Bán hàng nhờ trí tuệ nhân tạo, có thể thu tiền tỉ nhưng...

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi chóng mặt, liên tục nâng cấp phiên bản, buộc doanh nghiệp phải không ngừng chạy đua cập nhật.

"Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi quá nhanh và liên tục nâng cấp. Tháng này mới đầu tư vài chục USD để mua, tháng sau lại có ngay phiên bản nâng cấp hoặc công cụ mới nhiều tính năng hơn, khiến cho các doanh nghiệp chạy đua đầu tư công nghệ và học hỏi công nghệ.

Vậy làm sao để có thể phát triển bền vững với AI mà không gây quá nhiều tốn kém?"

Đây là câu hỏi được một doanh nghiệp đặt ra tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử 2025 (VOBF 2025) với chủ đề "Chiến thắng trong kỷ nguyên AI". Diễn đàn cho Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tổ chức vào ngày 22-4 tại TP.HCM.

 Các chuyên gia tham gia diễn đàn VOBF 2025. ẢNH: THU HÀ

Các chuyên gia tham gia diễn đàn VOBF 2025. ẢNH: THU HÀ

Sử dụng trí tuệ nhân tạo đúng cách

Trả lời cho câu hỏi trên, ông Phan Thanh Hà, chuyên gia giải pháp của Google Cloud Vietnam cho rằng: Nên đặt câu hỏi "Nếu không đầu tư AI thì sao?" thay vì hỏi "vì sao phải đầu tư AI?".

Theo ông Hà, việc chậm chân trong công nghệ có thể khiến doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh, khi các đối thủ đều đang ứng dụng.

"Chúng ta cần nhìn nhận AI như một khoản đầu tư, tức là phải đánh giá lợi tức trên đầu tư (ROI), và so sánh với các khoản đầu tư khác và xem xét rủi ro. Nếu AI mang lại hiệu quả rõ ràng và lợi tức tốt - đó là hướng đi bền vững.

Tôi cho rằng, có một yếu tố thuận lợi là hiện nay chi phí sử dụng các nền tảng AI đang ngày càng hợp lý, rẻ hơn và phổ cập hơn. Điều này giúp cho việc tiếp cận và ứng dụng AI trở nên dễ dàng hơn.

Do đó, việc áp dụng AI sớm không chỉ giúp tối ưu chi phí vận hành mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh đáng kể về lâu dài"- ông Hà bày tỏ quan điểm.

Ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Marketing của Công ty cổ phần công nghệ Haravan đồng tình và cho biết doanh nghiệp nên và cần đầu tư ít nhất một công cụ AI. Dù vậy, khi đầu tư phải xác định mang lại lợi nhuận, bởi đây là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

"Để có lời, tôi cho rằng không nên phó mặc tất cả cho AI, kể cả trong chăm sóc khách hàng. Ví dụ với sản phẩm thiên về cảm xúc, sức khỏe, chắc chắn tỉ lệ chốt đơn của con người sẽ cao hơn AI.

Chúng ta cần phân chia tỉ lệ người - AI dựa theo đặc tính của sản phẩm và mô hình kinh doanh. Tỉ lệ thông dụng chúng tôi khuyến nghị là 20% sử dụng AI và 80% là con người"- ông Tấn nói.

Ông Trương Hồng Tuấn, Giảng viên trường Đại học kinh tế Đà Nẵng cho biết, khi nói về AI, đa phần nói nhiều về "màu hồng".

Trong khi ở góc độ học thuật và giảng dạy, một nghiên cứu đã được xác thực là độ chính xác do AI mang lại chỉ đạt 60% đối với thông tin chuyên ngành và các thông tin thường thức thì đạt 80-90%.

"Do đó khi dùng AI để tra cứu hay tổng hợp thông tin, dữ liệu hoặc tạo ra các nội dung chúng ta nên cẩn trọng và cân nhắc sử dụng"- ông Tuấn lưu ý.

Với vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc điều hành của Pencil Group và ông Hà Mạnh Hùng, đồng sáng lập VelaAI Acedemy đều cho rằng, đừng để tâm lý FOMO (cảm giác sợ bỏ lỡ) về AI làm chủ hành vi.

AI có thể giúp giảm công việc tay chân nhưng không thể thay thế hết vị trí của con người, nhất là trong việc tạo dựng thương hiệu, truyền tải giá trị văn hóa, đặc trưng vào sản phẩm...

Trái lại, việc lạm dụng AI có thể gây tác dụng xấu cho doanh nghiệp, hoặc không mang lại hiệu quả kinh doanh.

"Ví dụ chúng ta đọc báo cáo thấy người dùng mạng xã hội bị thu hút bởi các video về thú cưng và em bé, chúng ta lao vào làm. Tuy nhiên sản phẩm doanh nghiệp đang bán không liên quan gì tới hai hình ảnh này.

Điều này có nghĩa bạn đang lãng phí tiền với AI. Chúng ta chỉ đang dùng công nghệ để tạo ra những nội dung rác, không mang tính chuyển đổi lẫn giá trị gì cho doanh nghiệp. AI thực sự hiệu quả khi ứng dụng đúng cách"- ông Tiến Huy lưu ý.

Dùng công nghệ thế nào để tạo ra lợi nhuận?

Một vấn đề khác được nêu bật tại diễn đàn là: Làm sao để kiếm tiền thực sự từ AI và giảm sự lệ thuộc vào các sàn thương mại điện tử - nơi đang tăng phí và ngày càng "chật chội"?

Ông Nguyễn Mạnh Tấn cho rằng, các doanh nghiệp có thể khai thác AI để tạo ra các phiên livestream liên tục 24/24 và tạo ra các mô hình bán hàng tự động.

"Từ một phiên livestream, chúng ta hoàn toàn cắt ngắn từng đoạn nội dung giới thiệu sản phẩm, gắn giỏ hàng và đăng tải lại trên nền tảng mạng xã hội như Facebook. Dùng AI để tự động chốt đơn khi khách hàng bình luận theo cú pháp mà người livestream đặt ra. Thực tế đã có đơn vị thu được 5 tỉ trong vòng 30 phút nhờ hình thức nhân bản và bán hàng tự động này"- ông Tấn nói.

Còn theo ông Đặng Ngọc Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh tại Seongon, cách tốt nhất để doanh nghiệp làm chủ, bớt phụ thuộc vào sàn thương mại điện tử là xây dựng kênh bán hàng riêng. Đơn cử như website, để sở hữu dữ liệu khách hàng. Đồng thời, cần đa dạng hóa kênh bán, không phụ thuộc vào một sàn duy nhất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Huy lại bày tỏ, xây dựng thương hiệu cá nhân hóa như đưa các yếu tố văn hóa, bản sắc, câu chuyện riêng... là cách giúp doanh nghiệp đứng vững ở bất kỳ nền tảng.

Tận dụng hỗ trợ của nhà nước

Ông Đỗ Quang Trung, Trưởng chi nhánh Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết hiện nay VNNIC đang triển khai chương trình "Hiện diện trực tuyến an toàn, tin cậy với tên miền quốc gia .vn". Chương trình sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập dưới 1 năm và toàn bộ hộ kinh doanh cá thể bằng cách miễn phí tên miền .biz.vn cùng các dịch vụ số cơ bản như website, email trong thời hạn 2 năm.

Đồng thời, cấp phát miễn phí tên miền id.vn và các dịch vụ số đi kèm trong 2 năm cho đối tượng thanh niên từ 18-23 tuổi, đặc biệt là sinh viên.

Quy trình đăng ký được thiết kế đơn giản, dễ dàng thông qua quét mã QR hoặc trên các nền tảng liên kết, thao tác chủ yếu là "chạm và chọn".

Kho giao diện website mẫu với khoảng 50.000 bộ, phân chia theo nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, giúp người dùng nhanh chóng có một trang web cơ bản. Đây là một trong những nỗ lực cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới sáng tạo, xây dựng xã hội số và kinh tế số.

Theo ông Trung, chương trình hiện được triển khai trên toàn quốc và ghi nhận những kết quả bước đầu tích cực với hơn 100.000 tên miền cùng dịch vụ số miễn phí được cấp phát.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/ban-hang-nho-tri-tue-nhan-tao-co-the-thu-tien-ti-nhung-post845929.html
Zalo