Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm
Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu nhiều loại khoáng sản đất hiếm quan trọng, nằm trong chuỗi cung ứng ô tô, hàng không vũ trụ, quốc phòng và bán dẫn.
Việc dừng xuất khẩu ảnh hưởng đến nam châm đất hiếm — thành phần thiết yếu trong động cơ điện của ô tô, máy bay không người lái, rô-bốt, tên lửa, tàu vũ trụ — cũng như sáu kim loại đất hiếm nặng vốn chủ yếu được tinh chế tại Trung Quốc. Các lô hàng này hiện chỉ được phép rời khỏi Trung Quốc khi có giấy phép xuất khẩu đặc biệt, trong khi hệ thống cấp phép mới vẫn đang được thiết lập.
Trung Quốc chiếm 99% sản lượng đất hiếm nặng và 90% sản lượng nam châm đất hiếm toàn cầu. Gián đoạn nguồn cung từ Trung Quốc có thể khiến các nhà máy ở Mỹ và nhiều nước khác không thể tiếp tục sản xuất, đặc biệt trong ngành ô tô và thiết bị quân sự.

Một mỏ đất hiếm ở Trung Quốc.
Michael Silver, Giám đốc điều hành American Elements, cho biết cần ít nhất 45 ngày để hoàn thiện thủ tục xuất khẩu. Trong khi đó, Daniel Pickard, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoáng sản quan trọng của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, cảnh báo rằng “lệnh cấm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước Mỹ”.
Một số công ty như MP Materials ở California đang đẩy nhanh sản xuất trong nước, nhưng năng lực vẫn hạn chế. Các công ty Nhật Bản có lượng dự trữ tốt hơn sau kinh nghiệm bị Trung Quốc cấm vận vào năm 2010, trong khi nhiều doanh nghiệp Mỹ không duy trì tồn kho do chi phí cao — như oxit dysprosi hiện giao dịch ở mức 204 USD/kg.
Việc hạn chế còn nhằm vào các công ty Mỹ, đặc biệt là nhà thầu quốc phòng, và được thực thi không đồng đều ở các cảng Trung Quốc. Một số nơi cho phép xuất khẩu nếu tỷ lệ đất hiếm nặng thấp và không giao hàng cho Mỹ, trong khi những nơi khác yêu cầu kiểm nghiệm kỹ lưỡng.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc phản ứng với căng thẳng thương mại leo thang, dù chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ miễn thuế cho một số mặt hàng điện tử tiêu dùng. Tuy nhiên, nam châm đất hiếm vẫn nằm trong danh mục bị đánh thuế.
Cơ sở khai thác và chế biến đất hiếm chủ lực của Trung Quốc nằm tại Long Nam và Cám Châu (Giang Tây). Nhà máy nổi tiếng nhất do JL Mag điều hành — đơn vị cung cấp nam châm cho Tesla và BYD — được biết đến với sản phẩm có lực từ mạnh gấp 15 lần nam châm thông thường.
Với khả năng kiểm soát gần như tuyệt đối thị trường đất hiếm toàn cầu, Trung Quốc đang sử dụng lợi thế này để gia tăng áp lực trong cuộc chiến thương mại với Mỹ. Sự gián đoạn hiện tại có thể chỉ là bước đầu trong một cuộc đọ sức dài hơi, nơi đất hiếm không chỉ là nguyên liệu mà còn là vũ khí chiến lược.