Du lịch Lào có gì để 'đổi vận' đìu hiu?
Đất nước triệu Voi tụt hậu so với Việt Nam và Thái Lan khi nói đến du lịch. Chính phủ hy vọng khách sạn, đường sá và hệ thống tàu hỏa mới sẽ đưa Lào lọt vào mắt xanh của du khách quốc tế.
Ngành du lịch của Lào đang chuyển mình. "Tây ba lô" bắt đầu đến Lào nhiều hơn thập kỷ trước. Du khách bị thu hút bởi những ngọn núi đá vôi kỳ vĩ, ngôi chùa Phật giáo, nhịp sống sôi động và đặc biệt là dịch vụ giá rẻ.
Tờ New York Times (NYT) cho rằng khách du lịch quốc tế tìm đến Lào là những người gan dạ và thích phiêu lưu. Nguyên nhân là họ phải đến đây phần lớn bằng cách lái xe nhiều giờ liền trên những con đường ghồ ghề, bắt đầu từ Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam.
"Lào là quốc gia không giáp biển duy nhất ở Đông Nam Á và chính phủ khai thác rất ít chuyến bay thương mại, đặc biệt là chặng đường dài", NYT nhận định.
Và "đất nước triệu Voi" muốn thay đổi điều đó.
Trong bối cảnh hàng không còn hạn chế, chính phủ cho xây dựng cơ sở hạ tầng mới nhằm giữ chân du khách bao gồm khách sạn, đường cao tốc, đáng chú ý là hệ thống tàu hỏa với tốc độ 160 km/h kết nối một số điểm đến nổi tiếng nhất của đất nước.
Trước đó, cơ quan du lịch nước này chỉ định 2024 là năm du lịch quốc gia và triển khai chính sách miễn thị thực, cải thiện chất lượng đào tạo hướng dẫn viên và tổ chức hàng chục lễ hội lớn, nhỏ.
Tuy nhiên, giữa lúc mọi thứ sắp chạm đỉnh bùng nổ du lịch, sự kiện ít nhất 6 khách du lịch trẻ tuổi tử vong (do nhiễm methanol) ở thị trấn Vang Vieng vào tháng 11 xảy đến làm lung lay niềm tin của du khách.
Tàu cao tốc là cứu cánh
Lào có diện tích gấp đôi tiểu bang Pennsylvania (Mỹ). Nền kinh tế nước này phụ thuộc vào nông-công nghiệp, ước tính 85% dân số phục vụ ngành.
Chính phủ muốn đưa du lịch trở thành một huyết mạch kinh tế. Năm 2024, Lào đón số lượng khách kỷ lục lên đến 5 triệu lượt, tạo ra doanh thu 1 tỷ USD, vượt mục tiêu đề ra và 100% phục hồi mức trước đại dịch Covid-19.
Sau sự vụ liên quan đến chất methanol gây chết người, chính phủ Lào đã cấm tiêu thụ các nhãn hiệu rượu Tiger Vodka, Tiger Whisky và tăng cường quảng bá nhiều loại hình du lịch, điểm đến để níu giữ du khách, theo DW.
Trong đó, hệ thống đường sắt kết nối Lào - Trung Quốc, khởi chạy từ Viêng Chăn đến Côn Minh là chìa khóa động lực phát triển quan trọng.
Thủ tướng nước này Sonexay Siphandone ghi nhận sự gia tăng số lượng khách sử dụng phương tiện trên đến thăm các điểm nóng du lịch như Vang Vieng và Luang Prabang.
David Ormsby, một nhà tư vấn du lịch, nói với DW rằng Lào đang đi đúng hướng khi chọn phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, nước này cần có phương án dài hơi hơn để đối phó với nhu cầu du lịch ngày càng tăng cũng như khả năng làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa.
Tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc mở cửa vào cuối năm 2021, nhưng lịch trình khởi chạy xuyên biên giới giữa 2 nước chỉ vừa bắt đầu vào năm 2023. Dự án trị giá 6 tỷ USD do Trung Quốc tài trợ là tham vọng của đất nước tỷ dân nhằm kết nối quốc gia trên khắp 5 châu lục.
Chuyến tàu bán cao tốc sẽ đưa du khách đến các thành phố, vùng nông thôn có cảnh quan khác nhau chỉ trong 1-2 giờ và là phương tiện thay thế ôtô, xe buýt giúp rút ngắn thời gian di chuyển.
Trong đó, tàu sẽ đi qua thủ đô của Lào đến Luang Prabang (di sản được UNESCO công nhận với hàng chục ngôi chùa Phật giáo công phu và biệt thự thuộc địa Pháp), sau đó đến Vang Vieng với cảnh quan, hệ thống hang động, đầm phá đa dạng).
Tuyến đường sắt này cũng là một điểm thu hút khách du lịch.
Chính phủ cho xây dựng các nhà ga khổng lồ với mái nhà màu đỏ, trang thiết bị hiện đại. Giá vé tương đối phải chăng. Chặng đường 2 giờ từ Luang Prabang đến Viêng Chăn có giá dưới 20 USD.
Tuy nhiên, tàu vẫn có một số điểm hạn chế như máy bán hàng tự động và các cơ sở kinh doanh ở ga Viêng Chăn chưa hoạt động. Du khách khó có thể đặt vé tham quan trực tiếp trên ứng dụng nếu không có số điện thoại địa phương.
Ngoài tàu hỏa, các đường cao tốc mới cũng bắt đầu xây dựng nhằm thay thế những con đường nguy hiểm đầy ổ gà.
Còn gì khác không?
Tuy nhiên, Christine Chung - cây bút của NYT - cho rằng đuờng sắt bán cao tốc trên chỉ là phương tiện đưa du khách đến với Lào. Đất nước vẫn sở hữu nhiều tài nguyên cho du khách khám phá. Nổi bật là các ngôi đền mạ vàng và bar ven sông.
Theo Christine, ở Viêng Chăn, du khách có thể trải nghiệm một số hoạt động điểm hình như tham quan những ngôi đền mạ vàng, lưu trú trong các biệt thự thuộc địa cũ của Pháp và đi dạo bên sông Mekong vào ban đêm, nơi có một công viên giải trí, chợ đêm, quán bar và nhà hàng ngoài trời với giá khá rẻ.
Những điểm nổi bật khác bao gồm chuyến thăm Ock Pop Tok, làng dệt may truyền thống có trụ sở tại Luang Prabang, chèo thuyền kayak trên sông Nam Song hoặc ngồi phao đi qua hang động.
Tại Kuang Si, một thác nước nhiều tầng với làn nước màu xanh nước biển ở phía nam Luang Prabang, có dịch vụ xe golf đến bãi đậu xe và một đường dây zip mới uốn lượn qua khu rừng. Một cầu thang kim loại đến chân thác nước đã thay thế một loạt cầu thang gỗ cũ và trơn trượt.
Heather Heverling, Giám đốc điều hành của Audley Travel, một nhà điều hành tour du lịch có trụ sở tại Anh, cho biết khách du lịch cũng đang ngày càng công nhận sự quyến rũ của Lào và tìm kiếm điểm đến như một phần bổ sung cho các hành trình Đông Nam Á khác.
Từ tháng 1-10/2024, số tiền đặt phòng của đơn vị trên đã tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Catherine Heald, đồng sáng lập Remote Lands, một đại lý du lịch có trụ sở tại New York hoạt động độc quyền ở châu Á, nhận định: “Trước đây, khách du lịch thực sự chỉ đến Luang Prabang và rời đi. Nhưng bây giờ mọi thứ đã khác".
Theo Cirium, một công ty dữ liệu hàng không, vào năm 2024, chưa đến 1,8 triệu ghế hàng không đến Lào, hầu hết trong số đó được cung cấp bởi các hãng hàng không Trung Quốc và Thái Lan. Trong đó, hơn 46 triệu chỗ ngồi đã có sẵn cho Thái Lan.
Jason Rolan, một chuyên gia du lịch sống ở Viêng Chăn, cho biết: “Lào luôn là một quốc gia 'đi kèm', tức khách sẽ đến nước trong khu vực trước sau đó tiện đường sẽ đến Lào".
"Sự xa xôi Lào đã giữ cho thiên nhiên của quốc gia được bảo tồn và hấp dẫn cho du khách nhưng họ không biết điều này", vị này nói.