Dự án 'Yêu lắm Việt Nam' lan tỏa tình yêu lịch sử tại Lạng Sơn

Dự án kể chuyện lịch sử qua địa danh, di tích mang tên 'Yêu lắm Việt Nam' do Báo Nhân Dân phối hợp với các đối tác công nghệ triển khai trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã mang những câu chuyện lịch sử đến với công chúng, góp phần quảng bá lịch sử văn hóa Lạng Sơn đến với độc giả qua không gian số.

Người dân trải nghiệm Dự án "Yêu lắm Việt Nam" tại Phố đi bộ Kỳ Lừa

Vào những tối cuối tuần, Phố đi bộ Kỳ Lừa, phường Hoàng Văn Thụ là điểm đến yêu thích của đông đảo người dân trên địa bàn cũng như du khách gần xa khi có dịp ghé thăm thành phố Lạng Sơn. Đây cũng là 1 trong 3 điểm được lựa chọn đặt trạm tương tác thông minh trong Dự án “Yêu lắm Việt Nam” được báo Nhân Dân lắp đặt trên địa bàn thành phố Lạng Sơn. Khi sử dụng điện thoại thông minh để quét trên bảng gắn chip NFC, người dân và du khách có thể đọc các thông tin về Phố đi bộ Kỳ Lừa, chợ đêm Kỳ Lừa như: quá trình hình thành, thời gian mở cửa, các hoạt động thường diễn ra tại đây… cùng các hình ảnh đặc sắc về phố đi bộ. Ngoài ra, khi check-in người dùng có thể biết được số lượng người đã check-in trước đó và chụp lại khoảnh khắc đăng lên hệ thống. Qua sử dụng điểm chạm sẽ phần nào giúp du khách tìm hiểu về các địa danh, di tích, từ đó hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử, mảnh đất và con người Xứ Lạng.

Chị Phạm Hồng Hạnh, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ: Lần đầu tiên có dịp đến tham quan Phố đi bộ Kỳ Lừa, khi sử dụng điểm trạm, tôi có thể dễ dàng tìm hiểu về thông tin chợ đêm Kỳ Lừa, những hoạt động đặc sắc diễn ra tại phố đi bộ… từ đó có những trải nghiệm thú vị, độc đáo hơn tại đây. Không chỉ vậy, khi check-in tại điểm trạm, tôi còn có thể chụp lại những hình ảnh để lưu lại, đăng tải lên hành trình check-in của mình. Tôi thấy rất thú vị và ý nghĩa.

Người dân tìm hiểu lịch sử chùa Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn qua dự án "Yêu lắm Việt Nam"

Người dân tìm hiểu lịch sử chùa Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn qua dự án "Yêu lắm Việt Nam"

Ngoài Phố đi bộ Kỳ Lừa, 2 điểm đặt trạm tương tác của dự án “Yêu lắm Việt Nam” được đặt tại Công viên bờ sông Kỳ Cùng và di tích chùa Tam Thanh. Đây đều là những di tích, danh lam thắng cảnh, điểm đến tiêu biểu của thành phố Lạng Sơn. Các trạm này không đơn thuần là nơi tra cứu thông tin, mà còn là công cụ học tập trực quan và sinh động dành cho học sinh. Thay vì những trang sách khô cứng, các em có thể khám phá lịch sử địa phương ngay tại những địa điểm lịch sử. Thông qua các ứng dụng tương tác, hình ảnh, video, dự án khơi gợi sự tò mò và hứng thú của học sinh đối với quá trình hình thành và phát triển của quê hương. Không chỉ dùng để tra cứu thông tin, các điểm trạm còn có những tiện ích như để người dân có thể kết nối internet, sạc thiết bị di động, chụp ảnh lưu lại những kỉ niệm…

Em Đào Hà Triệu Vy, học sinh lớp 10, Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Em thấy dự án "Yêu lắm Việt Nam" rất hay và ý nghĩa. Từ khi các trạm tương tác được đặt ở những nơi như chùa Tam Thanh, việc học lịch sử địa phương của chúng em trở nên thú vị hơn. Trước đây, mỗi khi nhắc đến lịch sử chùa, em chỉ hình dung qua những kiến thức trong sách, báo. Nhưng giờ đây, đứng ngay tại chùa Tam Thanh, em có thể dùng trạm tương tác để xem hình ảnh, đọc những câu chuyện lịch sử chi tiết, thậm chí có cả những đoạn video giới thiệu rất sinh động... Điều này giúp em hiểu sâu hơn về giá trị lịch sử và văn hóa của chùa, cảm nhận rõ hơn về những dấu ấn thời gian trên từng mái ngói, bức tượng. Không chỉ có chùa Tam Thanh, em và các bạn còn hay ghé qua Phố đi bộ Kỳ Lừa hay Công viên bờ sông Kỳ Cùng để tìm hiểu thêm về những địa danh khác của Lạng Sơn. Dự án này giống như một người bạn đồng hành, giúp chúng em học lịch sử một cách tự nhiên và dễ nhớ hơn.

Được biết, dự án “Yêu lắm Việt Nam” được Báo Nhân dân triển khai từ tháng 12/2024, đến nay, dự án đã được đặt 200 bảng gắn chíp NFC tại các địa danh nổi tiếng ở 60 tỉnh, thành phố, bình quân mỗi tỉnh có 3 điểm check-in. Dự án được xây dựng nhằm góp phần quảng bá du lịch một cách độc đáo, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Qua đây góp phần tạo được trải nghiệm độc đáo cho du khách, đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy du lịch địa phương.

Người dân sử dụng dự án "Yêu lắm Việt Nam" tìm hiểu về Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn

Người dân sử dụng dự án "Yêu lắm Việt Nam" tìm hiểu về Phố đi bộ Kỳ Lừa, thành phố Lạng Sơn

Bà Lê Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến và hiệu quả thiết thực của Dự án "Yêu lắm Việt Nam". Việc ứng dụng công nghệ số để kể chuyện lịch sử tại các địa danh như Phố đi bộ Kỳ Lừa, Công viên bờ sông Kỳ Cùng và di tích chùa Tam Thanh là hướng đi mới mẻ, thu hút đông đảo người dân và du khách. Các trạm tương tác thông minh không chỉ nâng cao trải nghiệm khám phá, cung cấp thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa một cách dễ dàng mà còn tạo điểm nhấn du lịch độc đáo, góp phần quảng bá và thúc đẩy du lịch Lạng Sơn một cách hiệu quả.

Với những thành công bước đầu tại Lạng Sơn, tin rằng dự án “Yêu lắm Việt Nam” sẽ tiếp tục được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ trên khắp cả nước, thực sự trở thành một kênh thông tin du lịch độc đáo, hấp dẫn và hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam tươi đẹp, giàu truyền thống văn hóa đến với bạn bè trong nước và quốc tế, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đầy ý nghĩa.

DƯƠNG KIM - THU HIỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/du-an-yeu-lam-viet-nam-lan-toa-tinh-yeu-lich-su-tai-lang-son-5045467.html
Zalo