EU khẳng định sẽ không dỡ bỏ trừng phạt Nga
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 18/2, một quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) khẳng định khối này sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga ngay cả khi Mỹ làm như vậy.
![Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_18_294_51507846/50a004c32a8dc3d39a9c.jpg)
Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN
Phát biểu trước Hội đồng các vấn đề kinh tế và tài chính ở Brussels (Bỉ), Ủy viên châu Âu về kinh tế Valdis Domborvskis cho biết EU sẽ theo đuổi chính sách trừng phạt riêng của mình.
Quan chức trên nhấn mạnh với những động thái của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện tại, EU sẽ cần phải tự mình giải quyết nhiều hơn các vấn đề liên quan đến an ninh của châu Âu, vốn cũng liên quan đến chính sách trừng phạt. Theo ông Dombrovskis, EU cũng đang tiếp tục chuẩn bị gói trừng phạt thứ 16 đối với Nga.
Ông Dombrovskis cũng cho biết thêm Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng hành động nhanh chóng với các đề xuất nhằm nới lỏng các quy định ngân sách để tạo điều kiện tăng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên.
Phát biểu trước Hội nghị bộ trưởng tài chính EU ở Brussels, ông Dombrovskis rằng châu Âu cần chi nhiều hơn nữa, cần quan tâm đến an ninh và quốc phòng của mình một cách nghiêm túc hơn.
Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen cho biết châu Âu muốn hợp tác với Mỹ trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Lời kêu gọi hợp tác được đưa ra tại cuộc hội đàm giữa bà von der Leyen với Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine, ông Keith Kellogg, ngày 17/2 tại Brussels (Bỉ).
Bà von der Leyen nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn hợp tác với Mỹ để mang lại nền hòa bình công bằng và lâu dài cho Ukraine". Bà cũng thông báo thêm rằng về mặt tài chính và quân sự, châu Âu đã đóng góp nhiều hơn bất kỳ ai khác, đồng thời khẳng định “chúng tôi sẽ tăng cường hơn nữa".
Cuộc hội đàm giữa bà von der Leyen và ông Kellogg diễn ra khi các quan chức cấp cao của Mỹ - Nga đang tiến hành cuộc đàm phán cấp cao nhất từ trước đến nay về việc chấm dứt xung đột tại Ukraine.
Trong phản ứng của mình, cùng ngày, Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng "tất cả các bên liên quan có thể tham gia" các cuộc thảo luận về xung đột tại Ukraine.
Trả lời phỏng vấn báo giới về cuộc thảo luận mà không có sự tham gia của Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cho biết Trung Quốc "vui mừng khi chứng kiến mọi nỗ lực hướng tới hòa bình, song hy vọng tất cả các bên liên quan có thể tham gia các cuộc đàm phán hòa bình vào thời điểm thích hợp". Ông nêu rõ: "Trung Quốc hy vọng tất cả các bên có thể cùng nhau giải quyết nguyên nhân gốc rễ, tìm ra một cấu trúc an ninh cân bằng, hiệu quả, bền vững và đạt được hòa bình, ổn định lâu dài ở châu Âu".
Cũng trong ngày 18/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố Nga tập trung vào giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine, khác với Liên minh châu Âu và chính quyền trước đây của Mỹ.
Trả lời họp báo thường kỳ, ông Peskov nêu rõ: "Định hướng hòa bình của Nga đã được xác định ngay từ đầu. Tổng thống Putin đã nhiều lần nói về sự sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình... Điều quan trọng đối với chúng ta là đạt được các mục tiêu của mình. Tất nhiên, chúng ta ưu tiên các biện pháp hòa bình để đạt được mục tiêu này".
Đại diện Điện Kremlin nhấn mạnh một giải pháp lâu dài là bất khả thi khi không có sự xem xét toàn diện về tất cả các vấn đề an ninh.