Huế: Phát triển du lịch di sản gắn với công trình xanh và giao thông xanh
Thành phố Huế đang áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh trong bảo tồn di sản, đồng thời triển khai hệ thống giao thông xanh, thân thiện với môi trường. Đó sẽ là cơ sở để Huế phát triển du lịch di sản xanh bền vững và thích ứng với bối cảnh hiện đại.
Hướng đi mới trong bảo tồn di sản
Điện Thái Hòa - biểu tượng quyền uy và cũng là kiến trúc độc đáo của triều Nguyễn, chính thức được Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) trao chứng nhận công trình xanh LOTUS ngày 19/4.
Đây là lần đầu tiên một công trình di sản văn hóa thế giới UNESCO đạt tiêu chuẩn công trình xanh tại Việt Nam.

Thành phố Huế lựa chọn phát triển từ gốc rễ văn hóa, nhưng theo cách hiện đại và bền vững (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).
Trong vòng 3 năm, thành phố Huế đã trùng tu Điện Thái Hòa theo một quy trình vô cùng nghiêm ngặt. Việc trùng tu sử dụng vật liệu truyền thống kết hợp kỹ thuật bảo tồn tiên tiến, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thiểu phát thải và bảo tồn tối đa giá trị nguyên bản của di tích.
Thực tế là trong những năm gần đây, việc bảo tồn di sản tại Huế không chỉ hướng đến việc gìn giữ nguyên trạng, mà còn gắn với mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với bối cảnh hiện đại.
Đánh giá về việc áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh trong công tác trùng tu, bảo tồn di sản, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: "Về bản chất, bảo tồn di sản là một quá trình kéo dài sức sống của di sản, không chỉ là gìn giữ quá khứ mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của hiện tại và tương lai.
Chúng tôi luôn xác định rằng việc bảo tồn không thể tách rời yếu tố bền vững. Đó là bền vững trong vật liệu, trong kỹ thuật trùng tu, trong môi trường và đặc biệt là trong cách con người tương tác với di sản.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh là một bước đi mới nhưng rất cần thiết trong tư duy bảo tồn. Nó giúp chúng tôi không chỉ khôi phục đúng giá trị nguyên gốc của di tích, mà còn đảm bảo các công trình sau trùng tu có thể thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, vận hành tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng".

Đại diện VGBC trao chứng nhận công trình xanh LOTUS cho Điện Thái Hòa và nhà cung cấp dịch vụ xanh LOTUS cho thương hiệu GCOO (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).
Đánh giá về vai trò của VGBC trong việc đồng hành cùng Huế bảo tồn và "hồi sinh" di sản, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết: "Sự đồng hành của VGBC với Huế mở ra cho thành phố một 'hệ tiêu chuẩn mới', nơi mỗi công trình di sản đều có thể trở thành một minh chứng sống động cho việc bảo tồn gắn liền với phát triển bền vững.
Đây cũng là cách mà Huế từng bước hội nhập sâu rộng, để di sản của thành phố không chỉ là niềm tự hào của Việt Nam mà còn xứng đáng được thế giới công nhận và trân trọng trong trạng thái nguyên vẹn nhất".
Trong khi đó, ông Douglas Lee Snyder, Giám đốc điều hành VGBC chia sẻ: "Việc Điện Thái Hòa được trao chứng nhận công trình xanh LOTUS không chỉ khẳng định nỗ lực của Huế trong việc gìn giữ di sản, mà còn cho thấy cách thành phố này đang chủ động đón nhận những tiêu chuẩn phát triển xanh, gắn bảo tồn văn hóa với bảo vệ môi trường. Đó là một xu hướng tất yếu của thế giới".
Ông Douglas Lee Snyder đánh giá bước đi tiên phong của Huế trong việc áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh cho một công trình di sản sẽ là tấm gương cho nhiều địa phương khác tại Việt Nam học tập.
Trong thời gian tới, VGBC cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện, cập nhật và điều chỉnh các tiêu chí công trình xanh LOTUS để hỗ trợ tốt hơn cho quá trình bảo tồn di sản bền vững, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu ngày càng biến đổi khắc nghiệt như hiện nay.

Những chiếc xe đạp điện sẽ giúp mang lại trải nghiệm trọn vẹn về văn hóa, cảnh quan và nhịp sống của một đô thị di sản (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).
Phát triển du lịch di sản gắn với bảo tồn và phát triển bền vững
Không chỉ trao chứng nhận công trình xanh cho Điện Thái Hòa, VGBC cũng đã trao chứng nhận LOTUS Green Service Provider cho GCOO, đơn vị tiên phong trong cung cấp dịch vụ giao thông bền vững cho du lịch, cụ thể là ứng dụng phương tiện điện vào phục vụ khách tham quan tại khu di sản Huế.
Mới đây, GCOO đã trao tặng 20 xe đạp điện thế hệ mới cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế. Các phương tiện này sẽ được đưa vào khai thác để phát huy giá trị ngay trong tuyến du lịch mới tại Đại Nội.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: "Bảo tồn bền vững phải đi kèm với khai thác bền vững. Vì vậy, du lịch xanh chính là cách chúng ta đưa di sản trở lại đời sống một cách nhẹ nhàng, văn minh, không làm tổn hại mà còn nâng tầm giá trị.
Khi du khách tiếp cận các di tích bằng xe đạp điện hay đi bộ, trải nghiệm không gian văn hóa chậm rãi, tĩnh lặng, đó không chỉ là một hành trình tham quan mà còn là sự kết nối sâu sắc với lịch sử, với thiên nhiên".
Việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa vào sử dụng hệ thống xe đạp điện đã cho thấy quyết tâm của thành phố Huế trong việc thực hiện chủ trương "Huế - thành phố xe đạp", khuyến khích hệ thống giao thông thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND thành phố Huế cho biết, để hiện thực hóa tầm nhìn "Thành phố di sản xanh", giao thông sạch chính là một trong những nền tảng thiết yếu.

Việc kết hợp giữa tổ chức chứng nhận công trình xanh và đơn vị dịch vụ xanh sẽ mở ra hướng đi chiến lược cho phát triển du lịch di sản gắn với bảo tồn và phát triển bền vững (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế).
Việc kết hợp giữa chứng nhận công trình xanh, ra mắt đơn vị dịch vụ xanh và trao tặng phương tiện giao thông sạch cho thấy tư duy liên kết và tích hợp giữa các bên là chính quyền, tổ chức chuyên môn và doanh nghiệp. Việc kết hợp này hứa hẹn sẽ mở ra hướng đi chiến lược cho phát triển du lịch di sản gắn với bảo tồn và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Phương chia sẻ: "Một thành phố di sản xanh không thể chỉ bảo tồn di tích, mà cần bảo tồn cả cách mà con người di chuyển, sinh hoạt và tận hưởng không gian sống xung quanh di sản.
VGBC sẽ mang đến tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế được địa phương hóa, phù hợp với khí hậu Việt Nam, giúp Huế bảo vệ tính nguyên bản của di tích. Trong khi đó, GCOO lại mang đến phương tiện xanh hiện đại giúp người dân và du khách tiếp cận di sản một cách văn minh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Với sự kết hợp này, chúng tôi không chỉ có giải pháp cho từng công trình, từng tuyến phố mà sẽ có một hệ sinh thái du lịch di sản bền vững thực thụ, nơi Huế không chỉ giữ ký ức mà còn chủ động viết tiếp tương lai".