Đoàn Văn công Long An và đêm diễn lịch sử 01/5/1975
Đối với nhiều người từng gắn bó lâu dài với Đoàn Văn công Long An (VCLA), trong suốt 25 năm tồn tại của Đoàn (1963-1987), đêm 01/5/1975, một ngày sau Chiến thắng 30/4/1975, là đêm diễn đáng nhớ nhất. Các nghệ sĩ (NS) biểu diễn không chỉ bằng vốn liếng nghệ thuật của mình mà họ bước lên sân khấu bằng đôi chân của cuộc trường chinh 21 năm đấu tranh chống Mỹ, họ cất tiếng hát bằng âm vang chiến thắng của cả dân tộc. Còn hàng vạn người xem, không chỉ thưởng thức nghệ thuật mà như uống lấy từng lời ca tiếng hát của những con người mang hơi hướng huyền thoại.

Các tiết mục biểu diễn của Đoàn Văn công Long An trong chiến tranh (Ảnh tư liệu)
Nghệ sĩ - chiến sĩ
Ông Nguyễn Dũng - nguyên Trưởng đoàn VCLA, cho biết: Đoàn ra đời năm 1963 trên cơ sở của Đoàn Măng Non tỉnh, vừa phục vụ, vừa chiến đấu; đồng thời, nâng dần tính chuyên nghiệp. Những NS của Đoàn cũng là những chiến sĩ theo đúng cả nghĩa bóng và nghĩa đen, họ cùng lúc chiến đấu trên cả hai mặt trận - mặt trận văn hóa tư tưởng và cầm súng trực tiếp chiến đấu. Trong những năm chiến tranh ác liệt, tiếng hát, tiếng đàn của Đoàn VCLA luôn cất cao, các NS luôn sát cánh cùng các chiến sĩ giải phóng trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Lúc thì Đoàn diễn trên sân khấu là những chiếc xuồng kết lại dưới tán rừng tràm, khán giả là những chiến sĩ của sư đoàn bộ đội chủ lực vừa thắng trận trở về. Có lúc trên nền ruộng khô của một huyện vùng hạ, họ phục vụ buổi tiễn quân, chỉ cách đồn, bót của đối phương vài ba cây số, trên trời máy bay do thám của địch luôn quần đảo. Đoàn thường xuyên qua lại Lộ 4 (Quốc lộ 1 ngày nay) trong sự rình rập của đối phương, để mang lời ca tiếng hát đến 2 miền của tỉnh. Họ băng qua cả sông Soài Rạp để phục vụ Trại Thương binh của tỉnh nằm sâu trong rừng Sác.
Có không ít những NS - chiến sĩ trong Đoàn đã ngã xuống, có người thân xác vẫn còn lạc đâu đó trong những cánh rừng... Hiện trong một khu rừng Lò Gò - Xa Mát sát biên giới tinh Tây Ninh có một ngôi miếu nhỏ thờ 7 liệt sĩ Đoàn VCLA hy sinh trong trận bom B52 vào ngày 19/5/1970.
Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, Đoàn VCLA chuẩn bị một chương trình khá công phu, gồm đủ các thể loại ca nhạc, ca cổ, kịch, chập cải lương, múa,... Từ Ba Thu, vào khoảng giữa tháng 4/1975, họ theo bước những chiến sĩ giải phóng, bám theo bờ 2 dòng Vàm Cỏ đi về hướng Nam. Những ngày cuối tháng 4/1975, Đoàn chia làm 2 cánh. Một cánh nhỏ tiến về hướng Hậu Nghĩa để phục vụ cánh quân đánh vào tỉnh lỵ này. Cánh chính còn lại của Đoàn (khoảng 20 người) đi men theo sông Vàm Cỏ Tây phía bên Thủ Thừa tiến dần về thị xã Tân An. Đêm diễn cuối cùng của Đoàn trong cuộc chiến phục vụ các chiến sĩ bộ đội chủ lực của Sư đoàn 5 tại vùng Láng Cò.
Cũng như bao nhiêu suất diễn khác trong hơn 10 năm chiến tranh, sân khấu đêm ấy là một gò đất cao ráo, 2 chiếc micrô được tăng âm bằng 6 cục pin Con Ó, 2 chiếc loa sắt treo trên cây tràm. Vẫn là cây accordeon, cây guitar nhạc, guitar cổ, đàn tranh,... Bốn chiếc đèn măng xông chiếu sáng sàn diễn cùng với các phương tiện che chắn ánh sáng khi có máy bay xuất hiện. Buổi diễn kết thúc sớm, các chiến sĩ còn phải nghỉ để hôm sau hành quân tiếp về Tân An. Ánh điện từ phía Tân An hắt lên màn đêm làm sáng rực một góc trời. Những NS vừa chùi son phấn, vừa hướng mắt về vùng trời rực sáng ấy.

Đêm 29/4, các NS dừng chân bên bờ Vàm Cỏ Tây. Bỗng có tiếng súng nổ dồn dập từ phía cù lao Mỹ Phú, chỉ cách chỗ Đoàn một con sông. Nhiều loại súng hạng nặng (không phải súng trường hoặc tiểu liên) bắn tung mặt nước sông Vàm Cỏ Tây, đạn pháo bay rào rào trên những tàng cây nơi các NS dừng chân. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, các NS đã thấy trong lờ mờ bóng đêm mấy chiếc giang thuyền tấp vào bờ tránh đạn. Thì ra có một đoàn giang thuyền của đối phương khoảng 20 chiếc tháo chạy từ hướng Tuyên Nhơn về Tân An để đi tiếp ra biển, đến khu vực trên thì bị đơn vị xe tăng của quân giải phóng đậu bên bờ chặn đánh tan tác.
Hai chiếc đi đầu bị trúng đạn chìm tại chỗ, còn lại thối lui trong hoảng loạn, có 2 chiếc chạy lạc sang phía trú đóng của Đoàn VCLA. Và chỉ với vài khẩu súng trường, chiếc đèn pin, các NS đã bắt sống toàn bộ quân địch và chiếm giữ 2 chiếc tàu, bàn giao cho đơn vị quân giải phóng trước khi hành quân về thị trấn Thủ Thừa theo lệnh của cấp trên.
Văn công giải phóng
Trưa ngày 30/4/1975, Đoàn VCLA cùng đoàn quân giải phóng tiến vào thị trấn Thủ Thừa. Cả Đoàn chia nhau lên mấy chiếc xe lam chạy khắp thị trấn phát loa kêu gọi những người phục vụ trong bộ máy chính quyền Sài Gòn ra trình diện, giải thích chính sách, đường lối của chính quyền cách mạng để nhân dân hiểu mà an tâm. Đến chiều cùng ngày, một chiếc GMC được lãnh đạo tỉnh phái xuống Thủ Thừa đón đoàn NS về Tân An gấp để chuẩn bị một đêm diễn lớn.

Chiều tối 01/5/1975, tại Sân banh Tân An (khu vực trước UBND tỉnh ngày nay) diễn ra cuộc mít-tinh mừng Ngày Quốc tế Lao động 01/5. Trong buổi mít-tinh, đại diện Ủy ban Quân quản tỉnh có bài phát biểu giải thích chính sách của cách mạng, kêu gọi người dân an tâm, ổn định cuộc sống mới. Nhưng chính chương trình biểu diễn của Đoàn VCLA ngay sau đó mới có tác dụng xóa nhòa mặc cảm cũ mới ở người dân thị xã, làm cho họ cảm thấy cách mạng rất gần gũi với dân. Các NS cách mạng chỉ có được một ngày để làm quen với các phương tiện âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ hiện đại của cơ quan Tâm lý chiến đối phương để lại. Lần đầu tiên họ diễn trên sân khấu cao rộng, cũng lần đầu tiên NS được đèn pha rọi chói mắt. Rồi tiếng đàn điện, tiếng trống, nhất là tiếng guitar bass dội vào tức ngực.
Hàng vạn khán giả đã ồ lên thích thú và kinh ngạc với một chương trình hoành tráng đầy chất nghệ thuật. Họ đâu biết rằng, các NS của Đoàn từng được các bậc thầy về nghệ thuật (học ở Liên Xô và các nước Đông Âu) như đạo diễn Bích Lâm, biên đạo múa Thái Ly, nhạc sĩ Hoàng Việt,... đào tạo trong rừng. Đặc biệt, đạo diễn - nhà biên kịch bậc thầy Nguyễn Mỹ đã đích thân về Ba Thu dàn dựng một chương trình công phu cho Đoàn trước ngày vào chiến dịch. Trong khi ở thị xã Tân An đến thời điểm đó, việc ca hát vẫn nặng tính nghiệp dư. Vì vậy mà người dân thị xã đã thật sự bất ngờ về tính chuyên nghiệp của “Văn công giải phóng”.
Những bài nhạc Giải phóng miền Nam, Tiến về Sài Gòn, Bão nổi lên rồi, Anh là chiến sĩ giải phóng quân, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, rồi bài ca cổ Em gái sông Vàm qua các giọng ca Kim Hồng, Ngọc Mai, Kim Phượng, Minh Mẫn, Lê Minh, Huỳnh Trung, Bạch Cúc, Trường Kỳ, Minh Tuấn,... đã làm cho cả sân banh khi thì im lặng thưởng thức, lúc ồ lên vỗ tay tán thưởng. Chập cải lương Đêm phá kềm do chính bậc thầy về sân khấu Nguyễn Mỹ viết kịch bản và đạo diễn, đã trình diện khán giả Tân An một phong cách sân khấu hoàn toàn mới: Nghiêm túc, chặt chẽ, được đạo diễn công phu. Đặc biệt các tiết mục múa Trở về, Xuống đường, Trên đường phố Sài Gòn do chính cặp vợ chồng trưởng đoàn Nguyễn Dũng - Ái Nam và các diễn viên múa trong Đoàn thể hiện đã làm phong phú, sôi động và tươi mát chương trình, có cả mấy phát súng thật để phụ họa cho các tiết mục có “bắn súng”.
Theo ước tính của những người có trách nhiệm, buổi tối hôm ấy có hơn 10.000 khán giả đến xem chương trình biểu diễn của Đoàn VCLA. Và chính buổi mít-tinh - văn nghệ ngày 01/5/1975 đã góp phần nhanh chóng xóa tan những lo lắng vu vơ, những hoài nghi, làm cho quần chúng trong vùng tạm chiếm có cảm tình ngay với những người chiến thắng. Những người tổ chức đã rất lo lắng về vấn đề an ninh, trật tự cho đêm diễn nhưng buổi tối ấy đã rất an toàn, không có bất cứ điều bất ổn nào. Đêm diễn sau đó của Đoàn trên nền ruộng khô ở chỗ Sở Giao thông Vận tải sau này, đã bị kẻ xấu làm náo động với một trái lựu đạn cay.

Sau đó, Đoàn VCLA, với những chiến lợi phẩm rất lý tưởng cho nghề nghiệp vừa thu được, đã đi khắp các huyện, thị để làm sứ mệnh giống như ngày 01/5/1975 ở Tân An. Đoàn cũng trở về vùng căn cứ kháng chiến cũ để thăm và phục vụ người dân với một hình ảnh tươm tất hơn trước rất nhiều. Mỗi nơi Đoàn đến đều có một suất diễn hoành tráng, rồi khi Đoàn rút đi thì phong trào văn nghệ quần chúng sau giải phóng bắt đầu nở rộ.
Một thế hệ NS ra đời ngay sau ngày chiến thắng như Công Toại, Trường Giang, Lê Phương,... đã bước lên sân khấu thay thế thế hệ đàn anh phải gác súng, gác đàn đi học khắp các trường trong Nam ngoài Bắc. Sau đó, Đoàn VCLA đổi tên thành Đoàn Ca múa Long An, tồn tại đến năm 1987 thì ngưng hoạt động sau khi đã hoàn thành vai trò lịch sử. Trung tâm Văn hóa - Thông tin Long An ra đời và phát triển đến nay nhờ những trụ cột là NS của Đoàn VCLA một thời vang bóng./.