Thực hiện tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng: nên ưu tiên đặt hàng các doanh nghiệp trong nước

Chiều 15/2, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) bày tỏ đánh giá rất cao Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và cho rằng, đây là dự án có triển vọng mang lại hiệu quả cao. Tuyến đường sắt kết nối cho các tuyến hành lang từ Lào Cai về Hải Phòng qua Hà Nội - là hành lang kinh tế quan trọng thứ hai sau hành lang kinh tế Bắc - Nam với khối lượng vận chuyển hàng hóa, hành khách rất lớn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Đoàn TP Hà Nội, tuyến này được xây dựng kết hợp cả vận chuyển hàng và cả hành khách, do vậy tính hữu dụng của nó sẽ rất cao. Khi xây dựng xong tuyến này sẽ nối thẳng với tuyến đường sắt của Trung Quốc từ Ngọc Khê, Hà Khẩu... Chúng ta sẽ có thể vận chuyển hàng hóa từ phía Tây Trung Quốc sang cảng Hải Phòng, giúp cho cảng Hải Phòng chắc chắn sẽ trở thành một cảng mang tính quốc tế nhộn nhịp hơn. Bên cạnh đó, khi xây dựng xong tuyến này thì tính chất chuyển giao công nghệ rất cao, nhất là với sản xuất đường sắt đô thị.

Từ những lý do trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong nghị quyết này phải nhấn mạnh hơn ưu tiên đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp trong nước trong việc làm chủ trong 3 lĩnh vực: xây dựng đường, xây dựng cầu, xây dựng hầm; sản xuất về đường ray; đóng toa xe.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu đặt hàng cho các doanh nghiệp trong nước thì có thể chấp nhận giá thành ban đầu cao hơn so với việc đi mua quốc tế, nhưng toàn bộ tiền đầu tư trở thành tăng trưởng kinh tế trong nước và tạo ra GDP.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) - Ảnh: Quochoi.vn

"Nếu chúng ta tiếp tục đi mua nước ngoài thì tiền này chảy ra nước ngoài và không trở thành tăng trưởng kinh tế trong nước, hơn nữa chúng ta sẽ không bao giờ có được ngành công nghiệp đường sắt. Do vậy, chúng tôi đề nghị phải mạnh dạn đưa vào trong nghị quyết là ưu tiên đặt hàng, khi đặt hàng. Như thế thì đồng nghĩa với việc Chính phủ phải cam kết cho các doanh nghiệp này có thị phần" - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu.

Còn đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) bày tỏ băn khoăn với công nghệ sử dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray điện khí hóa, bởi đây là tuyến đường sắt liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vì vậy, cần làm rõ hơn việc lựa chọn công nghệ này có phù hợp với công nghệ đường sắt Trung Quốc hay không? hay tàu lên đến Lào Cai muốn qua Trung Quốc phải thuê đầu kéo hoặc thuê tàu Trung Quốc.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, khi dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội hoàn thành sẽ tồn tại nhiều tuyến đường song hành cùng trên một khu vực với các tỉnh, với các hình thức vận tải khác nhau như: đường sắt khổ đơn, đường sắt khổ đôi, đường bộ cao tốc và đường quốc lộ. Do vậy, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cần đánh giá tác động khi dự án đường sắt này hoàn thành sẽ tác động như thế nào đến thị phần vận tải và hoạt động kinh doanh vận tải trên từng tuyến đường để có phương án xử lý trong thời gian tới cho phù hợp.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 15/2 - Ảnh: Quochoi.vn

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 15/2 - Ảnh: Quochoi.vn

Tham gia thảo luận, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) đề xuất, để bảo đảm tiến độ dự án theo đề xuất của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét, bổ sung thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ khác để ổn định chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất cho Nhân dân. Cho phép UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế tại địa phương chủ động quyết định biện pháp hỗ trợ, mức hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể theo quy định hiện hành của pháp luật.

Đồng thời, cho phép UBND cấp tỉnh được thực hiện ngay công tác quy hoạch thuộc các nội dung liên quan đến dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn số 47/2024/QH15 ngày 26/11/2024 trước ngày Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025.

Phát biểu làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Trần Hồng Minh cho biết, về hướng tuyến, dự án đã nghiên cứu và lựa chọn theo nguyên tắc tuyến ngắn nhất, thẳng nhất để, giảm các công trình trên tuyến, giảm các khối lượng ở trên tuyến để cân đối được khối lượng đào cũng như khối lượng đắp. Đồng thời, đã làm việc trực tiếp với 9 địa phương để thống nhất phương án tuyến và phương án tuyến hiện nay đã cơ bản tốt.

Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Trần Hồng Minh - Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Trần Hồng Minh - Ảnh: Quochoi.vn

Cùng với đó, các công trình trên tuyến thiết kế phải bảo đảm được khả năng chịu lực, phải nằm trong các tiêu chuẩn thiết kế của quốc gia cũng như của thế giới; hai là giao cắt khác mức với các đường bộ đã được nghiên cứu và đề cập.

Về nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm an toàn nợ công, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết, nguồn vốn để chủ động linh hoạt trong sử dụng vốn cũng như trong báo cáo đã nêu gồm vốn trong nước, nguồn vốn vay nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong nhiệm kỳ 2025-2030, Chính phủ sẽ cân đối nguồn vốn để trình Quốc hội.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuc-hien-tuyen-duong-sat-lao-cai-ha-noi-hai-phong-nen-uu-tien-dat-hang-cac-doanh-nghiep-trong-nuoc.html
Zalo