Nhu cầu tiêu thụ cao su dự báo sẽ suy giảm trong thời gian tới
Trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư, ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) dự báo, thị trường cao su thế giới trong bối cảnh cuộc chiến thương mại sẽ suy giảm nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến để nâng cao giá trị. Ảnh minh họa
PV: Ông đánh giá thế nào về thị trường cao su trong nước và thế giới từ đầu năm 2025 đến nay?

Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, thời gian qua thị trường cao su đã có nhiều biến động, giá cao su có chuỗi tăng, giảm liên tục.
Trên thị trường thế giới, giá hai mặt hàng cao su RSS3 Osaka và cao su TSR20 Singapore từ đầu năm đến nay biến động hầu hết giữa các phiên tăng, giảm chỉ từ 0,03% đến 2%. Trong thời gian này, cao su RSS3 Osaka kết thúc phiên ngày 20/2 đạt mức giá cao nhất là 2.590 USD/tấn và chỉ sau 4 ngày, cao su TSR20 Singapore cũng chạm đỉnh giá 2.063 USD/tấn.
Tuy nhiên, giá cao su thế giới những ngày gần đây lại đang ở mức thấp nhất trong hơn một năm, cụ thể giá cao su RSS3 Osaka đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/4 giảm tới 8,1% so với giá tham chiếu hôm trước, xuống mức giá 2.016,68 USD/tấn; cùng ngày cao su TSR20 Singapore kết phiên lao dốc 10,09%, xuống mức giá 1.631 USD/tấn.
Cần chú trọng mở thêm ở thị trường mới
Hiệp hội Cao su Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần có chiến lược tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu. Đồng thời, cần chú trọng mở thêm các thị trường mới. Đặc biệt, cần tăng tốc mở rộng thị phần tại thị trường EU, bởi EU là thị trường nhập khẩu cao su và sản phẩm cao su lớn nhất thế giới, đạt bình quân 75 tỷ USD.
Đối với thị trường cao su trong nước, giá cao su mủ chén, mủ dây khô dao động từ đầu năm đến nay từ 16.800 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg, đối với cao su mủ nước thì giá dao động từ 390 đến 430 đồng/độ. Mức giá cao su xuống thấp nhất trong giai đoạn cuối tháng 2 và cao nhất vào cuối tháng 3.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này biến động trái chiều trong mấy tháng qua?
Ông Nguyễn Đức Dũng: Theo tôi, sự biến động về giá cao su thế giới và nội địa từ đầu năm đến nay, nguyên nhân chính vẫn là đến từ sự mất cân đối cung cầu, khi mà sản lượng cao su của các quốc gia sản xuất chính và sự chuyển hướng sang các cây trồng có lợi nhuận cao hơn như dầu cọ do giá cả thấp trong suốt thập kỷ qua, khiến việc trồng lại và trồng mới bị ngừng lại.
Cụ thể về nguồn cung, theo Hiệp hội Cao su thế giới dự báo, sản lượng cao su toàn cầu trong năm 2025 chỉ tăng nhẹ ở mức 0,3% lên 14,9 triệu tấn. Indonesia và Việt Nam, hai quốc gia sản xuất cao su hàng đầu thế giới đang trải qua sự sụt giảm đáng kể về sản lượng.
Dự báo sản lượng của Indonesia sẽ giảm 9,8% so với năm trước, chỉ đạt 2,04 triệu tấn, trong khi Việt Nam có thể chứng kiến mức giảm 1,3% xuống còn 1,28 triệu tấn. Trong khi đó Thái Lan, quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới, mang lại một tia hy vọng với dự báo tăng trưởng sản lượng 1,2% vào năm 2025, sau khi có sự sụt giảm nhẹ trong năm 2024. Các quốc gia Tây Phi như Bờ Biển Ngà đang chứng kiến sản lượng cao su tăng, nhưng sản lượng của họ vẫn còn quá thấp để đáp ứng nhu cầu toàn cầu đang tăng cao.
Về nguồn cầu, theo báo cáo của Hiệp hội Cao su thế giới, kỳ vọng ngành công nghiệp ô tô, một trong những ngành chính tiêu thụ cao su tự nhiên sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2025.
PV: Dự báo giá cao su trong nước và thế giới thời gian tới sẽ diễn biến ra sao khi Hoa Kỳ dự kiến áp thuế nhập khẩu cao với nhiều quốc gia, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Dũng: Tôi cho rằng, với chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, thị trường cao su thế giới sẽ suy giảm nhu cầu tiêu thụ.
Trong vài ngày gần đây, giá 2 mặt hàng cao su RSS3 Osaka và TRS20 Singapore đã mất trung bình hơn 17% kể từ ngày 3/4, ngay sau khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế quan vào ngày 2/4 (theo giờ địa phương).
Đặc biệt, mức thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Hoa Kỳ càng làm suy giảm nghiêm trọng nhu cầu tiêu thụ xe ô tô trong thời gian tới, ngành hàng đóng góp chủ yếu vào tiêu thụ cao su trên thế giới. Cuộc thương chiến có lẽ mới chỉ bắt đầu, biến động kinh tế vĩ mô sẽ còn tiếp diễn, thị trường cao su thế giới tới đây khả năng cao sẽ suy giảm.
Đối với thị trường cao su nội địa, theo báo cáo của Cục Hải quan, trị giá cao su xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2025 đạt 737,8 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tới 72% với mức 531,2 triệu USD. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc khiến cho cao su Việt Nam bị ảnh hưởng lớn mỗi khi thị trường Trung Quốc biến động, đặc biệt là trong khi nước này đang bị Hoa Kỳ áp thuế lên đến mức 125%.
PV: Xin cảm ơn ông!
Tạm dừng áp dụng thuế đối ứng, giá cao su quay đầu hồi phục
Giá cao su thế giới ngày 11/4 vẫn giảm mạnh ở Thái Lan nhưng tăng mạnh trở lại ở Nhật Bản và Trung Quốc. Cụ thể, giá RSS3 tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo giao tháng 4/2025 tăng mạnh 17,4 Yen; lên mức 299,1 Yen/kg.
Trong khi đó, trên sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải, giá mủ cao su tự nhiên giao kỳ hạn tháng 4/2025 tăng tới 315 CNY; đạt mức 14.425 CNY/tấn. Còn giao kỳ hạn tháng 4/2025 tại Thái Lan giảm thêm 3,13 Baht; về mức 72,47 Baht/kg.
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tạm dừng áp dụng thuế quan đối ứng trong 90 ngày ngoại trừ Trung Quốc đã khiến giá mủ cao su tại nhiều thị trường hồi phục.
Các chuyên gia cho rằng, tâm lý thị trường bị ảnh hưởng bởi đợt giảm mạnh của giá dầu, nguyên nhân đến từ lo ngại về cuộc chiến thương mại toàn cầu đang leo thang.
Tuy nhiên, đà giảm tiếp theo được kìm lại nhờ kỳ vọng vào các gói kích thích mới từ Trung Quốc và nguy cơ gián đoạn nguồn cung cao su thiên nhiên (NR) từ các quốc gia sản xuất chính do đang là mùa đông.
Hiện giá kỳ hạn cao su Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm, do mức thuế nhập khẩu 104% của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc làm trầm trọng thêm cuộc chiến thương mại toàn cầu và dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.
Các mức thuế của ông Trump đối với hàng chục quốc gia đã chính thức có hiệu lực, trong đó có mức thuế khổng lồ 104% đối với hàng hóa Trung Quốc, khiến cuộc chiến thương mại toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn và thúc đẩy làn sóng bán tháo lan rộng trên các thị trường tài chính.
Đáp lại việc leo thang thuế quan, giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Cao su thiên nhiên thường bị ảnh hưởng bởi giá dầu do cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp - sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ.
Tại thị trường trong nước, giá thu mua mủ cao su vẫn được giữ ổn định tại nhiều doanh nghiệp lớn. Cụ thể, Công ty Cao su Bà Rịa thu mua cao su mủ nước mức 1 có giá 452 đồng/độ TSC/kg áp dụng cho độ TSC từ 30 trở lên; mức 2 có giá 447 đồng/độ TSC/kg áp dụng cho độ TSC từ 25 đến dưới 30; mức 3 có giá 442 đồng/độ TSC/kg, áp dụng cho độ TSC từ 20 đến dưới 25.
Mủ chén, mủ đông có độ DRC ≥ 50% ở mức 18.000 đồng/kg; mủ chén, mủ đông có độ DRC từ 45 - 50% ở mức 16.700 đồng/kg; mủ đông có độ DRC từ 35 - 45% ở mức 13.500 đồng/kg.
Công ty Cao su Mang Yang thu mua mủ nước loại 1 ở mức 433 đồng/TSC/kg; mủ nước loại 2 ở mức 429 đồng/TSC/kg. Mủ đông tạp loại 1 ở mức 436 đồng/DRC/kg; mủ đông tạp loại 2 ở mức 382 đồng/DRC/kg./.