Đưa vùng chè Tân Cương 'cất cánh' cùng du lịch và văn hóa

Đắm mình giữa vùng chè xanh mướt rộng hàng chục héc-ta, thưởng thức hương vị trà Tân Cương, trải nghiệm không gian văn hóa trà độc đáo và các dịch vụ du lịch sinh thái đặc trưng… sẽ trở thành dấu ấn khó quên của mỗi du khách khi đến với Thái Nguyên - 'thủ phủ đệ nhất danh trà'. Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực phát triển vùng chè gắn với du lịch và văn hóa, hướng đến mục tiêu nâng tầm giá trị, khẳng định thương hiệu trà Tân Cương cũng như tài nguyên du lịch vùng chè của tỉnh.

Vùng chè tập trung được mở rộng không chỉ góp phần giải quyết nguyên liệu đầu vào mà tạo một diện mạo mới cho vùng chè Tân Cương, nâng tầm thương hiệu chè thông qua du lịch.

Vùng chè tập trung được mở rộng không chỉ góp phần giải quyết nguyên liệu đầu vào mà tạo một diện mạo mới cho vùng chè Tân Cương, nâng tầm thương hiệu chè thông qua du lịch.

"kho báu" của xứ Trà

Từ lâu, chè Tân Cương đã trở thành niềm tự hào của người dân Thái Nguyên. Không chỉ là thức uống quen thuộc, chè còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa ẩm thực.

Hương vị đặc biệt, thơm ngon, đậm đà của chè Tân Cương đã chinh phục biết bao người yêu trà, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Cây chè không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng của người dân mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, là biểu tượng của sự tinh túy và truyền thống.

Chè Tân Cương gắn với thương hiệu “đệ nhất danh trà” không chỉ nằm trong tiềm thức của người dân Thái Nguyên mà còn vang danh bốn phương, vươn ra thế giới. Bên cạnh đó, chè không đơn thuần là cây xóa đói giảm nghèo mà đã trở thành cây làm giàu của bà con xứ trà.

Các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh chè của tỉnh đã và đang góp phần quan trọng nâng tầm giá trị, thương hiệu trà Thái Nguyên ngày một vươn xa.

Vùng chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên.

Vùng chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh đối với cây chè, trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tập trung quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành chè.

Vậy nhưng, Tân Cương nói riêng và vùng chè Thái Nguyên nói chung vẫn đang thiếu một “sức hút”, một điểm nhấn, hình ảnh mang tính biểu trưng, tạo ấn tượng mạnh mẽ cho chính thương hiệu mà mình đang sở hữu. Đó là một khu tổ hợp khép kín từ vùng chè nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với mô hình du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa trà đến hạ tầng giao thông, khu dân cư, thương mại, dịch vụ… được xây dựng và vận hành một cách đồng bộ bài bản, chuyên nghiệp.

Sao chè - một trong những khâu chế biến ban đầu ngay sau khi thu hái.

Sao chè - một trong những khâu chế biến ban đầu ngay sau khi thu hái.

Nghị quyết 11 - "Kim chỉ nam" cho sự phát triển

Để khơi thông những “điểm nghẽn” và khai thác tối đa tiềm năng của ngành chè Thái Nguyên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 3/2/2025 về phát triển ngành chè Thái Nguyên giai đoạn 2025-2030.

Nghị quyết này được xem như một "kim chỉ nam", định hướng cho sự phát triển của ngành chè trong giai đoạn mới. Mục tiêu Nghị quyết đưa ra là tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đến năm 2030 đạt 25 nghìn tỷ đồng.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc bảo tồn và phát huy giá trị vật thể, phi vật thể của cây chè và sản phẩm trà, góp phần nâng cao giá trị và tầm ảnh hưởng của văn hóa trà Thái Nguyên.

Theo đó, nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, trong đó việc hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, phát triển du lịch gắn với văn hóa trà, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, HTX… được coi trọng.

Ngay sau khi Nghị quyết ra đời, Thường trực Tỉnh ủy đã có cuộc làm việc với HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công để nghe báo cáo, cho ý kiến về đề xuất kế hoạch phát triển văn hóa trà và nghệ thuật thưởng trà Thái Nguyên năm 2025 và các phương án đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng chè nổi tiếng của tỉnh, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị quần thể cây chè cổ tại huyện Đại Từ.

Tháng 3-2025, Thường trực Tỉnh ủy và đại diện các sở, ngành, địa phương làm việc tại HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên). Tại đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có những phân tích, định hướng và chỉ đạo cụ thể để phát triển cây chè, văn hóa trà Tân Cương nói riêng và Thái Nguyên nói chung lên một tầm cao giá trị mới.

Đóng gói trà thành phẩm.

Đóng gói trà thành phẩm.

Xây dựng Tân Cương thành “thiên đường” của xứ Trà

Có thể thấy, từ chủ trương là Nghị quyết 11 đến những hành động, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh ngay từ những tháng đầu năm là một bước đi quan trọng, khẳng định khát vọng, quyết tâm cao đối với sự phát triển bền vững ngành chè, sản phẩm trà của Thái Nguyên.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là mở rộng vùng nguyên liệu chè Tân Cương, áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Cùng với đó là đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm cùng văn hóa trà Thái Nguyên.

Đặc biệt, ngay sau buổi làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại Tân Cương với những chỉ đạo, định hướng cụ thể, các sở, ngành, địa phương liên quan đã khẩn trương vào cuộc. Theo đó, Sở Xây dựng chủ trì, tổ chức họp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TP. Thái Nguyên, xã Tân Cương, để nghiên cứu, thống nhất phương án tham mưu cho UBND tỉnh về phương án mở rộng diện tích trồng chè theo đề nghị của HTX chè Hảo Đạt; đề xuất khu vực dự kiến quy hoạch khu dân cư, dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với phát triển văn hóa trà Thái Nguyên và phương án xây dựng hạ tầng giao thông.

Theo đề xuất, vùng nguyên liệu trồng chè của HTX chè Hảo Đạt sẽ được mở rộng lên khoảng 19,6ha. Vị trí này vừa nằm tại khu vực trung tâm xã Tân Cương, tiếp giáp với ĐT.267 vừa thuận lợi về hạ tầng cho phát triển du lịch theo quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, một vùng nguyên liệu thứ hai với quy mô hơn 33ha cũng được đề xuất bổ sung tại xã Tân Cương.

Mục tiêu là tạo ra những không gian trải nghiệm độc đáo, nơi du khách có thể trực tiếp thăm quan, tìm hiểu quy trình trồng, chăm sóc, chế biến chè, hòa mình vào đời sống văn hóa của người dân xứ trà.

Vùng chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên.

Vùng chè của Hợp tác xã chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên.

Cùng với đó, dự án quy hoạch xây dựng, đầu tư phát triển hạ tầng, khu dân cư, dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với văn hóa trà Thái Nguyên với diện tích gần 28ha tại trung tâm xã Tân Cương cũng được đề xuất. Vị trí này được đánh giá là đắc địa, không chỉ nằm giữa vùng chè mà còn kết nối thuận tiện với các điểm du lịch nổi tiếng như hồ Núi Cốc, sân vận động tỉnh và các sân golf…

Thêm một hướng mở khác là tuyến đường giao thông kết nối tuyến ĐT.267 (đường Tân Cương) với ĐT.262 sẽ được xây dựng, đảm bảo kết nối thông suốt giữa vùng chè với các khu du lịch và trung tâm kinh tế của tỉnh. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm mà còn giúp du khách dễ dàng tiếp cận với Tân Cương, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Ý nghĩa của việc phát triển hạ tầng này là vô cùng to lớn. Nó không chỉ tạo ra một diện mạo mới, khang trang, hiện đại cho vùng chè Tân Cương mà còn nâng tầm thương hiệu chè thông qua du lịch.

Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm một cách toàn diện về văn hóa trà, từ những đồi chè xanh mướt, quy trình chế biến tỉ mỉ đến thưởng thức hương vị đặc trưng trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Điều này không chỉ thu hút du khách mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh, dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ. Công tác quy hoạch và quản lý đất đai được rà soát chặt chẽ, đảm bảo sử dụng đất hiệu quả và bền vững.

Các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh chè, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng chứng nhận chất lượng và mã số vùng trồng được chú trọng. Đồng thời, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu chè Thái Nguyên trên thị trường trong nước và quốc tế cũng được đẩy mạnh.

Với những nỗ lực và quyết tâm cao, tỉnh Thái Nguyên đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tân Cương trở thành một "thiên đường" của xứ Trà, không chỉ nổi tiếng về chất lượng sản phẩm mà còn là một điểm đến du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn.

Chè Tân Cương không chỉ là một sản phẩm nông nghiệp mà còn là một "đại sứ" văn hóa và du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Thái Nguyên đến bạn bè trong nước và quốc tế. Kỳ vọng về một tương lai tươi sáng đang hé mở trên những đồi chè xanh mướt, nơi "báu vật" của Thái Nguyên hướng đến trở thành một "viên ngọc xanh" của du lịch Việt Nam.

Hoàng Anh - Lăng Khoa

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202505/dua-vung-che-tan-cuong-cat-canhcung-du-lich-va-van-hoa-1f72365/
Zalo