Tái cơ cấu ngân hàng sao cho hiệu quả?
Giới chuyên gia cho rằng, muốn để ngân hàng hoạt động hiệu quả cần một hệ thống thanh tra, giám sát mang tính hợp nhất cao hơn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi không tuân thủ trên cả hoạt động ngân hàng và chứng khoán, tức là trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Mặc dù hệ thống ngân hàng hiện nay hoạt động tương đối ổn định, hiệu quả trong việc cung ứng vốn ra nền kinh tế. Song có thực tế chỉ ra, bên cạnh những ngân hàng hoạt động lành mạnh cũng có những ngân hàng hoạt động có kèm rủi ro.
Ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam phân tích, một số nguyên nhân làm ngân hàng thương mại cổ phần rơi vào tình trạng yếu kém là do ngân hàng bị một nhóm cổ đông nắm tỉ lệ sở hữu lớn thao túng để tạo sự kiểm soát chi phối thông qua sở hữu chéo. Cơ cấu sở hữu chéo đã vô hiệu hóa các quy định về đảm bảo hoạt động an toàn. Ngoài ra, còn do ngân hàng cấp tín dụng cho các doanh nghiệp và dự án trong “hệ sinh thái” không có hiệu quả và khoản vay trở thành nợ xấu. Từ đó, các ngân hàng yếu kém phải tái cơ cấu.
Nhìn lại lịch sử tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từ 2011 đến nay, ông Thành đánh giá nỗ lực của cơ quan quản lý chính sách tiền tệ - ngân hàng là rất đáng ghi nhận, bởi quá trình tái cơ cấu đặt ra nhiều thách thức về pháp lý cũng như triển khai áp dụng thực tế cho các trường hợp. Ngân hàng Nhà nước khẳng định vai trò quan trọng giúp đảm bảo thanh khoản và ngăn chặn rủi ro đổ vỡ hệ thống.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém tại Việt Nam vẫn còn một số vấn đề. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng bài học thất bại trong thời gian qua là các ngân hàng yếu kém sáp nhập, hợp nhất với nhau tạo ra một ngân hàng lớn hơn nhưng vẫn yếu kém là do nhóm cổ đông yếu kém vẫn nắm quyền kiểm soát. Do đó, để thành công cần sáp nhập ngân hàng yếu kém có quy mô nhỏ vào ngân hàng lớn và mạnh hơn. Ngân hàng nhận sáp nhập dùng nguồn lực thực về tài chính để xử lý nợ xấu. Lợi nhuận từ tăng trưởng nhanh sau tái cơ cấu giúp xử lý thua lỗ trước đó.
“Cần một hệ thống thanh tra, giám sát mang tính hợp nhất cao hơn để phát hiện và ngăn chặn các hành vi không tuân thủ trên cả hoạt động ngân hàng và chứng khoán, tức là trên cả thị trường tiền tệ và thị trường vốn”, ông Thành nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm làm ngành ngân hàng tại Mỹ, TS Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu cho biết, FDIC (Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ) đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, đánh giá và xử lý ngân hàng yếu kém. Ngược lại, Bảo hiểm tiền gửi quốc gia tại Việt Nam hiện nay không có vai trò rõ ràng trong việc bảo vệ tiền gửi của khách hàng tại các ngân hàng yếu kém, khiến người gửi tiền thiếu niềm tin và tạo rủi ro hệ thống.
Ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, các chỉ số an toàn vốn sẽ không được thể hiện chính xác tình hình sức khỏe tài chính của cả hệ thống ngân hàng nhận chuyển giao và điều này có thể tác động đến lòng tin của cổ đông, khách hàng gửi tiền, trừ trường hợp tất cả tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng con được ngân hàng mẹ bảo lãnh 100%.
Để việc tái cơ cấu ngân hàng thông qua phương án chuyển giao có hiệu quả, ông Hiếu cho rằng vốn chủ sở hữu của ngân hàng được tái cơ cấu phải đảm bảo 3 nghìn tỷ đồng, ngân hàng mẹ phải bảo lãnh tiền khách hàng gửi từ ngân hàng con...
Đồng thời, các ngân hàng cần có thông tin minh bạch hơn về sức khỏe tài chính của mình, đặc biệt những ngân hàng chuyển giao.