Đối tác Mỹ muốn chia sẻ thuế quan với doanh nghiệp Việt Nam

Trước biến động thuế quan, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt cho biết đã chủ động kết nối với đối tác để đàm phán, đồng thời, tìm cách mở rộng thị trường và tận dụng FTA.

 Lãnh đạo nhiều hiệp hội xuất khẩu cho biết các đối tác Mỹ vẫn cam kết tiếp tục nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời sẵn sàng chia sẻ một phần thuế quan với doanh nghiệp Việt. Ảnh: Phạm Ngôn.

Lãnh đạo nhiều hiệp hội xuất khẩu cho biết các đối tác Mỹ vẫn cam kết tiếp tục nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời sẵn sàng chia sẻ một phần thuế quan với doanh nghiệp Việt. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tại Hội thảo "Tăng trưởng kinh tế TP.HCM trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ", ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp hội viên đã chủ động liên hệ và làm việc trực tiếp với các đối tác tại thị trường Mỹ trong bối cảnh chính sách thuế quan có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.

Theo ông Phương, các đối tác Mỹ thể hiện thiện chí, cam kết tiếp tục nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời chia sẻ một phần gánh nặng thuế quan với doanh nghiệp Việt.

Hướng tới phương thức bán hàng B2C, giảm trung gian

Tương tự, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm cũng đã chủ động trao đổi, đánh giá tình hình cụ thể với đối tác Mỹ. Nhờ đặc thù là nhóm hàng thiết yếu, nhiều nhà nhập khẩu bày tỏ mong muốn tiếp tục duy trì nhập khẩu, đồng thời chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam nếu chính sách thuế quan thay đổi.

Không chỉ tập trung vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp cũng chú trọng đa dạng hóa đối tác quốc tế. Ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Secoin, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) - nhấn mạnh nhiều đối tác châu Âu vẫn đang duy trì hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp Việt và sẵn sàng hỗ trợ mở rộng nguồn hàng nếu thị trường Mỹ gặp khó khăn.

Dù vậy, qua bối cảnh hiện tại, ông khuyến nghị doanh nghiệp Việt nên hướng đến mô hình bán hàng B2C (bán trực tiếp cho người tiêu dùng qua website, ứng dụng, mạng xã hội...), nhằm tăng tính linh hoạt, rút ngắn chuỗi trung gian và tạo ra mức giá cạnh tranh cho người tiêu dùng cuối cùng.

Ông Kỳ nhấn mạnh vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế đang dần được củng cố. Do đó, việc chuyển dịch sang mô hình B2C, kết hợp thương mại điện tử và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), là xu thế tất yếu giúp doanh nghiệp thích ứng với biến động toàn cầu.

Đối với thị trường nội địa, bà Lý Kim Chi đề xuất tiếp tục đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Với thị trường xuất khẩu, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khai thác hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tuy nhiên, bà cũng nhìn nhận phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa do tài chính hạn chế nên vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin và nguồn lực. Do đó, bà cho rằng các doanh nghiệp và hiệp hội nên chủ động hơn trong việc kết nối với lãnh sự quán các nước tại thị trường xuất khẩu thì kết quả đạt được sẽ tích cực hơn.

Đặc biệt, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cũng gợi mở về thị trường Halal với 2 tỷ người Hồi giáo. Theo bà, thị trường này rất tiềm năng, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa chú ý tới. Do đó, bà kêu gọi các sở, ngành tại TP.HCM tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin để doanh nghiệp hiểu rõ hơn và chủ động kết nối thị trường này.

Mặt khác, ông Nguyễn Chánh Phương cũng kiến nghị lãnh đạo TP.HCM chỉ đạo các sở, ban, ngành tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đồng thời mở rộng quy mô Trung tâm Hội chợ Triển lãm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và kết nối với các nhà mua hàng quốc tế.

Ở lĩnh vực dệt may, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, nhấn mạnh các doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào phát triển thị trường trong nước. Song song đó, đề nghị các cơ quan chức năng đảm bảo tính công bằng trong thương mại điện tử, đặc biệt là trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa.

Ông cũng cho rằng trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết nhiều FTA, đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành dệt may tái cấu trúc và mở rộng thị trường, hướng tới sự phát triển bền vững hơn.

Tăng gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp

Ở góc độ quản lý Nhà nước, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết Sở đang đẩy mạnh việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, đặc biệt là khối doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu.

Song song đó, Sở Công Thương cũng sẽ tăng cường vai trò tham mưu để UBND TP.HCM có thể bố trí nguồn lực hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, giúp giảm chi phí trong quá trình tiếp cận và mở rộng thị trường.

Đồng thời, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, trong đó có hội chợ "Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu", sẽ tiếp tục được duy trì và phát huy nhằm tăng nhận diện thương hiệu hàng Việt tại thị trường quốc tế.

Về lâu dài, TP sẽ định hướng chiến lược thị trường cho từng ngành, thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ và sản xuất nguyên phụ liệu trong nước.

 Sở Công Thương TP.HCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: Chí Hùng.

Sở Công Thương TP.HCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Ảnh: Chí Hùng.

Đại diện ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết hệ thống ngân hàng đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, theo hướng giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn và dịch vụ tài chính.

Hiện, NHNN chi nhánh khu vực 2 cũng chỉ đạo các ngân hàng và tổ chức tín dụng đảm bảo đủ nguồn vốn cho doanh nghiệp với mặt bằng lãi suất ổn định, ưu đãi.

Trong đó, nhóm doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp - nông thôn, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ được tiếp tục vay tín dụng ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất không quá 4%/năm.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đang mở rộng các chương trình tín dụng ưu đãi, đặc biệt là cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản thông qua các gói tín dụng hỗ trợ chuỗi sản xuất và tiêu thụ, nhằm tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/doi-tac-my-muon-chia-se-thue-quan-voi-doanh-nghiep-viet-nam-post1544783.html
Zalo