Những 'Nghệ sĩ hát rong' của làng
Bây giờ còn ai ra ngồi hóng mát ở cầu và hò ru em hay hát những câu ca, làn điệu dân gian của quê mình hay không? Hát như là chơi, là tự nguyện, chỉ cần có người muốn nghe là hát, hát để giới thiệu làng mình, giới thiệu cây cầu ân tình của làng mình, tôi nghĩ chắc chỉ có ở cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy.
“Ai về cầu ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui”
Cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng đã đi vào ca dao từ cách đây gần 2,5 thế kỷ khi bà Trần Thị Đạo xuất tiền xây tặng dân làng chiếc cầu gỗ “thượng gia hạ kiều” vào năm 1776 để bà con trong làng đi lại thuận tiện, ra ngồi chơi hóng mát.
Và trên chiếc cầu di sản ấy, hàng ngày những người con của làng Thanh Thủy Chánh vẫn hát những làn điệu dân ca quê mình như hát bài chòi, hò giã gạo, hò bài thai, hò ru em làm cho di sản trăm năm thêm phần hồn. Di sản mang hơi thở của con người, đang sống cùng bà con, sống trong bà con.
Một trong những nghệ nhân thường xuyên có mặt và tự nguyện hát, hò tặng du khách đến thăm cầu ngói đó là o Nguyễn Thị Kình. Bây giờ mà lên Youtube tìm “O Kình” là có bạt ngàn tư liệu về o Kình và những nghệ nhân hát bài chòi ở cầu ngói Thanh Toàn. Nhưng có ngồi nghe o Kình hát ở ngay tại cầu ngói trong làn gió mát từ con mương nhỏ dưới chân cầu thổi lên hay gió từ những cánh đồng xa thổi lại, nghe trong gió mùi ruộng đồng, mùi làng quê thì mới thấy những làn điệu dân gian vang lên trong không gian này mới thật sự là “làng” làm sao, mới thấm đậm làm sao. “Ạ ơ/Mẹ bồng con lên non ngồi cầu Ái Tử/Vợ trông chồng đứng núi vọng phu/Ạ ơ/Chiều chiều bóng xế trăng lu/Nghe con ve kêu mùa hạ/Biết mấy thu gặp chàng/Ạ ơ/Thiếp xa chàng như mai lan xa bể thánh/Chàng đà xa thiếp như phụng hoàng lạc cảnh sầu tiên/Ạ ơ/Nhịp sầu chi giải ba niên/Biết ngày nào thôi thương bớt nhớ giải mấy nỗi phiền nớ đi”. Đây là một bài hò ru em xưa. Nếu không có o Kình hò hôm ấy thiệt là khó để được nghe trực tiếp một làn điệu ấm áp, nồng nàn tình cảm như thế.
O Kình kể: “Ngày trước khi còn xuôi ngược với nghề đi đò cát, đêm khuya chạy thuyền về trên dòng sông vắng, nghĩ cảnh mình vất vả, buồn tủi nên o khóc từ điện Hòn Chén về đến cầu Bạch Thổ. Cô quạnh quá nên o hò cho đỡ buồn. Bây giờ o Kình bán quầy bánh kẹo và nước dừa tại cầu ngói. Khi không có khách o đi qua cầu ngói ngồi chơi và hò bài chòi, hò ru em cho khách nghe. O làm tự nguyện, khách tặng tiền bồi dưỡng o cũng hò mà không có o cũng hò, chỉ cần khách muốn nghe là o hò. O Kình chỉ mong ai ai về thăm cầu ngói Thanh Toàn đều thấy vui và yêu mảnh đất, con người làng Thanh Thủy Chánh quê o.
Chiều hôm ấy tôi may mắn gặp thêm chú Trần Duy Đối cùng ra cầu ngói chơi, thế là có một buổi văn nghệ dân gian ngay trên cây cầu lịch sử. Mùa đông mà khách về thăm cầu ngói khá đông, vui quá ai cũng hào hứng tham gia phụ họa “là hù là khoan” cùng o Kình và chú Đối. Đặc biệt có bốn cô giáo trẻ người Hà Nội quay phim suốt buổi. Khi chia tay một cô thay mặt nhóm xúc động “Thật là một buổi chiều thú vị, không ngờ Huế “hay” như thế, Huế có những người nghệ nhân thật sự giỏi và có tâm”.
Vừa hát bài xưa, o Kình và chú Đối còn sáng tác lời ca. Theo nhà thơ Võ Quê: “Đó là những sáng tác có chất lượng, có bài thơ gắn với lịch sử dân tộc, ngôn ngữ thơ có tính gợi hình rất cao. Đây là hai nghệ nhân thật sự có tài”.
Nghĩ về không khí hát hò đậm chất dân gian làm sống động di sản cầu ngói Thanh Toàn, tôi thầm cảm ơn những con người chân quê hồn nhiên và yêu ca hát này. Họ là sức sống của di sản, là hơi thở của di sản để di sản không là những khối vật thể lặng thầm cùng tháng năm, cùng mưa nắng mà là di sản đang ôm ấp con người và con người đang tri ân di sản. Ngắm o Kình và chú Đối bỗng nhiên tôi mơ hồ lo sợ, sau o Kình và chú Đối còn ai sẽ ra ngồi hát, hò ở cầu ngói như những nghệ sĩ hát rong vô vụ lợi, chỉ với một tình yêu ca hát như thế này. Người biết hát, biết hò ở làng Thanh Thủy Chánh không ít, như là cái gen của làng, nhưng tự nguyện làm “người hát rong” theo ngày tháng bất kể mưa nắng cùng cây cầu quê hương như chú Đối và o Kình thì không biết sẽ có ai tiếp nối.
Tôi ngắm nhìn cầu ngói Thanh Toàn một lần nữa trước khi chia tay o Kình và chú Đối, lòng nghĩ về những hạt ngọc dân gian sáng lấp lánh ở các làng quê, những con người bình dị, chân chất ấy đã yêu quê hương mình bằng một tình yêu tha thiết và đầy tự hào như câu hát vè của chú Trần Duy Đối: “...Thanh Toàn cầu ngói thuở nào/Lưu danh thiên cổ đi vào sử dân/Đồng quê thơm ngát hương lành/Trăng soi tỏa sáng lung linh giọt thềm/Cho dù thế sự đầy vơi/Cho dù vật đổi sao dời quản chi/Quê tui còn một chút ni/Giữ thơm quê mẹ còn gì đẹp hơn”.
O Kình, chú Đối - những nghệ sĩ hát rong của làng là những người giữ nét tinh hoa văn hóa làng cho Huế hiện đại và phát triển hôm nay.