Đối thủ tiềm tàng của đồng USD xuất hiện, 'đòn phủ đầu' của ông Trump muốn trừ hậu họa từ trứng nước?
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở lại sân khấu kinh tế toàn cầu với phong cách và cách tiếp cận được giới quan sát bình luận là 'còn lợi hại hơn xưa', vẫn táo bạo và rất khó đoán.
![Washington được cho là đang sử dụng đồng USD như một công cụ địa chính trị đắc lực. (Nguồn: african.business)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_194_51476289/ce8fa317915978072148.jpg)
Washington được cho là đang sử dụng đồng USD như một công cụ địa chính trị đắc lực. (Nguồn: african.business)
Những nỗ lực khác nhau nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại toàn cầu khiến đồng tiền thống trị nền kinh tế thế giới luôn là tâm điểm chú ý. "Đòn phủ đầu" của Tổng thống Trump dành cho nhóm BRICS càng thu hút sự quan tâm mới đối với vấn đề tương lai của đồng bạc xanh.
Đòn phủ đầu?
Lần này, "đòn phủ đầu" dành cho nhóm BRICS là những lời đe dọa và chỉ trích. Người đứng đầu nước Mỹ đã dùng lời lẽ khá gay gắt, đe dọa áp thuế 100% và loại trừ hoàn toàn các thành viên BRICS khỏi thị trường Mỹ nếu họ tiếp tục thúc đẩy phi USD hóa.
BRICS, bao gồm các nền kinh tế lớn và mới nổi hàng đầu thế giới như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và UAE, hiện đang thảo luận về việc tạo ra một loại tiền tệ chung. Theo các thông tin được phát ra, đồng tiền chung BRICS trước hết nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch hàng hóa thương mại trong nhóm, để không bị các "thế lực" bên ngoài chi phối hoặc tác động.
Mới đây, một quan chức Brazil - quốc gia đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch BRICS 2025 tiết lộ, ý tưởng về loại tiền tệ chung để thay thế đồng USD được Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva và những nhà lãnh đạo khác nêu trong những hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây chưa từng được đưa vào các cuộc thảo luận kỹ thuật.
Thay vào đó, Brazil đang tập trung thúc đẩy các cải cách trong BRICS để tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch quốc tế bằng nội tệ, mở ra hướng đi giảm phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại toàn cầu.
Trên thực tế, đồng tiền chung của một nhóm BRICS - chiếm tới 31,5% GDP toàn cầu, gần một nửa dân số thế giới và 1/5 thương mại toàn cầu, được nhận định có thể thách thức sự thống trị lâu đời của đồng USD trong thương mại toàn cầu là điều dễ hiểu.
Những phát biểu của Tổng thống Trump đã thu hút sự chú ý mới của toàn cầu đối với vấn đề tương lai của đồng USD.
Phản ứng trước các cuộc thảo luận của BRICS về việc tạo ra một loại tiền tệ đối thủ hoặc ủng hộ việc áp dụng một loại tiền tệ thay thế cho đồng USD — dù là trường hợp nào cũng đều có khả năng sẽ đánh dấu sự kết thúc sự thống trị của đồng USD trong thương mại toàn cầu, một vị thế mà nó đã nắm giữ kể từ Thế chiến II.
“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia này từ bỏ ý tưởng tạo ra một loại tiền tệ đối thủ hoặc đồng ý về một loại tiền tệ thay thế cho đồng USD. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với mức thuế 100%, hoàn toàn mất quyền tiếp cận các thị trường kinh tế vô song của Mỹ”, ông Trump tuyên bố.
Gần đây, người đứng đầu Nhà Trắng cũng đã công bố áp mức thuế 25% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico (đã đạt thỏa thuận tạm hoãn 1 tháng), cùng với mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc (đã có hiệu lực từ ngày 4/2).
Các nhà phân tích của chuyên trang quan sát và phân tích địa chính trị Geopolitical Monitor có trụ sở tại Cannada nhận định, nhìn bên ngoài, chiến thuật của ông Trump có vẻ như có thể củng cố vị thế của đồng USD; tuy nhiên, phân tích sâu hơn cho thấy chúng sẽ phản tác dụng.
"Gậy ông rất có thể lại đập lưng ông"
Thay vì ngăn cản các nước BRICS, chúng thực sự có thể thúc đẩy các nỗ lực của họ, đặc biệt là Trung Quốc - quốc gia đang đi đầu trong "chiến dịch" đẩy nhanh quá trình phi USD hóa.
Vốn từ lâu nghi ngờ việc Washington sử dụng đồng USD như một công cụ địa chính trị, Bắc Kinh đã dành cả thập kỷ qua để xây dựng các hệ thống tài chính thay thế một cách chậm rãi, chẳng hạn, như bằng cách ngày càng mở rộng không gian sử dụng đồng nội tệ (Nhân dân tệ) để thanh toán thương mại quốc tế và mở rộng ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD để "ủng hộ" vàng và các loại tiền tệ khác.
Theo quan điểm này, bài viết trên chuyên trang Geopolitical Monitor cho rằng, các tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là sự ngăn cản đối với các nước BRICS, mà đúng hơn là lời kêu gọi họ hành động khẩn cấp. Việc ông liên tục sử dụng thuế quan và lệnh trừng phạt như các công cụ ngoại giao kinh tế không chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa Mỹ và các quốc gia đối thủ, mà còn làm gia tăng sự ngờ vực của các đối tác thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cách tiếp cận này chắc chắn sẽ thúc đẩy các quốc gia khác tìm kiếm các giải pháp thay thế cho đồng USD. Trung Quốc và Nga, với tư cách là mục tiêu chính trong lệnh trừng phạt và chiến tranh thương mại của Mỹ, đang đi đầu trong những thay đổi này, khi đã ký các thỏa thuận thương mại bằng tiền tệ địa phương và tăng cường hợp tác trong khuôn khổ BRICS.
Trong khi việc tạo ra một loại tiền tệ chung BRICS hoặc áp dụng một giải pháp thay thế đồng USD trên thực tế còn vướng nhiều thách thức về mặt hậu cần và thời gian, sáng kiến đồng tiền chung tượng trưng cho quyết tâm chung của khối, trong việc xây dựng một hệ thống tài chính ít phụ thuộc hơn vào Mỹ.
Những lời đe dọa, thậm chí là "đòn kinh tế" của Tổng thống Trump có thể làm gián đoạn những nỗ lực này trong ngắn hạn, nhưng chúng chắc chắn sẽ chứng thực những lo ngại ẩn sau các sáng kiến này - nỗi lo sợ rằng - Mỹ sử dụng sức mạnh kinh tế của mình, theo đuổi mục tiêu “Nước Mỹ trước tiên” mà không quan tâm đến sự ổn định tài chính toàn cầu lâu dài.
Đối với Trung Quốc, bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Mỹ, việc định hình một trật tự toàn cầu mới và thuận lợi không chỉ giới hạn ở kinh tế. Những sáng kiến này là một phần trong tham vọng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm khẳng định mình là một siêu cường toàn cầu.
Một hệ thống tài chính đa cực sẽ làm giảm mức độ dễ bị tổn thương của Trung Quốc và các nước BRICS khác trước áp lực kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới, trao cho họ nhiều quyền tự do hơn để theo đuổi các mục tiêu chiến lược ở quy mô khu vực và toàn cầu.
Dự án đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc là một phần của tầm nhìn này, có khả năng đóng vai trò là giải pháp thay thế cho các hệ thống thanh toán quốc tế dựa trên đồng USD, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.
Cuối cùng, sự thống trị của đồng bạc xanh chủ yếu được xây dựng dựa trên lòng tin - niềm tin rằng, Mỹ sẽ hành động như một nhà lãnh đạo có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu và các tài sản dựa trên đồng USD sẽ vẫn ổn định và dễ tiếp cận.
Do đó, các nhà phân tích quốc tế cho rằng, bằng cách biến đồng USD thành vũ khí thông qua các lệnh trừng phạt và thuế quan, Tổng thống Trump có nguy cơ làm suy yếu lòng tin này, không chỉ giữa các đối thủ mà còn giữa các đồng minh thân thiết. Và khi lòng tin này suy yếu, vị thế của đồng USD như một loại tiền tệ dự trữ của thế giới cũng sẽ bị suy yếu.
Nghịch lý trong lập trường "mạnh tay" của Nhà lãnh đạo nước Mỹ đối với việc phi USD hóa là bằng cách tăng cường sử dụng "đòn thuế quan" và "ủng hộ" lệnh trừng phạt, dường như ông Trump đang đẩy nhanh chính những xu hướng mà ông muốn loại bỏ.