Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) mới đây thông báo đã phải điều chiến đấu cơ lên không trung để ngăn chặn một số máy bay quân sự Nga xuất hiện gần khu vực Bắc Cực.
Đại diện NORAD cho biết mặc dù máy bay Nga vẫn ở không phận quốc tế và không gây ra mối đe dọa trực tiếp nhưng theo quy trình tiêu chuẩn, tiêm kích đã được lệnh cất cánh để giám sát.
Cụ thể, 2 tiêm kích CF-18 của Canada và 1 máy bay tiếp dầu trên không KC-135 của Mỹ đã được triển khai từ khu vực lãnh thổ Canada nằm dưới quyền quản lý của NORAD.
Cùng lúc đó biên đội máy bay Mỹ gồm 2 tiêm kích F-35, 2 phi cơ tiếp dầu KC-135 và 1 chiếc AWACS E-3 đã cất cánh từ vùng lãnh thổ Alaska, chiếc E-3 có khả năng phát hiện cũng như nhận dạng và theo dõi các mục tiêu hàng không ở cự ly xa.
Vài giờ sau, NORAD tiếp tục triển khai thêm 2 tiêm kích F-16 từ Alaska đến Đảo Greenland theo một thỏa thuận tạo lập căn cứ tiền phương tiêu chuẩn nhằm ngăn chặn mọi mối nguy cơ đến từ Nga.
Đại diện NORAD giải thích hoạt động triển khai lực lượng tác chiến như trên không liên quan đến bất kỳ mối đe dọa hiện hữu nào, đây chỉ là một phần của các hoạt động thường lệ nhằm duy trì sự hiện diện của họ trong khu vực.
Vấn đề cần nhấn mạnh ở đây chính là Đảo Greenland đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống phòng thủ của NORAD khi cung cấp các căn cứ chiến lược để giám sát và ứng phó với những mối đe dọa tiềm tàng.
Sự kiện vừa diễn ra với phản ứng của NORAD nhằm ứng phó với hoạt động của máy bay quân sự Nga lại càng làm nổi bật tầm vị trí chiến lược của Đảo Greenland trong việc đảm bảo an ninh cho lãnh thổ Mỹ.
Có lẽ chính vì vậy mà gần đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến việc mua lại Đảo Greenland từ đó gây căng thẳng với Đan Mạch bởi đây mới quốc gia có thẩm quyền đối với hòn đảo nói trên.
Đảo Greenland rõ ràng là vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên và có vị trí chiến lược ở Bắc Cực, khiến địa điểm này trở nên hấp dẫn theo quan điểm lợi ích quốc gia của Tổng thống Donald Trump.
Mặc dù vậy Đan Mạch khẳng định sẽ không bao giờ bán Đảo Greenland, nhiều quan chức nước này đã phản đối tuyên bố của ông Trump khi nhấn mạnh rằng vùng đất trên không phải là một món hàng hóa.
Bộ trưởng chính phủ Đan Mạch phụ trách Đảo Greenland - ông Lars Lokke Rasmussen thậm chí còn nhấn mạnh rằng "Chúng tôi không quan tâm đến việc bán Đảo Greenland cho Mỹ, điều đó sẽ không bao giờ xảy ra".
Với sự cạnh tranh ngày càng tăng ở Bắc Cực giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc khiến Đảo Greenland ngày càng trở nên quan trọng. Vị trí địa lý cho phép quốc gia sở hữu kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng và tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú trong khu vực.
Do vậy, có vẻ như ông Trump vẫn quyết tâm theo đuổi ý tưởng "sáp nhập" Đảo Greenland, kể cả bằng những biện pháp không chính thống nhằm đạt được mục đích của mình.
Một trong những bước đi có thể là vận động một cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc Greenland trở thành bang thứ 51 của Mỹ, viễn cảnh trên mặc dù tương đối khó xảy ra nhưng cũng chẳng thể loại trừ.
Việt Dũng
Theo Reporter