Dược sĩ cảnh báo rủi ro khi mua thuốc ngoài bệnh viện

Theo dược sĩ Bệnh viện Bạch Mai, một số người thường có thói quen mua thuốc ngoài bệnh viện vì cho rằng giá rẻ hơn.

Theo dược sĩ khoa Dược - Bệnh viện Bạch Mai, trong bối cảnh người dân ngày càng chú trọng đến sức khỏe, việc lựa chọn nguồn mua thuốc đáng tin cậy là yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Mua thuốc tại bệnh viện nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn

Tuy vậy, một số người bệnh thường có tâm lý sau khi khám tại bệnh viện, cơ sở y tế sẽ ra ngoài mua thuốc vì cho rằng giá cả rẻ hơn. Song với việc mua thuốc ngoài bệnh viện, đôi khi người bệnh sẽ phải đối mặt với các nguy cơ bị đổi thuốc, thay thuốc bằng những loại thuốc tương đồng, nhóm thuốc khác, thuốc kém chất lượng, thậm chí còn khác cả hoạt chất.

Hiện nay, các bệnh viện, cơ sở y tế đều có nhà thuốc để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh ngoại trú.

Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai có 6 nhà thuốc được cấp phép đạt tiêu chuẩn GPP (Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc - PV). Các nhà thuốc giống nhau về danh mục thuốc, chất lượng thuốc, giá thuốc… Trong 6 nhà thuốc này của Bệnh viện Bạch Mai, người bệnh có thể mua thuốc ở nơi thuận tiện nhất với mình.

Việc mua thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện giúp đảm bảo các yếu tố: Thuốc có nguồn gốc rõ ràng với hóa đơn, chứng từ đầy đủ từ đơn vị cung ứng; thuốc được bảo quản đúng điều kiện nhiệt độ, độ ẩm, thời gian 24/24; giá cả được niêm yết công khai theo đúng thặng số bán lẻ do Chính phủ quy định; chủng loại, thành phần đúng với chỉ định bác sĩ kê đơn.

 Việc mua thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện giúp đảm bảo chất lượng, an toàn.

Việc mua thuốc tại các nhà thuốc bệnh viện giúp đảm bảo chất lượng, an toàn.

Phân loại và nhận diện thuốc

Cũng theo dược sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Luật Dược 2016 quy định: Biệt dược gốc là thuốc đầu tiên được cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu về chất lượng, an toàn, hiệu quả.

Thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh sau khi hết thời hạn bảo hộ phát minh, các công ty dược khác được phép sản xuất những thuốc tương tự biệt dược gốc, được gọi là thuốc generic.

Thuốc generic và thuốc biệt dược, thuốc phát minh giống nhau là chứa cùng dược chất, với cùng hàm lượng hoặc nồng độ, cùng dạng bào chế và cùng đường dùng.

Thuốc generic và thuốc phát minh có thể khác nhau ở những đặc điểm như: Tên thuốc, hình dạng, màu sắc, mùi vị, bao bì, qui cách đóng gói, cách ghi nhãn, sự phối hợp tá dược, chất bảo quản… Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất giữa thuốc phát minh và thuốc generic là giá thành.

Các thuốc generic gần như được kế thừa những kết quả nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn tiền lâm sàng và lâm sàng của thuốc phát minh nên chi phí nghiên cứu và sản xuất sẽ thấp hơn thuốc phát minh rất nhiều.

Các thuốc generic hoặc thuốc phát minh có thể thay thế lẫn nhau trong điều trị khi đã chứng minh tương đương sinh học hoặc thử nghiệm lâm sàng.

Tuy nhiên, việc tự ý đổi thuốc đã được bác sĩ kê đơn không được khuyến khích. Trên lâm sàng, đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc khi tự ý đổi thuốc.

Mặc dù các thuốc biệt dược, thuốc phát minh và thuốc generic có những ưu và nhược điểm rõ ràng, nhưng sự lựa chọn loại thuốc nào còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ở cả phía bệnh nhân và bác sĩ.

Hiện nay, quy chế kê đơn quy định bác sĩ phải kê thuốc theo tên hoạt chất, kèm theo tên thương mại để tránh nhầm lẫn. Việc này nhằm hạn chế tình trạng các thuốc có tên gần giống nhau nhưng chỉ định điều trị khác nhau, ngăn ngừa việc dùng trùng lặp dược chất trong cùng một đơn dẫn đến quá liều và giúp dễ dàng lựa chọn thuốc thay thế khi cần (sau khi đã cân nhắc nguy cơ).

Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, bắt giữ 14 đối tượng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh…

Qua khám xét, cơ quan công an đã thu giữ 21 loại thuốc giả lên đến hàng chục nghìn hộp thuốc.

Ngoài ra, cơ quan công an còn thu giữ nhiều loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thuốc giả, gồm hơn 18.000 vỏ hộp các loại, 142 kg các loại viên hoàn, viên nén, bột và nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất. Tổng khối lượng thuốc giả và nguyên liệu để làm thuốc giả là gần 10 tấn.

Bộ Y tế cho biết theo thông tin ban đầu của Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị chức năng, số thuốc do các đối tượng làm giả không vào trong hệ thống các bệnh viện do không có giấy tờ, chứng từ để tham gia đấu thầu.

Thay vào đó, các thuốc tân dược giả này chủ yếu được bán ở kênh nhà thuốc do một số chủ nhà thuốc đã vi phạm các quy định về kinh doanh dược phẩm, mua thuốc trôi nổi, không có hóa đơn từ các đối tượng này.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/duoc-si-canh-bao-rui-ro-khi-mua-thuoc-ngoai-benh-vien-post844950.html
Zalo