Đồng năn ngày ấy
Khu vực ngã ba Kinh 80 thước, địa điểm trứ danh 'gà gáy 3 tỉnh nghe', là điểm giáp ranh giữa 3 tỉnh Cà Mau – Kiên Giang – Bạc Liêu, mùa xuân này trở nên nhộn nhịp nhờ các tuyến đường giao thông kết nối và một năm kinh tế bứt phá.
“Gà gáy ba tỉnh nghe” là tên được người dân xứ Tràm Thẻ, thuộc ấp Tràm Thẻ Đông, xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau) đặt cho vùng đất cầm trâu ngày trước. Theo những người lớn tuổi, cả khu vực giáp ranh ngày trước là cánh đồng năn rộng hàng ngàn hecta. Nơi đây, toàn là đất hoang hóa đầy năn, sậy chỉ để cầm trâu vào mùa mưa, nếu cho cũng ít ai dám gật đầu nhận. Hiện nay, vùng đất này là điểm giao nhau giữa 3 xã Tân Phú (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) và xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang). Đất hoang nhiều năm nên ở mỗi địa phương có một tên gọi khác nhau như: Đồng năn, Tràm Thẻ, Đồng len trâu, Đồng chó ngáp..., tất cả đều thể hiện sự nghèo khó một thời.

Hạ tầng giao thông xứ Tràm Thẻ, Tràm Thẻ Đông xã Tân Phú, huyện Thới Bình (Cà Mau) giờ được đầu tư thông suốt, tạo động lực cho kinh tế địa phương phát triển
Riêng xứ Tràm Thẻ, Tràm Thẻ Đông ngày xưa rộng hơn 1.000ha, toàn đất nhiễm phèn, chỉ có cỏ năn, lác, sậy sống được chứ chẳng thể nuôi trồng thứ gì khác. Toàn khu vực mênh mông chỉ có vài chục nóc nhà. Ông Trương Thanh Nhàn, ấp Tràm Thẻ Đông, xã Tân Phú, huyện Thới Bình hồi tưởng: “Tôi định cư ở vùng đất này đã 61 năm, chứng kiến nhiều sự đổi thay ở đây, từ vùng đất phèn chỉ có năn, sậy mọc chúng tôi phải đi giữ trâu mướn vào mùa mưa để đổi công bằng lúa; mùa hạn thì ra công đào đìa bắt cá,... Rồi mỗi gia đình con cái lớn lên, dựng vợ gả chồng cho ra ở riêng, dân số tăng dần nhưng đời sống thì vẫn cơ cực”.
Ở tuổi 61, ông Nhàn nhớ lại thời điểm năm 1980, lúc đó dân Tràm Thẻ hay ví von với người xứ khác “Xóm tui không có hộ nghèo vì tất cả đều… nghèo”. Cả vùng nhiễm phèn còn chịu cảnh khắc nghiệt của việc thiếu nước ngọt vào mùa hạn. Thế nên, những thanh niên tuổi đôi mươi như ông Nhàn vào thời điểm đó tay và vai đều chai sần: tay chai vì phát năn, đào đất, giữ trâu; vai chai sần vì gánh nước,…
Vùng đất hoang ngày ấy chỉ thực sự đổi thay từ năm 2000, khi nhà nước thực hiện chủ trương chuyển dịch sản xuất. Vùng đất nghèo kiệt tài nguyên gặp nước mặn như gặp thời. Năn, sậy trải qua nhiều năm người dân không thể triệt phá giờ chỉ cần đưa nước mặn vào là chúng nằm rạp, tạo thành thảm thực bì phì nhiêu là nguồn cung thức ăn dồi dào cho tôm, cua. Ông Nhàn cũng là nông dân đi tiên phong “làm liều” đưa nước mặn lên đồng đề triệt năn, sậy. Sau đó, ông gom hết tiền và nữ trang là của hồi môn lên Hộ Phòng (Bạc Liêu) mua tôm giống về thả nuôi trên cánh đồng vừa cải tạo xong. Thuận nước, thức ăn dồi dào, tôm sú được ông Nhàn thả nuôi lớn nhanh như thổi. Chỉ trong 3 tháng, tôm đạt trọng lượng 20 con/kg, ông phải lặn lội qua cánh đồng liền kề phía huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) và huyện Phước Long (Bạc Liêu) học hỏi cách thu hoạch và tìm thương lái thu mua. Từ đó, nông dân đồng năn nhanh chóng đổi đời nhờ con tôm sú.
Từ cánh đồng hoang, giờ nông dân làm một ăn mười, tiếng lành đồn xa, mùa hạn năm sau, hàng ngàn hecta đất hoang bắt đầu “lột xác” trở thành đầm tôm mênh mông. “Những người từng không chịu được nghèo khó, bán tháo đất này rời đi với giá vài phân vàng mỗi công, nay trở lại tiếc hùi hụi, vì 1 công đất giờ giá trên 1 cây vàng, nhưng không ai muốn bán” ông Nhàn kể lại.
Ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết: “Bằng sự nỗ lực của địa phương trong quy hoạch và nhân dân trong vùng ứng dụng mô hình hiệu quả, hơn 25 năm qua vùng đất này thay đổi, đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, cuộc sống của bà con không còn chênh lệch nhiều so với vùng khác. Riêng những mô hình tôm – lúa xen canh như của ông Nhàn, lợi nhuận mỗi năm trên 400 triệu đồng. Hiện thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 60 triệu đồng/người/năm”.

Từ vùng đất phèn mặn, người dân xứ "đồng năn" ngày nào giờ đã đối đời nhờ con tôm
Phía tỉnh Bạc Liêu là xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long. Đây cũng là địa phương có bước phát triển vượt bậc và là nơi xuất phát điểm của những mô hình khởi nghiệp, mô hình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao của khu vực. Giờ về lại khu vực vùng giáp ranh, các tuyến đường giao thông bộ đã thông suốt giữa các địa phương, tạo động lực lớn trong kết nối giao thương.
Anh Trần Thanh Vũ, hộ thu mua tôm ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) phấn khởi: “Mỗi ngày tôi lái xe đi quãng đường khoảng 70km xuyên qua các địa phương vùng giáp ranh của Cà Mau, Bạc Liêu để thu mua tôm, cua. Nhờ đường bộ hoàn thiện kết nối nên chi phí vận chuyển giảm nhiều so với trước đây phải đi bằng võ lãi”.
Trên con đường bê tông rộng 3,5m trải dài từ Tràm Thẻ Đông, xuyên qua Ranh Hạt nối với quốc lộ 63 (tuyến giáp ranh Cà Mau – Kiên Giang), ông Lê Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết thêm: “Những dự án đường giao thông kết nội giữa các địa phương đã và đang hoàn thiện, cùng với đó là sự trợ lực của các tổ chức hội đoàn thể giúp bà con chí thú làm ăn. Những năm tiếp theo, xã đã có định hướng mời gọi đầu tư vào khu vực Tràm Thẻ Đông cũng như các vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở xã để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, xây dựng quê hương đạt danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao”.
Sự vươn lên của vùng đất khó Tràm Thẻ Đông là một minh chứng thuyết phục. Mùa xuân mới đang về, cùng với những dự tính và mục tiêu phát triển trong tương lai như đinh ninh rằng: Vùng quê giáp ranh, cánh đồng năn, đồng chó ngáp, đồng len trâu phía Cà Mau còn bứt phá, kết nối trở thành vùng động lực chính trong quan hệ giao thương. Và đồng năn ngày ấy, giờ đã thật sự vươn mình.