Đổi mới sáng tạo đưa công nghệ toàn cầu chạm nhiều hơn vào thực tiễn Việt Nam
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) có thể tận dụng được thành tựu khoa học công nghệ (KHCN) của toàn cầu, khi đó, cây gậy thần ĐMST có thể đưa công nghệ của toàn cầu chạm được nhiều hơn vào thực tiễn Việt Nam.
Báo VietNamNet giới thiệu toàn văn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2025, ngày 21/4.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để các nước đang phát triển thoát bẫy thu nhập trung bình. Ảnh: Lê Anh Dũng
Năm 2017, Liên Hợp Quốc (LHQ) chọn ngày 21/4 là Ngày Creativity and Innovation - Ngày Sáng tạo và Đổi mới, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của sáng tạo và đổi mới trong việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở mọi quốc gia, mọi tầng lớp xã hội.
Ngày 21/4 là ngày sinh của Leonardo da Vinci, biểu tượng của sáng tạo trong mọi lĩnh vực (hội họa, kỹ thuật, giải phẫu,...).
Ngày 21/4 là ngày trước của ngày 22/4 - Ngày Trái Đất. Cũng có ý là sáng tạo và đổi mới trong phát triển để vì một Trái Đất bền vững hơn.
Tại sao LHQ lại nhấn mạnh cả sáng tạo và đổi mới?
Sáng tạo là khả năng nghĩ ra ý tưởng mới, độc đáo, khác biệt, có tính tưởng tượng cao. Sáng tạo xảy ra trong mọi lĩnh vực, từ tư duy đến nghệ thuật, thiết kế, khoa học. Sáng tạo thì ai cũng có thể làm vì nó có thể ở trong đầu hoặc trên giấy, không cần phòng lab. Sáng tạo là phổ quát, ai cũng có thể sáng tạo. Sáng tạo gắn nhiều với các cá nhân, kể cả người không chuyên.
Đổi mới là quá trình biến ý tưởng thành sản phẩm, giải pháp thực tiễn. Đổi mới xảy ra trong quy trình, công nghệ, tổ chức, mô hình kinh doanh. Đổi mới gắn với ứng dụng, giá trị. Đổi mới đòi hỏi phải thử nghiệm, triển khai, tạo ra tác động vào thị trường và xã hội. Đổi mới gắn nhiều với các doanh nghiệp và tổ chức.
Đổi mới (Innovation) thường hay gắn với công nghệ. Sáng tạo (Creativity) bao gồm cả nghệ thuật, văn hóa, giáo dục và khoa học công nghệ.
Nhấn mạnh cả sáng tạo và đổi mới là để tôn vinh cả người nghĩ ra ý tưởng và người hiện thực hóa nó thành những thay đổi trong thực tế, và để mở rộng khái niệm sáng tạo và đổi mới không chỉ dành riêng cho giới khoa học, nghiên cứu, mà cho toàn dân, mọi lĩnh vực, mọi quốc gia.
Ngày Sáng tạo và Đổi mới 21/4 không chỉ là ngày của nhà khoa học hay doanh nghiệp công nghệ mà là ngày để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Với Việt Nam, Ngày Sáng tạo và Đổi mới 21/4 không chỉ là ngày của nhà khoa học hay doanh nghiệp công nghệ, mà là ngày để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực (nông dân cải tiến máy móc nông nghiệp, học sinh tạo ra sản phẩm học tập), khuyến khích tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" trong toàn xã hội, kết nối sáng tạo và đổi mới với phát triển bền vững.
Các nước đi sau buộc phải nhảy cóc công nghệ. Tiếp thu công nghệ sẵn có, rồi cải tiến, tái tạo, ứng dụng sáng tạo theo ngữ cảnh địa phương.
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) cho phép sáng tạo trong điều kiện hạn chế, rất phù hợp với bối cảnh của các nước đang phát triển.
Chi cho khoa học công nghệ (KHCN) của các nước đang phát triển thấp, nên cần lấy ĐMST làm đòn bẩy. Nếu chỉ dựa vào KHCN hàn lâm, các nước đang phát triển sẽ không theo kịp các nước phát triển.
Đổi mới sáng tạo cho phép tận dụng thành tựu nghiên cứu phát triển từ nơi khác, rồi cộng với đổi mới mô hình, tổ chức, nội địa hóa sản phẩm. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
ĐMST cho phép tận dụng thành tựu nghiên cứu phát triển từ nơi khác, rồi cộng với đổi mới mô hình, tổ chức, nội địa hóa sản phẩm.
ĐMST lan rộng hơn KHCN, nó bao trùm cả xã hội và thể chế. ĐMST quốc gia bao gồm đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới quản trị quốc gia, đổi mới chính sách xã hội, đổi mới thể chế, đổi mới tổ chức giáo dục, y tế, giao thông, môi trường...
ĐMST không cần đầu tư các phòng lab, mà cần tư duy đổi mới và văn hóa đổi mới. Đây chính là con đường khả thi hơn cho các nước chưa đủ tiềm lực nghiên cứu sâu nhưng có năng lực tổ chức, thích nghi và sáng tạo xã hội.
Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra, ĐMST là chìa khóa để các nước đang phát triển thoát bẫy thu nhập trung bình. ĐMST là cửa ngách mang tính chiến lược để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, tối ưu các nguồn lực hạn chế, và tạo ra giá trị thực tiễn từ những gì sẵn có để phát triển nhanh.
Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái ĐMST mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, Nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan tỏa.
Văn hóa đổi mới là văn hóa không ngừng học hỏi, thử nghiệm, cải tiến và thích ứng.
ĐMST không cần phải đao to búa lớn. Phần Lan là một quốc gia đổi mới thầm lặng, học hỏi liên tục và cải tiến vi mô. Đó là một xã hội học hỏi, cải tiến liên tục, là một xã hội ĐMST toàn dân. Phần Lan nói, cải tiến nhỏ từ 5 triệu người dân còn giá trị hơn phát minh từ 500 nhà khoa học. Nói theo cách này thì cải tiến nhỏ từ 100 triệu người Việt Nam sẽ không kém gì từ 10.000 nhà khoa học.
Bộ Chính trị đã giao Bộ KH&CN viết đề án Quốc gia khởi nghiệp. Nội dung chính của nó là hình thành tinh thần ĐMST trong toàn dân, đưa ĐMST trở thành lối sống, phong cách sống của mọi người dân, mọi tổ chức. Xây dựng văn hóa ĐMST, khuyến khích khám phá, khoan dung thất bại.
KHCN mang lại giá trị thực tiễn nhiều hay ít là do ĐMST. ĐMST có thể tận dụng được thành tựu KHCN của toàn cầu, khi đó, cây gậy thần ĐMST có thể đưa công nghệ của toàn cầu chạm được nhiều hơn vào thực tiễn Việt Nam. Giai đoạn này, ưu tiên nhiều hơn cho ĐMST để phát triển nhanh đất nước.
KHCN cơ bản giống nhau giữa các quốc gia, nhưng ĐMST thì rất khác nhau. ĐMST tạo ra năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn là KHCN, ít nhất là đối với các nước đang phát triển. Làm chủ công nghệ lõi lúc này với chúng ta còn khó, nhưng ứng dụng sáng tạo công nghệ lõi vào giải các bài toán Việt Nam để Việt Nam phát triển thì lại khả thi.
Người Việt Nam có 2 sức mạnh quan trọng: Tư duy STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) tốt nên làm khoa học công nghệ tốt, năng lực vận dụng tốt nên làm ĐMST tốt. Đây đều là những năng lực cốt lõi của thời KHCN, ĐMST và CĐS.
ĐMST là động lực phát triển, thúc đẩy đổi mới chính là thúc đẩy phát triển, hoạch định đổi mới là hoạch định tương lai. Đổi mới hoạt động KHCN để hướng vào giải quyết các bài toán lớn của quốc gia.
Muốn sáng tạo và đổi mới trở thành toàn dân thì phải chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, số hóa toàn bộ thế giới thực, đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Môi trường số là môi trường lý tưởng cho mọi ý tưởng có thể hiện thực hóa nhanh nhất, vì nó phi vật lý, phi khoảng cách và phi tiếp xúc. ĐMST Việt Nam phải đặt trong ngữ cảnh CĐS quốc gia.
Một chiến lược mà dựa trên văn hóa thì chắc chắn sẽ thành công, một chiến lược không dựa trên văn hóa thì thường thất bại. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Người Việt Nam phát huy tiềm năng lớn nhất khi một hoạt động được chuyển thành phong trào toàn dân, từ kháng chiến đến đổi mới kinh tế, từ giáo dục đến CĐS. Đây là sức mạnh văn hóa - xã hội rất đặc trưng và phải được xem là trụ cột trong chiến lược phát triển ĐMST quốc gia. Một chiến lược mà dựa trên văn hóa thì chắc chắn sẽ thành công, một chiến lược không dựa trên văn hóa thì thường thất bại. Nhà tư tưởng quản trị có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20 Peter Drucker nói: "Văn hóa xơi tái chiến lược trong một bữa sáng".
Ngày 21/4 vừa là Ngày Sáng tạo và Đổi mới toàn cầu vừa là Ngày Văn hóa ĐMST Việt Nam. Việt Nam không chỉ phát triển KHCN, mà còn nuôi dưỡng một nền văn hóa ĐMST toàn dân. Khơi dậy tinh thần sáng tạo toàn dân trong kỷ nguyên số, mở rộng ĐMST ra ngoài phòng thí nghiệm tới doanh nghiệp, trường học, công sở, cộng đồng và địa phương. Mỗi năm đến dịp này, chúng ta sẽ tổ chức Tuần lễ ĐMST, phát động phong trào "Mỗi người dân một ý tưởng cải tiến, mỗi cán bộ công viên chức đổi mới từ việc nhỏ nhất".
Xây dựng văn hóa ĐMST toàn dân sẽ là cốt lõi tạo lên thành công của công cuộc đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS của Việt Nam mà Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát động.