Thị trường hàng hóa phát tín hiệu kinh tế toàn cầu suy thoái

Giá cả hàng hóa trên toàn cầu từ năng lượng, kim loại công nghiệp cho đến nông sản giảm mạnh khi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc làm dấy lên nỗi lo ngại về suy thoái kinh tế sắp xảy ra.

Giá cả của một loạt hàng hóa gồm dầu thô, kim loại công nghiệp, nông sản giảm mạnh trong tuần vừa qua do mối lo ngại suy thoái kinh tế khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Ảnh: Focus Economics

Giá cả của một loạt hàng hóa gồm dầu thô, kim loại công nghiệp, nông sản giảm mạnh trong tuần vừa qua do mối lo ngại suy thoái kinh tế khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Ảnh: Focus Economics

Quyết định tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145% của Tổng thống Donald Trump trong năm nay gây thêm căng thẳng cho thị trường toàn cầu, đặc biệt là khi Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng hóa hàng đầu. Mức thuế quan cao của Mỹ sẽ kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể làm giảm mức tiêu thụ hàng hóa năng lượng và kim loại công nghiệp.

Chỉ số S&P GSCI, theo dõi biến động hàng hóa toàn cầu trên nhiều lĩnh vực khác nhau như năng lượng (dầu, khí đốt), nông sản (lúa mì, bắp), kim loại công nghiệp (đồng, nhôm) đã giảm hơn 8% kể từ ngày 2-4 khi ông Trump công bố thuế đối ứng với các đối tác thương mại.

Hàng hóa năng lượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức giảm 12% kể từ đầu tháng 4, trong khi giá kim loại công nghiệp giảm khoảng 9%. Hàng hóa nông sản cũng không thoát khỏi tình trạng bán tháo, với mức mức giảm 5,2%.

Marko Papic, nhà phân tích vĩ mô và địa chính trị của BCA Research, mô tả, giá cả hàng hóa lao dốc là tín hiệu cho thấy suy thoái kinh tế toàn cầu có thể đang đến gần.

“Sự sụp đổ của giá cả hàng hóa giống nhu một cú ngắt mạch đối với nhu cầu, một dấu hiệu cho thấy suy thoái toàn cầu đang diễn ra”, ông nói.

Trong tuần qua, ngân hàng Goldman Sachs đã ba lần điều chỉnh dự báo suy thoái của Mỹ. Hôm 9-4, ngân hàng này điều chỉnh khả năng suy thoái lần thứ ba sau khi ông Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày. Goldman Sachs hạ mức xác suất suy thoái của Mỹ trong 12 tháng từ 60% xuống 45%.

Giá dầu thô đã giảm xuống mức thấp trong nhiều năm do mối lo ngại kinh nhu cầu trì trệ do bất ổn kinh tế giữa lúc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng.

Goldman Sachs dự đoán, đến cuối năm, giá dầu Brent ở London và giá dầu Tây Texas (WTI) ở New York sẽ lần lượt ở mức 62 đô la và 58 đô la Mỹ mỗi thùng.

Đà giảm nhanh của giá cả hàng hóa khiến các ngân hàng đầu tư liên tục đưa ra cảnh báo kinh tế suy thoái.

Ngân hàng JPMorgan dự báo, GDP của Mỹ sẽ giảm 0,3% trong năm nay. Các nhà chiến lược hàng hóa của ngân hàng ING xem sự sụt giảm kéo dài của giá dầu thô là dấu hiệu cho thấy thị trường đang chuẩn bị cho tình trạng suy thoái.

Nhu cầu kim loại đồng, thước đo kinh tế đáng tin cậy đối với sức khỏe nền kinh tế toàn cầu, sụt giảm nhanh trong những tuần gần đây. Đồng được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, từ nhà ở, nhà máy đến thiết bị điện tử và sản xuất và truyền tải điện

Giá đồng tương lai hiện ở mức 8.380 đô la/tấn ở thị trường New York, đánh dấu mức giảm 16% kể từ đầu tháng 4 và giảm đáng kể so với mức đỉnh 11.620 đô la/tấn trong năm nay, được thiết lập vào ngày 26-3.

Ewa Manthey, nhà phân tích hàng hóa của ING, lưu ý rằng với áp lực kinh tế ngày càng gia tăng đối với Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, triển vọng kim loại này sẽ vẫn ảm đạm.

Goldman Sachs đã điều chỉnh kỳ vọng về giá đồng, với lý do nguồn cung dư thừa và nhu cầu trì trệ. Ngân hàng này cảnh báo rằng, nếu tình hình suy thoái nhu cầu trở nên tồi tệ hơn, giá đồng có thể giảm xuống còn 6.500 đô la / tấn.

Theo Sabrin Chowdhury, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại đơn vị nghiên cứu BMI của Fitch Solutions, giá hàng hóa đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi tâm lý thị trường xấu đi nhanh chóng khi nỗi lo suy thoái toàn cầu dâng cao trong bối cảnh căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang.

Bà nói thêm, thị trường kim loại công nghiệp tiếp tục chịu ảnh hưởng do căng thẳng thương mại và nỗi lo suy thoái kết hợp với triển vọng ảm đạm của ngành bất động sản Trung Quốc.

Theo CNBC

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-hang-hoa-phat-tin-hieu-kinh-te-toan-cau-suy-thoai/
Zalo