'Tết âm phủ' và thực tại đáng lo
Tết Nguyên đán là dịp để tưởng nhớ tổ tiên và tri ân cội nguồn, một phong tục lâu đời thể hiện đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn' của người Việt. Nhưng khi lòng thành kính bị vật chất hóa, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm đã bay theo những làn khói vàng mã hư ảo, để lại gánh nặng không chỉ về tài chính mà còn cả với môi trường.
Đốt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, tại các khu chợ lớn như Đồng Xuân (Hà Nội), Bến Thành (TP Hồ Chí Minh), gian hàng vàng mã luôn đông nghịt người mua. Các sản phẩm ngày càng đa dạng và xa hoa: Từ biệt thự, xe hơi đến điện thoại đời mới, vali tiền vàng mã. Giá mỗi món dao động từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra từ 5 đến 10 triệu đồng, thậm chí cả tháng lương để sắm sửa đầy đủ vàng mã cho lễ cúng Tết.
Chị Đinh Thu Hằng, một giáo viên tiểu học tại Hà Nội, chia sẻ: "Gia đình tôi năm nào cũng chi gần 8 triệu đồng để mua vàng mã. Từ biệt thự, trang sức, xe ô tô, xe máy, bàn ghế, quần áo đến những thứ lặt vặt như giày dép, bát, đũa...".
Mỗi dịp Tết, hàng chục nghìn tấn vàng mã được tiêu thụ và đốt cháy trên khắp cả nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân trong cả nước đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương đương gần 5.800 tỷ đồng.
Đốt đồ giả, hậu quả thật
Việc đốt vàng mã không chỉ dừng lại ở vấn đề tài chính mà còn để lại hậu quả sâu hơn. Mỗi năm, việc đốt vàng mã thải ra hàng nghìn tấn khí CO2, SO2 và bụi mịn PM2.5 - những chất gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Tại các đô thị lớn, vào những ngày Tết, không khí thường xuyên bị ô nhiễm bởi khói vàng mã. Chị Nguyễn Ngọc Lan, sống tại một chung cư của quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết: "Khói từ việc đốt vàng mã dày đặc đến mức tôi không dám mở cửa sổ ban công. Các cháu nhỏ trong nhà hay bị ho và khó thở vào dịp này".
Ngoài khói bụi, ngành sản xuất vàng mã cũng tiêu tốn lượng lớn nguyên liệu gỗ và còn có nhiều vụ hỏa hoạn từ việc đốt vàng mã gây ra.
Với những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, tâm lý phải mua sắm đầy đủ vật phẩm vàng mã cho người âm đã tạo ra áp lực tài chính không nhỏ. Anh Vũ Văn Hậu, một nông dân ở Hà Giang, thừa nhận: "Có năm nhà tôi phải vay mượn để mua biệt thự, xe hơi nhiều vật phẩm vàng mã khác, bởi lo các cụ ở dưới cõi âm thiếu thốn. Không làm thì thấy rất bất an, cảm giác mình chưa chu toàn, chưa thành tâm trọn vẹn”.
Giữ gìn giá trị nguyên bản của lòng tri ân
Tết Nguyên đán là dịp để tri ân tổ tiên, nhưng lòng thành kính có được đo đếm bằng những lễ vật xa hoa? Những con số hàng trăm tỷ đồng, hàng chục nghìn tấn giấy bị đốt cháy mỗi năm là lời cảnh tỉnh rằng chúng ta cần thay đổi tư duy và hành động.
Phong tục tưởng nhớ tổ tiên bằng lễ vật vốn là nét đẹp truyền thống của người Việt, nhưng liệu những nhà lầu, xe hơi bằng giấy có thực sự cần thiết? Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng nhấn mạnh: Đốt vàng mã không nằm trong giáo lý nhà Phật. Đây là một tập tục dân gian, nhưng không mang lại giá trị tâm linh mà chỉ gây lãng phí.
Theo nhiều chuyên gia, tưởng nhớ tổ tiên là nét đẹp cần được gìn giữ, nhưng điều đó nên xuất phát từ lòng thành kính chứ không phải từ áp lực xã hội hay sự phô trương vô nghĩa. Một Tết đúng nghĩa không nằm ở những lễ vật xa hoa mà ở sự gắn kết gia đình, lòng tri ân sâu sắc và trách nhiệm với môi trường, xã hội. Bản chất của lòng thành kính không nằm ở giá trị vật chất của lễ vật mà ở sự chân thành của con cháu.
Nhiều gia đình hiện nay chọn cách tưởng nhớ tổ tiên giản dị và ý nghĩa. Chị Cao Minh Hà, sống tại Hải Phòng, chia sẻ: "Thay vì mua vàng mã, gia đình tôi dành tiền làm từ thiện, giúp đỡ người khó khăn dịp Tết đến Xuân về, như một cách tích phúc cho gia đình, con cháu. Tôi tin rằng tổ tiên cũng sẽ hài lòng khi con cháu làm điều tốt".
Hãy để lòng hiếu thảo được thể hiện qua những hành động ý nghĩa: Một bữa cơm sum vầy, một lời cầu nguyện chân thành, hay những việc làm tử tế dành cho xã hội... Đừng để những làn khói hư ảo làm mờ đi giá trị thật sự của Tết - sự gắn kết, yêu thương và lòng biết ơn sâu sắc từ trái tim.