Thách thức bộn bề khi tái thiết Dải Gaza: 21 năm và 1,2 tỷ USD

Vấn đề tái thiết Dải Gaza bị tàn phá nặng nề lại được đặt ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tiếp quản và xây dựng Gaza thành 'Riviera của Trung Đông'.

Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Theo hãng tin Reuters ngày 5/2, đánh giá của Liên hợp quốc cho thấy cần hàng tỷ USD để tái thiết dải đất ven biển này sau cuộc chiến giữa Israel và nhóm tay súng Hamas của người Palestine.

Gaza gần như không còn lại gì sau cuộc xung đột bắt nguồn từ vụ Hamas tấn công Israel ngày 7/10/2023.

Vụ tấn công của Hamas vào Israel khiến 1.200 người chết. Phía Israel đáp trả khiến trên 47.000 người chết.

Đánh giá thiệt hại của Liên hợp quốc công bố tháng trước cho thấy, việc dọn dẹp hơn 50 triệu tấn đổ nát do các cuộc không kích của Israel để lại có thể kéo dài 21 năm và tiêu tốn tới 1,2 tỷ USD.

Lượng đổ nát này có chứa amiang vì một số trại tị nạn bị Israel tấn công có sử dụng vật liệu độc hại này. Ngoài ra, các đống đổ nát nhiều khả năng còn có thi thể con người. Cơ quan y tế Palestine ước tính có 10.000 thi thể bị chôn vùi dưới những đống đổ nát.

Một quan chức Chương trình Phát triển Liên hợp quốc nói hồi tháng 1 rằng cuộc xung đột đã khiến Gaza tụt hậu 69 năm.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố năm 2024, quá trình tái thiết các ngôi nhà bị phá hủy ở Gaza sẽ phải đến ít nhất năm 2040 mới xong, nhưng có thể kéo dài nhiều thập kỷ.

Theo dữ liệu vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT) vào tháng 12/2024, 2/3 số tòa nhà trước chiến tranh ở Gaza, tức hơn 170.000 tòa nhà, đã bị hư hại hoặc san phẳng. Con số này tương đương khoảng 69% tổng số tòa nhà trong Dải Gaza. Trong số đó có 245.123 căn nhà. Hiện có trên 1,8 triệu người ở Gaza cần nơi trú ẩn khẩn cấp.

Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh đổ nát sau các cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Theo báo cáo của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, thiệt hại về cơ sở hạ tầng ước tính lên tới 18,5 tỷ USD tính đến cuối tháng 1/2024, ảnh hưởng đến các tòa nhà dân cư, thương mại, công nghiệp và các dịch vụ thiết yếu như giáo dục, y tế và năng lượng.

Cập nhật từ Liên hợp quốc vào tháng 1 cho thấy Gaza còn chưa đến 1/4 nguồn cung nước trước chiến tranh, trong khi ít nhất 68% mạng lưới đường sá đã bị hư hại.

Hơn một nửa diện tích đất nông nghiệp của Gaza, vốn rất quan trọng trong việc cung cấp lương thực cho người dân vùng này, đã bị tàn phá do xung đột.

Dữ liệu cho thấy các vườn cây ăn quả, cây trồng và rau màu ở đây bị tàn phá nghiêm trọng. Gaza đang trải qua tình trạng đói kém lan rộng sau 15 tháng bị Israel oanh tạc.

Năm 2024, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cho biết 15.000 con gia súc, tương đương hơn 95% tổng đàn, đã bị giết hoặc chết kể từ khi xung đột bắt đầu, cùng gần một nửa số cừu.

Theo dữ liệu của Palestine, xung đột đã phá hủy hơn 200 cơ sở chính phủ, 136 trường học và đại học, 823 nhà thờ Hồi giáo và ba nhà thờ Thiên Chúa giáo.

Nhiều bệnh viện đã bị hư hỏng trong cuộc xung đột, chỉ 17 trong số 36 cơ sở y tế còn hoạt động một phần tính đến tháng 1.

Mức độ tàn phá đặc biệt nghiêm trọng dọc biên giới phía Đông Gaza. Tính đến tháng 5/2024, hơn 90% số tòa nhà trong khu vực này đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng.

Trước đó, theo trang egypttoday.com, ngày 2/2, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Badr Abdelatty và Điều phối viên cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) về nhân đạo và tái thiết tại Dải Gaza, bà Sigrid Kaag, đã có cuộc gặp tại Cairo để thảo luận về hội nghị quốc tế tái thiết Gaza sắp được Ai Cập và LHQ đồng tổ chức.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập nêu rõ trong cuộc hội đàm, ông Abdelatty nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động sự hỗ trợ toàn cầu để khôi phục các dịch vụ thiết yếu, khởi xướng các nỗ lực phục hồi sớm và tái thiết cơ sở hạ tầng của Dải Gaza. Bộ trưởng Abdelatty cũng cập nhật cho quan chức LHQ về tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước Arab sau cuộc họp tại Cairo, trong đó từ chối việc chuyển người Palestine khỏi vùng đất của họ trong bất kỳ hoàn cảnh hay lý do biện minh nào, qua đó thể hiện lập trường thống nhất phản đối lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Ai Cập và Jordan tiếp nhận cư dân tại Dải Gaza.

Chính phủ Ai Cập đã công bố ý định tổ chức một hội nghị quốc tế về tái thiết Gaza có sự hợp tác với LHQ để kêu gọi đóng góp từ cộng đồng quốc tế và các nhà tài trợ nhằm hỗ trợ người dân Palestine.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thach-thuc-bon-be-khi-tai-thiet-dai-gaza-21-nam-va-12-ty-usd-20250206094731031.htm
Zalo