Động thái hiếm hoi khi Nga điều động tiêm kích hạm Su-33 hộ tống oanh tạc cơ Tu-95MS

Hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga được hộ tống bởi tiêm kích hạm Su-33 để thực hiện chuyến bay qua vùng biển trung lập Barents và biển Na Uy như một phần của nhiệm vụ tuần tra chiến lược.

Tiêm kích hạm Su-33 và tiêm kích đánh chặn MiG-31 đã hộ tống cặp đôi oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS khi thực hiện các chuyến bay tuần tra chiến lược này.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, chuyến bay kéo dài hơn bốn giờ và tại một số thời điểm, các máy bay ném bom chiến lược được "hộ tống" bởi tiêm kích F-35 Na Uy và Typhoon của Anh.

Những chuyến bay tuần tra chiến lược này không có gì mới mẻ. Nga thường xuyên điều động máy bay ném bom Tu-95MS tuần tra tầm xa trên Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương và các khu vực chiến lược khác để chứng minh năng lực răn đe hạt nhân của mình trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên, nhiệm vụ mới nhất này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow

Trong khi quân đội Nga khẳng định rằng các chuyến bay này được thực hiện "theo đúng các quy định quốc tế", các nhiệm vụ như vậy thường kích hoạt hoạt động gia tăng từ các lực lượng không quân phương Tây. Câu hỏi vẫn còn là liệu chuyến bay mới nhất này có phải là một hoạt động thường lệ hay là một lời nhắc nhở khác của Điện Kremlin rằng các lực lượng chiến lược của họ vẫn đang trong tình trạng báo động cao.

Nga hiếm khi sử dụng tiêm kích hạm Su-33 cho các nhiệm vụ hộ tống máy bay ném bom chiến lược, khiến cho đợt triển khai đặc biệt này trở nên đặc biệt đáng chú ý.

Thông thường, các nhiệm vụ này được thực hiện bởi MiG-31, Su-30SM hoặc Su-35S, vốn có phạm vi hoạt động lớn hơn và khả năng chiến đấu trên không vượt trội so với Su-33.

Sự ra đời của Su-33 là vào cuối những năm 1970, Liên Xô quyết định phát triển một loại biến thể khác của Su-27 Flanker để hoạt động trên tàu sân bay.

Ban đầu được đặt tên là Su-27K, biến thể mới này sau đó được đổi tên thành Su-33 khi chính thức ra mắt vào mùa hè năm 1998.

Mặc dù bề ngoài có những điểm giống nhau, nhưng trên thực tế Su-33 có nhiều thay đổi so với Su-27.

Gầm được gia cố, thiết bị hạ cánh chắc chắn, cánh gập, sải cánh lớn hơn đáng kể và động cơ AL-31F3 mạnh hơn một chút.

Những đặc điểm thiết kế này phù hợp với không gian và đường băng ngắn hơn trên tàu sân bay.

Dù kho vũ khí cũng khá giống với Su-27, nhưng Su-33 nổi bật hơn ở khả năng tương thích với tên lửa chống hạm Kh-41/Kh-31.

Mặt khác, Su-33 có vẻ hơi lớn để có thể hoạt động linh hoạt trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Dù được trang bị tên lửa chống hạm, nhưng không ai có thể phủ nhận Su-33 vẫn là một tiêm kích chủ yếu tấn công trên không.

Cũng giống như “người anh em” Su-27, việc không thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tấn công mặt đất đã làm giảm đáng kể giá trị hoạt động của Su-33 trong vai trò là máy bay chiến đấu chủ lực trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.

Khác biệt đáng nói nữa nằm ở chỗ Su-33 có nhiều điểm treo vũ khí hơn Su-27 - lên tới 12 so với 10.

Vũ khí của Su-33 bao gồm pháo Gsh-30-1 cỡ 30 mm, Flanker-D được trang bị tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hạm, bom hàng không, rocket không điều khiển và thiết bị tác chiến điện tử dạng treo ngoài.

Nhưng thực tế, Su-33 không thể sử dụng hiệu quả một số loại vũ khí quan trọng khi thực hiện chức năng đối đất và chống hạm, điều này khiến chiếc tiêm kích bị nghi ngờ khi Nga xếp nó vào diện "đa năng".

Bất chấp được gọi là máy bay chiến đấu đa năng, trên thực tế Su-33 Flanker-D là một tiêm kích chiếm ưu thế trên không, mặc dù vậy tính năng này của nó cũng không có gì xuất sắc

Kể từ khi Su-33 chính thức hoạt động vào năm 1999, ít nhất 3 trong số 35 chiếc xuất xưởng đã bị mất trong các vụ tai nạn, trong đó 1 máy bay rơi trong buổi trình diễn vào mùa hè năm 2001.

Khi nhận thấy Su-33 Flanker-D nặng nề có quá nhiều nhược điểm, Hải quân Nga muốn thay thế Su-33 bằng loại MiG-29K nhỏ và nhẹ hơn, đồng thời cũng thích hợp hơn khi bố trí trên tàu sân bay.

Việt Hùng

Theo Bulgarianmilitary/TWZ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dong-thai-hiem-hoi-khi-nga-dieu-dong-tiem-kich-ham-su-33-ho-tong-oanh-tac-co-tu-95ms-post602706.antd
Zalo