Đề xuất định danh người bán online để chặn hàng giả
Sau loạt vụ phát hiện hàng giả, thuốc kém chất lượng, nhiều ý kiến đề xuất định danh người bán online bằng VNeID để siết chặt quản lý.
Ngày 22-4, tại tọa đàm “Kết nối VNeID an toàn, tiện lợi”, bà Lê Thị Hà (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) khẳng định định danh điện tử người bán rất cần thiết trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng.

Bà Lê Thị Hà cho rằng việc định danh trên môi trường thương mại điện tử là cần thiết
Theo bà Hà, mạng xã hội hiện là một kênh bán hàng phổ biến, song chưa được kiểm soát chặt. Gần đây, sau phản ánh về lô sữa giả, Cục đã yêu cầu các nền tảng gỡ hàng ngàn sản phẩm vi phạm, bao gồm thực phẩm chức năng, sữa giả, thuốc kê đơn bán lẻ không phép.
Tuy nhiên, việc xử lý vẫn gặp khó do thiếu công cụ truy vết người bán. Bà Hà nhấn mạnh cần định danh để tạo "niềm tin số", giúp truy xuất, xử lý vi phạm dễ hơn. Người bán dù trên môi trường ảo cũng không thể "ẩn danh"..
"Bộ Công Thương kỳ vọng sử dụng VNeID sẽ là giải pháp quản lý số hiệu quả, tăng tính minh bạch và kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử"- bà Hà nói.
Là nhà thuốc đầu tiên tích hợp VNeID, bà Nguyễn Đỗ Quyên, Phó tổng giám đốc FPT Retail, cho biết Long Châu là nhà thuốc đầu tiên tích hợp VNeID, trở thành một phần của sổ sức khỏe điện tử. Việc kết nối đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về pháp lý, bảo mật, hạ tầng của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06).
Đến nay, hơn 100.000 lượt khách đã sử dụng VNeID để mua thuốc không kê đơn tại Long Châu. Hiện nhà thuốc Long Châu và C06 đang tiếp tục liên thông y tế trên ứng dụng này.

Người dân có thể mua thuốc qua ứng dụng VNeID
Bà Quyên cho biết ngay sau công bố vụ thuốc giả quy mô lớn, nhiều người đến nhờ dược sĩ của nhà thuốc Long Châu tra cứu xem thuốc mình đang dùng có phải thuốc giả không. Điều này cho thấy định danh nhà thuốc là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng.
VNeID là do Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (C06 – Bộ Công an) phát triển, xây dựng trên cơ sở dữ liệu định danh và xác thực điện tử.
Ứng dụng cho phép người dân dùng căn cước công dân, giấy phép lái xe, khám bệnh BHYT, hộ chiếu, giấy khai sinh, khai báo lưu trú, bấm biển số xe ... khi làm thủ tục hành chính. Ứng dụng này đã có hơn 425.000 lượt đăng nhập mỗi ngày.
Ông Trần Duy Hiển, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, cho biết người dùng có thể cấp lại mật khẩu qua OTP, thay vì đến công an như trước. Các địa phương cũng được yêu cầu hỗ trợ người cao tuổi trong thao tác đăng nhập.
Khám chữa bệnh BHYT chỉ cần mang điện thoại cài VNeID
Đại diện Bộ Y tế hiện nay cho biết nhiều giấy tờ y tế như giấy chứng sinh, báo tử, giấy khám sức khỏe... đã tích hợp vào VNeID, phục vụ thủ tục liên thông và khám chữa bệnh.
Người dân đi khám BHYT chỉ cần mang điện thoại có ứng dụng VNeID, không cần thẻ giấy. Ngành y tế bắt đầu áp dụng xác thực khuôn mặt, chữ ký số miễn phí và hướng tới bệnh án điện tử. Hiện 63 tỉnh, thành và nhiều cơ sở y tế đã kết nối sổ sức khỏe điện tử, với gần 24 triệu sổ điện tử được kích hoạt, hơn 800.000 lượt chuyển viện và gần 3 triệu giấy hẹn khám lại qua hệ thống.