Chìa khóa giúp 5G tăng trưởng

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Quốc gia số (GSMA Digital Nation Summit) được tổ chức ở Việt Nam, các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp đã đưa ra các khuyến nghị nhằm thúc đẩy thương mại hóa 5G hiệu quả.

5G đã chuyển sang thời kỳ phát triển mạnh mẽ, mở ra những cơ hội kinh doanh và kết nối vượt trội

5G đã chuyển sang thời kỳ phát triển mạnh mẽ, mở ra những cơ hội kinh doanh và kết nối vượt trội

AI thúc đẩy thương mại hóa 5G

Cuối tháng 7/2023, Nhà máy Pegatron (Hải Phòng) là nhà máy thông minh đầu tiên tại Việt Nam được tự động hóa dựa trên kết nối của dịch vụ di động 5G, với ưu thế tốc độ cao, độ trễ thấp, hỗ trợ nhiều loại kết nối. “Trong những nhà máy thông minh của Pegatron lúc này, sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng di động 5G private giúp các nhà máy được vận hành mà gần như không cần nhân công, tự động hóa gần như 100%”, ông CY Feng, Tổng giám đốc BU6 Pegatron chia sẻ.

Theo ông CY Feng, 5G dùng riêng (PMN - Private Mobile Network) do Viettel cung cấp mang lại tốc độ cao, độ trễ thấp và khả năng kết nối nhiều thiết bị, đồng thời hỗ trợ các ứng dụng như công nghệ thực tế tăng cường (AR), quản lý các trạm lắp ráp (Assembly Station), quản lý hoạt động kiểm tra sản phẩm, giám sát và quản lý trực tiếp các quy trình sản xuất.

“Việc triển khai mạng di động 5G giúp giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao lợi nhuận, thu thập dữ liệu thời gian thực, cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu tai nạn lao động. Trong 6 tháng tới, Pegatron sẽ tiếp tục cải tiến và xây dựng tiếp nhà máy tại Hải Phòng”, ông Cy Feng nói.

Chia sẻ vấn đề này, ông Lê Bá Tân, Giám đốc Viettel IDC khẳng định, AI giữ vai trò không thể thay thế trong lĩnh vực công nghệ hiện nay. Viettel đang đẩy mạnh đầu tư hạ tầng AI, sử dụng thiết bị từ NVIDIA, ASUS, SuperMicro, đồng thời xây dựng các giải pháp kết nối để hỗ trợ phát triển và huấn luyện mô hình ngôn ngữ lớn (LLM).

“Sự hiện diện của AI trong ngành viễn thông ngày càng tăng lên. AI đang có những bước tiến đáng kể trong các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng - nơi các chatbot và trợ lý ảo AI đang mang lại hiệu quả đáng kể trong xử lý các truy vấn thường xuyên và giải phóng con người để tập trung vào các vấn đề phức tạp hơn”, Giám đốc Ericsson Việt Nam Rita Mokbel cho biết.

Báo cáo năm 2025 của Hiệp hội Các nhà khai thác di động toàn cầu (GSMA) khẳng định, các nhà mạng đang bước vào “kỷ nguyên AI di động”. Trong đó, AI không chỉ tối ưu hóa mạng, mà còn trở thành nguồn doanh thu mới thông qua dịch vụ AI cho khách hàng và doanh nghiệp. Theo đó, với tăng trưởng dữ liệu vượt mốc 5.000 triệu TB vào năm 2030, AI hỗ trợ tới 90% ứng dụng di động và đầu tư AI doanh nghiệp tăng 500%.

“5G đã chuyển từ giai đoạn triển khai sang thời kỳ phát triển mạnh mẽ, mở ra những cơ hội kinh doanh và kết nối vượt trội. AI và 5G sẽ hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều thứ xoay quanh AI, 5G tiên tiến hoặc Open Gateway và nhiều ứng dụng AI hơn nữa”, ông Mats Granryd, Tổng giám đốc GSMA chia sẻ.

Hướng đi mới cho các nhà mạng Việt Nam

Một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà mạng hiện nay là làm thế nào để tối ưu hóa doanh thu từ mạng 5G đã được triển khai rộng rãi. Mặc dù 5G mang lại tốc độ kết nối vượt trội, nhưng lợi nhuận thu về vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng.

Đó là lý do 5G-Advanced (5.5G) được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, với hiệu suất vượt trội về tốc độ tải xuống 10Gbps và tải lên 1Gbps, độ trễ cực thấp dưới 4ms với độ tin cậy cực cao, cùng khả năng định vị chính xác đến từng cm thích hợp cho vận hành robot hay xe tự lái, khả năng kết nối lên đến 100 tỷ thiết bị IoT phục vụ giám sát và sản xuất thông minh, khả năng kết nối AI để đáp ứng nhu cầu tương tác người máy trong lĩnh vực robot dịch vụ và trợ lý ảo…

Theo GSMA, đến cuối năm 2025, hơn 50% dân số thế giới (hơn 4 tỷ người) sẽ được tiếp cận mạng 5G, mang lại tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn, độ trễ thấp hơn và khả năng kết nối thiết bị vượt trội. 5G sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng vào GDP của các quốc gia với dự kiến bổ sung khoảng 260 tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu năm 2030.

Hiện trên thế giới đã có 64% nhà mạng triển khai mạng riêng 5G (Private 5G). Doanh thu mạng riêng tăng nhanh chóng, đặc biệt là tại Trung Quốc với trên 8 tỷ USD nhờ 5GtoB (5G to Business). Các lĩnh vực ứng dụng 5GtoB năng động nhất hiện nay bao gồm: sản xuất thông minh, logistics, giao thông, dầu khí, y tế, thành phố thông minh.

Tại Hội nghị GSMA Digital Nation Summit, Huawei cho biết, công nghệ 5G-A sẵn sàng làm bệ phóng cho bước nhảy vọt này và 5GtoB dành riêng cho doanh nghiệp đang trở thành hướng đi chiến lược của các nhà mạng, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.

Ông Tenny Sum, Giám đốc Liên minh và Đối tác 5G khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Huawei cho hay, 5G-A và 5GtoB sẽ tạo cú hích cho chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp. Với công nghệ mạng vượt trội và hệ sinh thái sẵn sàng, 5G-A sẽ trở thành nền tảng chính cho các ứng dụng AI, IoT, công nghiệp thông minh trong 10 năm tới. Trong khi đó, 5GtoB giúp nhà mạng mở rộng thị trường kinh doanh B2B; giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí và tạo ra mô hình kinh doanh mới.

Lấy ví dụ từ Singapore dùng 5G Private cho khán giả xem hòa nhạc, giải đua công thức 1, bà Rita Mokbel cho rằng, đây là các Use Case tạo ra các nguồn doanh thu mới cho nhà mạng. Trong tất cả các ngành kinh tế, việc ứng dụng mạng 5G Private sẽ thúc đẩy tự động hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động, kiểm soát chi phí.

“Đó là những lợi ích khi 5G ứng dụng trong các ngành kinh tế ngoài sản xuất. 5G Private cũng là ứng cử viên tiềm năng trong lĩnh vực thành phố thông minh, nhất là khi Việt Nam dự kiến triển khai 100 thành phố thông minh trong thời gian tới”, bà Rita Mokbel nhận định.

5G-A và 5GtoB đang mang lại doanh thu, hiệu quả cho các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Brazil, Đức… Đây là những Use Case tham khảo để các nhà mạng áp dụng nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận và mạng lưới hạ tầng 5G trong thời gian tới.

Tú Ân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chia-khoa-giup-5g-tang-truong-d269483.html
Zalo