Người vẽ giấc mơ trên đồi Kim Sơn

Nuôi giấc mơ từ ký ức tuổi thơ, Nguyễn Văn Hè đã hiện thực hóa tác phẩm nghệ thuật chính nơi ở của mình trên ngọn đồi ở làng Kim Sơn (phường Thủy Bằng, quận Thuận Hóa). Nơi đó, mô hình chiếc máy bay khổng lồ đã được anh tạo tác theo một cách riêng khiến nhiều người khi bước vào đây choáng ngợp.

 Ngôi nhà được dựng lên từ giấc mơ có dáng hình chiếc máy bay là không gian sống, vừa là tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè trên đồi Kim Sơn

Ngôi nhà được dựng lên từ giấc mơ có dáng hình chiếc máy bay là không gian sống, vừa là tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè trên đồi Kim Sơn

Lên làng Kim Sơn, hỏi ngôi nhà có dáng hình máy bay của họa sĩ Nguyễn Văn Hè, dân làng vùng này không ai không biết. Còn với giới nghệ sĩ ở Huế, Hè đã quá quen thuộc với đề tài hậu chiến cùng những bộ sưu tập hiện vật về tàn tích chiến tranh.

Giấc mơ từ chiêm nghiệm và tình yêu

Không gian nơi Nguyễn Văn Hè chọn dựng tác phẩm là khoảng đất rộng, thoai thoải với tầm nhìn là những ngọn đồi vây quanh, xa xa rừng thông vi vu gió và những ngôi nhà nhấp nhô… “Nơi đây như quê nhà của tôi ở vùng Phong Xuân, Phong Điền. Mọi thứ đưa tôi đến đây như một cơ duyên”, Hè nhẹ nhàng nói về ngôi nhà, vừa là công trình kiến trúc, vừa là tác phẩm nghệ thuật để đời của chính mình.

Bên trong tác phẩm “chiếc máy bay” mọi thứ như chậm rãi, khiến con người ta như được sống hiền hòa với đất trời, thiên nhiên khi nghe tiếng của cỏ cây, của gió cùng ánh nắng vàng len lỏi vào những sớm mai bình yên.

Phong Xuân là vùng quê nghèo. Nhưng vùng quê ấy còn ám ảnh hơn khi bị ảnh hưởng nặng nề hậu chiến tranh. Ký ức về những mảnh bom đạn, những con người đối mặt với di chứng chiến tranh đã ảnh hưởng đến con đường sáng tác của Hè khi trở thành sinh viên của Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

 Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè bên một tác phẩm nghệ thuật về đề tài chiến tranh được bày biện trong chính không gian nghệ thuật của mình

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè bên một tác phẩm nghệ thuật về đề tài chiến tranh được bày biện trong chính không gian nghệ thuật của mình

“Không hiểu sao ngày nhỏ mình ấn tượng nhất hình ảnh chiếc máy bay. Cứ rảnh, mình xếp mô hình máy bay giấy, ghi ước mơ vào đó rồi phóng lên trời, với giấc mơ trở thành họa sĩ”, Hè nhớ lại. Và rồi khi trở thành họa sĩ, đề tài mà chàng sinh viên trẻ vẫn miệt mài theo đuổi và thực hành đó chính là hậu chiến. Bao chiêm nghiệm, thấu cảm và ước mơ tuổi thơ ấy đã trở thành chất liệu gắn liền với sự nghiệp của Hè.

Những tác phẩm lần lượt được Hè trình làng đã chạm vào lòng người và được công chúng đón nhận nhiều cách khác nhau. Cho đến một ngày, có vị khách trầm trồ khen ngợi và đồng cảm mạnh mẽ với những tác phẩm để rồi rung động trước những trăn trở, đau đáu của chàng họa sĩ. Người đó chính là vợ của Hè sau này.

“Chính vợ con đã tiếp cho tôi sức mạnh, cảm hứng. Nhìn con, tôi thấy tuổi thơ của mình. Có sự đối lập nhưng ngập tràn yêu thương. Từ đó, tôi toàn tâm toàn ý phác thảo ý tưởng về ngôi nhà hình máy bay. Đó không chỉ là nơi mình được sống cùng ký ức, mà đó còn là khát khao để mình gửi gắm tình cảm dành cho những người mình thương yêu”, Hè chia sẻ.

Sự kết tinh tuyệt vời của nghệ thuật

Từ bản thiết kế chiếc máy bay giấy, Hè cùng nhiều cộng sự thân quen là những kiến trúc sư, kỹ sư hiện thực hóa thành một tác phẩm trên diện tích hơn 250m2 trong không gian khu vườn rộng gần 1.250m2 của mình. “Ngoài cốt nền như hình chiếc máy bay, chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng kết cấu đón gió, trượt gió… để ngôi nhà vừa là nơi sinh hoạt, vừa là tác phẩm mà mình tâm huyết nhưng phải vừa toàn mỹ, vừa kiên cố; không phá vỡ cảnh quan mà phải mềm mại trước thiên nhiên”, Hè kể.

Từ ý tưởng cho đến khi thực hiện là cả hành trình dài, rất nhiều trắc trở và nghĩ suy. Ngày đó, khi lối vào làng Kim Sơn không chỉ nhỏ mà còn lổm chổm đất đá, việc di chuyển vô cùng gian nan. “4 nhà thầu đã nói không thể! Tưởng rằng giấc mơ đành gác lại, nhưng may thay, một người bạn trong ngành xây dựng khi hay tin đã đồng ý hỗ trợ. Những khối bê tông đổ xuống, ngôi nhà và tác phẩm hình máy bay dần hiện lên. Và đây - tác phẩm ấy chính là ngôi nhà hiện tại”, Hè hạnh phúc nói.

Điểm đặc biệt của tác phẩm này chính là không gian mở tuyệt đối, với hệ cửa được trưng dụng từ 300 tấm ry nhôm từng là vật liệu được tháo ra từ một sân bay dã chiến ở miền Nam, được Hè cất công nhiều năm để “sưu tầm”. Ngoài phòng riêng, cả không gian rộng ấy đều là… phòng khách khi không có sự ngăn cách. Đứng ở đâu trong “chiếc máy bay” này cũng có thế thấy vườn cây, chạm mặt với thiên nhiên, phóng tầm nhìn theo những cánh rừng cây vi vu gió. Cũng từ đây, chỉ cần liếc mắt có thể thấy ngay một khu vườn Huế với đủ loài cây cho hoa thơm trái ngọt vừa để phục vụ đời sống, thú chơi thanh đạm, thư giãn tinh thần của gia chủ với hoàng mai, hải đường, ổi, mít, đào, thanh trà, bưởi, măng cụt… Thấp thoáng những hiện vật chiến tranh cỡ lớn được gia chủ bày biện xen lẫn trong khu vườn, như gợi nhớ, nhắc nhở điều gì đó với những ai thoáng chạm.

Đứng trước ngôi nhà cũng là tác phẩm nghệ thuật ấy, TS. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức - Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP. Huế không khỏi trầm trồ bởi sự độc đáo, tính sáng tạo của gia chủ. Ông nói, cuộc đời ai cũng có giấc mơ, nhưng để biến giấc mơ ấy thành hiện thực là điều không hề dễ dàng và Hè đã làm được điều đó. “Bằng ngôn ngữ tạo hình riêng, ngôi nhà của Hè không chỉ là tổ ấm mà còn là không gian nghệ thuật. Những tàn tích của chiến tranh hiện hữu rất rõ nhưng không tạo cảm giác sợ sệt, mà như đưa người ta đi vào một cuộc dạo chơi”.

Như một cơ duyên, giấc mơ của Hè được tiếp thêm niềm vui bởi ngọn đồi Kim Sơn giờ đây là nơi có thể nhìn thấy những chiếc máy bay từ sân bay Phú Bài. Từ ngôi nhà của mình, Hè nhìn lên những “con chim sắt” ngay trên đầu mình, nở nụ cười mãn nguyện!

Phan Thành

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/nguoi-ve-giac-mo-tren-doi-kim-son-149639.html
Zalo