Ánh mắt chiến sĩ trên bàn mổ trong ký ức của nguyên Bộ trưởng Y tế

Có những người sau ngày đất nước thống nhất lặng lẽ lần về bìa rừng, thắp nén nhang cho đồng đội nằm lại dưới gốc cây đã mọc chằng chịt rễ.

Nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, Tri Thức - Znews trân trọng giới thiệu câu chuyện của PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Y tế. Bà chia sẻ về những năm tháng chiến tranh, nơi tuổi trẻ của những chiến sĩ quân y gắn liền với hy sinh thầm lặng giữa mưa bom đạn lửa.

Cô y tá ở khu căn cứ Chàng Riệc

Trong căn lán dã chiến tối om, chỉ còn ánh sáng le lói của cây đèn dầu, tôi siết chặt tay áo vì lạnh, ngồi bó gối bên chiếc bàn phẫu thuật tạm bợ. Ngoài lán, mưa rừng xối xả dội xuống những tán cây già ở khu căn cứ Chàng Riệc (tỉnh Tây Ninh). Thời điểm này, tôi là cô y tá của Ban Dân Y Trung ương Cục miền Nam.

Tiếng dép cao su sột soạt, một đội tải thương hớt hải khiêng vào người chiến sĩ to cao tên Điệp vào lán. Tôi giữ nguyên tên của người chiến sĩ ấy, vì đó là cách để lưu giữ ký ức và trân trọng những hy sinh không thể nào quên.

Điệp nằm co ro trên cáng. Một cái chén được úp vào vết thương ở bụng để cầm máu. Điệp ngước đôi mắt đã đục mờ vì mất máu, miệng thì thào một câu ngắn ngủi, rồi lịm đi.

Không kịp suy nghĩ, tôi và đồng đội lao vào cấp cứu. Ánh đèn dầu bập bùng soi những bàn tay run rẩy, vội vã.

Trước khi gây tê tại chỗ, Điệp đã nắm lấy tay tôi, giọng thều thào nhưng quyết liệt "tôi lên được bàn mổ rồi, tôi tin tưởng anh chị". Chính cái nắm tay và câu nói này khiến tôi cùng đồng đội quyết tâm cứu người lính trẻ bằng mọi giá.

Ngoài lán, đạn pháo rền vang, tiếng trực thăng gầm rú xé toạc màn đêm. Mỗi lần pháo sáng quét ngang, khu lán dã chiến hiện rõ giữa biển lửa. Cái chết cận kề, nhưng trong mắt tôi lúc ấy chỉ còn ánh nhìn khẩn thiết của Điệp.

Ê-kíp dốc sức giành giật sự sống cho Điệp. Thế nhưng, khi lưỡi dao vừa chạm tới phúc mạc, tim anh ngừng đập. Sau 40 phút hồi sức tim phổi không thành công, Điệp ra đi.

 PGS Trung Chiến hiện tại vẫn tiếp tục làm việc với cương vị Chủ nhiệm CLB Ban Dân y miền Nam. Ảnh: Nguyễn Thuận.

PGS Trung Chiến hiện tại vẫn tiếp tục làm việc với cương vị Chủ nhiệm CLB Ban Dân y miền Nam. Ảnh: Nguyễn Thuận.

Chúng tôi buông dao mổ, ôm lấy nhau trong im lặng. Cả khu lán chỉ còn tiếng mưa đổ xuống lều, hòa cùng những giọt nước mắt mặn chát của những con người tưởng đã quen với mất mát.

Ở rừng, chúng tôi không được phép dừng lại để buồn.

Rồi tất cả tách nhau ra, tiếp tục lao vào điều trị cho những thương bệnh binh khác. Công việc cuốn chúng tôi đi, mãi đến ngày chiến thắng mới có thời gian bồi hồi nhớ lại.

Sự ra đi của Điệp để lại trong ký ức tôi niềm tiếc thương khó gọi thành lời.

Chia ly và hy vọng

Giữa những ngày bom đạn, Ban Dân Y Trung ương Cục miền Nam đã dựng nên một hệ thống y tế kiên cường. Hơn 40 cơ sở y tế lớn nhỏ nhanh chóng ra đời, từ văn phòng, cơ sở khám chữa bệnh, kho dược đến xưởng chế tạo trang thiết bị.

Trong điều kiện nguồn chi viện từ miền Bắc liên tục bị chia cắt, lực lượng dân y buộc phải tự sản xuất thuốc men, vaccine và dụng cụ y tế ngay tại chiến trường.

Khi đó sốt rét ác tính hoành hành, có những đêm cả khu lán sốt cao, run rẩy, mê man. Nhưng sáng hôm sau, người nào còn cựa mình được lại tiếp tục gánh võng, vác thương binh, làm phẫu thuật. Thuốc khi ấy quý như vàng.

Trong những khu lán lợp lá đơn sơ, sự sống được níu giữ bằng đôi bàn tay mệt mỏi và một niềm tin phải sống để thống nhất đất nước. Trên vạt rừng Chàng Riệc, những nấm mộ vô danh vẫn lặng lẽ nằm dưới lớp đất nâu ẩm, nơi mưa rừng rơi mãi không dứt.

Chiến trường khi ấy mỗi tấc đất đều tiềm ẩn hiểm nguy. Có lần đi tải gạo, tôi phải chui vào vỏ cây cháy để tránh pháo bầy. Một lần khác, trong đêm, chỉ một loạt đạn từ trực thăng địch cũng có thể cướp đi mạng sống cả đội y tế. Nhiều đồng đội đã ngã xuống ngay trước mắt tôi.

 PGS Trần Thị Trung Chiến (thứ ba từ phải vào) và các bạn cùng học tại Liên Xô năm 1982. Ảnh: Tư liệu.

PGS Trần Thị Trung Chiến (thứ ba từ phải vào) và các bạn cùng học tại Liên Xô năm 1982. Ảnh: Tư liệu.

Một trong những ký ức đau lòng nhất của tôi là lần mất đi bốn người đồng đội trong một buổi đi câu cá ven suối để cải thiện bữa ăn. Ba người gục sau tảng đá, người còn lại được tìm thấy dưới lòng sông, máu loang đỏ cả khúc nước.

Chiếc võng khiêng đồng đội về chính là tấm võng tôi vẫn nằm hàng đêm. Sáng hôm sau, tôi giặt sạch chiếc võng dưới dòng suối lạnh buốt, treo lên giữa lán, rồi lại tiếp tục dùng.

Tất cả vì lý tưởng chung

Tháng 4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi cùng đồng đội mang theo những thùng thuốc dã chiến tiến về giải phóng Sài Gòn. Chúng tôi lặng lẽ lên đường, trong tim mang theo khát vọng cháy bỏng: không để thêm một mạng người nào phải ngã xuống vì chiến tranh.

Ngay trong những ngày đầu tiếp quản, các đội y tế cách mạng nhanh chóng phối hợp với nhân viên y tế tại chỗ, thiết lập các trạm cứu thương dã chiến. Không phân biệt quân - dân, tất cả chỉ có một mục tiêu duy nhất: cứu người. Nhờ đó, thành phố không rơi vào khủng hoảng y tế. Các cơ sở sản xuất thuốc men được khôi phục nhanh chóng, trong khi miền Bắc kịp thời chi viện thuốc men và trang thiết bị, góp phần ổn định tình hình.

Trong không khí chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Ban Dân Y Trung ương Cục miền Nam đã chọn ra những cán bộ ưu tú đi tiền phương, hình thành các đội phẫu dã chiến, sẵn sàng tiếp quản Sài Gòn. Người ở lại hậu cứ nhận nhiệm vụ bảo vệ thương bệnh binh và chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch.

 Năm 1999, tại New York (Mỹ), PGS Trần Thị Trung Chiến vinh dự nhận Giải thưởng Dân số của Liên Hợp Quốc.

Năm 1999, tại New York (Mỹ), PGS Trần Thị Trung Chiến vinh dự nhận Giải thưởng Dân số của Liên Hợp Quốc.

Giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt, khi bom đạn dội xuống khắp miền Nam, những người lính áo Blouse trắng vẫn âm thầm gánh trên vai sứ mệnh chăm sóc thương bệnh binh và nhân dân, trong điều kiện gian khó tưởng chừng không thể vượt qua.

Chúng tôi chiến đấu với ba vũ khí: niềm tin vào Đảng, hoài bão thống nhất đất nước và sự đoàn kết không thể lay chuyển.

Ngày đất nước thống nhất, những người lính, người thầy thuốc từ rừng sâu trở về thành phố. Trong đội quân ấy, có người khóc, có người mừng mừng tủi tủi vì đã hoàn thành lý tưởng lớn nhất của tuổi trẻ. Nhưng cũng có những người nằm lại nơi căn cứ, mãi mãi ở tuổi thanh xuân.

Nguyễn Thuận (ghi)

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/anh-mat-chien-si-tren-ban-mo-trong-ky-uc-cua-nguyen-bo-truong-y-te-post1549274.html
Zalo