số ấn tượng chưa từng có như GRDP đạt 12,16%, đứng thứ 2 cả nước; thu ngân sách Nhà nước đạt 54.341 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và trong nhóm 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước. Trong năm, Thanh Hóa thu hút được 108 dự án, trong đó có 19 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 13.321,6 tỷ đồng và 422,9 triệu USD, gấp 1,3 lần về số dự án và tăng 15,9% về vốn đăng ký so với năm 2023... Với những nỗ lực bền bỉ và kiên trì, Thanh Hóa ngày càng khẳng định vị thế và thương hiệu về một điểm đến đầu tư an toàn, minh bạch, hấp dẫn và thành công.
Những thành quả mà Thanh Hóa đạt được trong giai đoạn 2021-2024 là rất phấn khởi, động lực để tỉnh quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ còn lại trong năm 2025, góp phần đưa Thanh Hóa tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước.