Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: Cơ hội phát triển mạnh mẽ cho vùng Tây Bắc
Theo Chương trình của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 15/2, Quốc hội sẽ thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Dự án thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân hai tỉnh miền núi Lào Cai, Yên Bái. Nhiều ý kiến tâm huyết từ thực tiễn được các cử tri phản ánh.
![Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được đề xuất. Ảnh: baochinhphu.vn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_294_51482738/c33aaef99db774e92da6.jpg)
Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh được đề xuất. Ảnh: baochinhphu.vn
Quyết tâm chính trị khi bước vào kỷ nguyên mới
Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lào Cai đánh giá, dự án đầu tư xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được đẩy mạnh triển khai thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện dự án chiến lược khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, từng bước cụ thể hóa chủ trương hợp tác chiến lược toàn diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, Trung Quốc và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch có liên quan.
Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng hiện tại kết nối với Trung Quốc đã có lịch sử trên 100 năm, kết cấu hạ tầng đã lạc hậu, chất lượng dịch vụ thấp, không đáp ứng được nhu cầu vận tải, nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh Lào Cai nói riêng và của cả nước nói chung. Việc triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần rất lớn xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam – Trung Quốc, nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình của nhân dân và cả hệ thống chính trị của tỉnh.
Dự án mang lại những lợi ích to lớn và tạo ra những cơ hội phát triển vượt bậc cho tỉnh; đồng thời đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, đặc biệt trong bối cảnh giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng phát triển; tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch và dịch vụ, tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia vào quá trình xây dựng, cung cấp vật liệu, dịch vụ logistics.
Các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí vận chuyển, mở rộng thị trường tiêu thụ. Người dân địa phương sẽ có cơ hội được đi lại, giao thương thuận lợi hơn, tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn. Dự án cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Chính quyền tỉnh Lào Cai đã và đang tích cực chuẩn bị mọi mặt để dự án được triển khai thuận lợi, hiệu quả. Tỉnh đã có những triển khai cụ thể về giải phóng mặt bằng, tái định cư để có thể thực hiện ngay khi Chủ trương đầu tư Dự án được Quốc hội phê duyệt như: xây dựng sơ bộ phương án bồi thường và hỗ trợ tái định cư (điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, đồng thời lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; chỉnh lý bản đồ địa chính; thống kê, kiểm đếm sơ bộ tài sản cây cối hoa màu…); xây dựng phương án sắp xếp, bố trí và xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân và các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp bị ảnh hưởng; dự kiến các mỏ vật liệu, bãi đổ thải phục vụ Dự án.
Tăng kết nối, giảm chi phí logistics
Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chạy qua tỉnh Yên Bái có chiều dài gần 77 km với 2 ga trung gian hành khách và hàng hóa tập trung là An Thịnh và Yên Bái; có 3 ga kỹ thuật là Châu Quế Thượng, Đông An và Y Can. Được đánh giá có hướng tuyến tối ưu, Dự án đường sắt này chạy dọc theo sông Hồng và đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai rất thuận lợi cho kết nối đường bộ và đường sắt tại các ga.
Ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Yên Bái cho rằng, Dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp và các huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái với bên ngoài; đồng thời tạo bước đột phá trong phát triển hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, tăng cường kết nối giao thông, giảm chi phí logistics hàng hóa; tăng thêm lợi thế thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế của các địa phương vùng miền núi phía Tây của Yên Bái.
Lợi thế của đường sắt vượt trội so đường bộ cũng như phương thức vận tải khác. Vận tải đường sắt có khả năng vận chuyển với khối lượng lớn hàng hóa cùng một lúc, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, tối ưu trong vận hành, đảm bảo chất lượng và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa. Do vậy, Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ là cơ hội phát triển lớn cho ngành Vận tải và logistics của tỉnh Yên Bái.
Cử tri Nguyễn Đình Cương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Sản xuất Hương Giang (thôn An Hòa, xã An Thịnh, huyện Văn Yên) khẳng định, việc xây dựng 1 trong 2 ga trung gian hành khách và hàng hóa tập trung trên địa bàn xã An Thịnh sẽ mở ra cơ hội mới phát triển kinh tế cả vùng Tây Bắc của tỉnh Yên Bái. Đường sắt không chỉ kết nối với cao tốc Hà Nội - Lào Cai thông qua nút giao IC 14 mà còn kết nối với tỉnh Sơn La và Hà Giang thông qua các tuyến đường bộ đang gấp rút hoàn thành.
Cử tri Nguyễn Đình Cương cho biết thêm, hiện nay, phần lớn khoáng sản, nông lâm sản xuất khẩu của tỉnh Yên Bái sang Trung Quốc và các nước đang phải vận chuyển bằng đường bộ xuống Hải Phòng, chi phí khá lớn và thời gian kéo dài. Ở chiều ngược lại, nếu Dự án đi vào hoạt động sẽ giúp các doanh nghiệp của tỉnh giảm chi phí vận tải khi nhập nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc và các nước.
Những kiến nghị từ thực tiễn
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Giao thông Yên Bái đề nghị, cần có cơ chế giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ Dự án; tránh việc lợi dụng khai thác, tập kết vật liệu cho mục đích khác, ảnh hưởng đến tiến độ và khối lượng phục vụ thi công; đồng thời, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi phục vụ Dự án phải tự lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông, nhất là đối với mỏ cát, sỏi lòng sông nằm trên đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao, sát với nhà dân và đường giao thông.
Liên quan đến quỹ đất lâm nghiệp sử dụng cho Dự án, ông Tô Xuân Quý, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái cho rằng, diện tích đất lâm nghiệp phục vụ Dự án là khá lớn. Do đó bên cạnh việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cần đánh giá kỹ các tác động sinh học, hệ sinh thái; có phương án trồng rừng thay thế và bảo vệ khu rừng nguyên sinh có Dự án đi qua; quan tâm ổn định sinh kế cho người dân làm nghề rừng; đồng thời có phương án tạo việc làm, chuyển đổi nghề đối với người bị thu hồi đất; thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư thỏa đáng nơi có Dự án đi qua.
Đối với việc xây dựng nhà ga và các công trình phụ trợ, cử tri Hoàng Ngọc Thạch (trú tại phố Dã Tượng, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái) đề nghị, quy mô xây dựng hệ thống nhà ga, kho bãi, các dịch vụ phục vụ cho vận tải tại nhà ga cần tính toán kỹ cho thời gian dài; có nhiều loại hình kho bãi đáp ứng nhu cầu của nhiều loại hàng hóa. Ngoài ra cần tính toán quy mô hệ thống đường dẫn kết nối giao thông và tác động môi trường khi đưa nhà ga vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Dự án cần đề ra các tiêu chí, quy trình cụ thể về phương pháp, nội dung đánh giá và cách thức giám sát, kiểm tra của người dân đối với công trình trọng điểm quốc gia; nhất là giám sát trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt.