Thị trường bán lẻ tiêu dùng: Kỳ vọng xen lẫn lo lắng
Sức mua chậm đã quay trở lại sau dịp Tết Nguyên đán 2025 đang đặt ra thách thức về khả năng phục hồi thị trường bán lẻ tiêu dùng trong thời gian tới. Khâu chính sách và các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ kỳ vọng và lo lắng của người tiêu dùng nội địa để có sách lược phù hợp hơn, nhất là nâng cao niềm tin tiêu dùng.
Một ngày trung tuần tháng 2/2025, tức là đã trôi qua gần 20 ngày sau đợt cao điểm Tết Nguyên đán, qua ghi nhận tình hình mua sắm ở các chợ truyền thống, tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, siêu thị tại Tp.HCM thì thấy rằng sức mua vẫn tương đối chậm, thậm chí có nơi khá vắng khách, ế ẩm và đìu hiu.
Người mua e ngại chi phí sinh hoạt tăng cao
Nhiều ý kiến cho rằng giá cả một số mặt hàng thiết yếu còn cao đã phần nào ảnh hưởng đến sức mua sau dịp Tết. Hơn nữa, trong năm nay người dân vẫn còn tâm lý thắt chặt chi tiêu, chuyển sang thói quen mua sắm, chi tiêu hợp lý và ưu tiên cho mặt hàng thiết yếu, cũng như quen dần với xu hướng mua sắm trực tuyến (online) với nhiều mặt hàng giá rẻ, giao tận nhà khiến cho kênh bán hàng truyền thống thưa vắng hơn.

Các DN và hợp tác xã cần hiểu rõ kỳ vọng và lo lắng của người tiêu dùng để có sách lược phù hợp hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, cũng nên tham khảo báo cáo niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2025 được công ty nghiên cứu thị trường QandMe đưa ra hôm 17/2. Theo đó, vấn đề đáng quan tâm nhất là chi phí sinh hoạt tăng cao, với 70% người tham gia khảo sát bày tỏ sự lo ngại. Giá thuê nhà, thực phẩm, và chi phí đi lại ngày càng đắt đỏ, gây áp lực lớn lên ngân sách cá nhân.
Mặt khác, trong kết quả khảo sát của QandMe được thực hiện vào tháng 1/2025 với 300 người từ 20 đến 29 tuổi tại Tp.HCM và Hà Nội, có 53% người tham gia cho biết họ cảm thấy tự tin về tài chính cá nhân, trong khi 17% bày tỏ sự lo lắng. Kết quả này cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển, nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức cần được giải quyết.
Đưa ra một nhận định chung hơn thông qua báo cáo này, phía QandMe nêu rõ người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam có cái nhìn lạc quan về tình hình kinh tế năm 2025, nhưng đồng thời cũng lo ngại về chi phí sinh hoạt tăng cao và sự bất ổn kinh tế (64% lo ngại về sự bất ổn kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng từ sự biến động của nền kinh tế toàn cầu).
Và để đảm bảo sự phát triển bền vững, công ty nghiên cứu thị trường này mong là chính phủ và doanh nghiệp (DN) cần hiểu rõ những kỳ vọng và lo lắng này, từ đó đưa ra các chính sách phù hợp. Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phát triển, các chính sách vững chắc sẽ là chìa khóa để giữ vững niềm tin của người tiêu dùng và thúc đẩy sự phát triển lâu dài.
Đứng ở góc độ một DN nhỏ và vừa trong ngành hàng thực phẩm với thị trường tiêu dùng nội địa là chính yếu, qua trao đổi với VnBusiness, bà Nguyễn Hồng Diễm, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nông Phát Đạt, cho rằng việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng và những trăn trở của người tiêu dùng là điều mà bất cứ DN nào cũng cần theo dõi một cách sát sườn để từ đó có đối sách thích ứng hợp lý.
Chẳng hạn như trước xu hướng mua sắm online đang lấn dần các kênh mua sắm truyền thống, theo bà Diễm, các DN nhỏ và vừa không thể chậm trễ hơn nữa với xu hướng này và nên bắt nhịp sâu hơn. Như bản thân công ty, để cải thiện đầu ra và tăng doanh thu, trong năm nay sẽ đẩy mạnh bán hàng qua các nền tảng mạng thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiktok shop…
Về triển vọng của thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) trong thời gian tới - một trong những phân khúc lớn nhất của thị trường hàng tiêu dùng thiết yếu tại Việt Nam, giới phân tích cho biết đang bị tác động bởi hai xu hướng có vẻ đối nghịch nhau. Thứ nhất là nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm tiện lợi và các sản phẩm ăn liền (được thúc đẩy bởi lối sống bận rộn và đô thị hóa). Trong khi đó, cũng đang có một xu hướng ăn uống lành mạnh, khiến người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm đóng gói hữu cơ và tự nhiên.
Chờ nâng cao niềm tin tiêu dùng
Cho nên, các DN trong ngành hàng F&B cần lưu tâm trước hai xu hướng để cho “ra lò” những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó kéo sức mua tốt hơn. Và để làm được điều đó họ cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra những sản phẩm mới mang lợi thế cạnh tranh về cho DN của mình.
Thực ra, dù sức mua có tương chậm như hiện tại, thế nhưng, với thị trường bán lẻ tiêu dùng trong thời gian tới, các nhà phân tích vẫn kỳ vọng vào khả năng phục hồi.
Như chia sẻ mới nhất trong trung tuần tháng 2/2025 từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset, đó là giữ nguyên kỳ vọng về sự hồi phục của bán lẻ tiêu dùng trong thời gian tới.
Điều này nhờ vào 4 yếu tố. Thứ nhất là kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Thứ hai là vấn đề gia hạn việc giảm 2 điểm phần trăm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2025. Thứ ba là Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh năm 2025. Thứ tư là các chính sách kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch và sự phục hồi của ngành du lịch (như mới đây, Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Czech, Liên bang Thụy Sĩ được miễn thị thực khi du lịch Việt Nam với thời hạn tạm trú 45 ngày, có hiệu lực từ ngày 1/3/2025).
Mặc dù vậy, xét về rủi ro, phía Mirae Asset cũng lưu ý sự phục hồi chậm lại của lĩnh vực bất động sản có thể ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Nên biết, với việc đóng góp hơn 60% vào tăng trưởng GDP, tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, điều kỳ vọng là sự phục hồi của thị trường tiêu dùng bán lẻ với kết quả khả quan hơn và từ đó trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Và để sự phục hồi của thị trường bán lẻ tiêu dùng được khả quan sẽ phải nhờ vào niềm tin người tiêu dùng nội địa cải thiện rõ rệt hơn trong thời gian tới. Để làm được điều này, giới phân tích chỉ rõ tầm quan trọng của việc duy trì kết giữa chính sách nới lỏng tài khóa/tiền tệ.
Chẳng hạn các chính sách nới lỏng tài khóa hỗ trợ tiêu dùng trong 2025 bao gồm: Tăng 30% lương cơ bản cho khu vực công (từ tháng 7/2024); gia hạn cắt giảm thuế giá trị gia tăng đến hết tháng 6/2025; tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng dầu đến hết 2025.
Hơn thế nữa, để thúc đẩy người dân gia tăng chi tiêu thì cần có những yếu tố thuận lợi cho niềm tin tiêu dùng hồi phục. Đó là nên tiếp tục kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp, thị trường lao động tương đối mạnh mẽ và sự tăng trưởng thu nhập. Chính phủ cũng đã có các biện pháp để hỗ trợ thị trường, kích cầu nhằm nâng cao niềm tin của người tiêu dùng.