Đổi mới phát triển kinh tế tập thể, thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp

Thời gian gần đây, kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực. Các HTX có nhiều nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong sản xuất, kinh doanh với những cách làm hay, mô hình hiệu quả.

Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội khảo sát cánh đồng lúa chất lượng cao và giảm phát thải ở ấp Giồng Bèn.

Đồng chí Nguyễn Văn Nguyên (bìa phải), Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội khảo sát cánh đồng lúa chất lượng cao và giảm phát thải ở ấp Giồng Bèn.

Mô hình lúa chất lượng cao giảm phát thải

Thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND, ngày 07/6/2024 của UBND tỉnh Trà Vinh về thực hiện đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn, vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025, xã Huyền Hội, huyện Càng Long đã triển khai thực hiện xây dựng 01 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và giảm phát thải tại HTX nông nghiệp Thành Đạt trên địa bàn 02 ấp Giồng Bèn và Kinh A với 43,42ha, có 65 hộ dân tham gia. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí lúa giống lúa chất lượng cao (đài thơm 8) và 30% các chế phẩm sinh học, chế phẩm vi sinh để phân hủy rơm rạ, xử lý lúa lẫn trước gieo sạ. Hiện lúa đang phát triển tốt hơn 01 tháng tuổi.

Nông dân Nguyễn Tấn Thành, ấp Giồng Bèn, xã Huyền Hội cho biết: trồng lúa theo quy trình chất lượng cao và giảm phát thải, nông dân giảm 50% chi phí đầu tư ban đầu, lúa kháng sâu bệnh, hạn chế sử dụng thuốc hóa học 30%. Với 0,7ha đất canh tác sản xuất lúa 03 vụ/năm, năng suất đạt 08 - 09 tấn/ha, lợi nhuận đạt từ 30 - 40 triệu đồng/ha. Vụ lúa đông - xuân năm nay tham gia đề án sản xuất lúa chất lượng cao và giảm phát thải, trước mắt lúa đang phát triển tốt, chi phí đầu tư giảm 50% so với sản xuất trước truyền thống trước đó. Nếu vụ lúa này được mùa, được giá nông dân tham gia đề án tăng lợi nhuận lên 01 triệu đồng/ha.

Ông Phan Huyền Đức, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Đạt cho biết: HTX thành lập năm 2018, với 07 thành viên tham gia. HTX hoạt động kinh doanh ở lĩnh vực cung cấp lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân trong xã. Trong năm 2025, HTX liên kết với các công ty, doanh nghiệp và địa phương triển khai thực hiện đề án sản xuất lúa chất lượng cao và giảm phát thải bước đầu đạt kết quả khả quan. Để nông dân an tâm sản xuất, HTX liên kết hỗ trợ 50% lúa giống, phân vi sinh và liên kết đầu ra cho nông dân với giá cao hơn thị trường 50 đồng/kg. Qua bước đầu theo dõi, sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải giúp nông dân giảm 30% thuốc hóa học, tương lai HTX mở rộng thêm 50ha ở các ấp còn lại.

Mô hình chanh không hạt

Đây là mô hình được HTX nông nghiệp Thành Chí tham mưu đề xuất với chính quyền địa phương vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa có thu nhập thấp sang trồng cây chanh không hạt đem lại lợi nhuận cao.

Ông Phan Đức Tài, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Chí cho biết: HTX thành lập tháng 10/2022, có 10 thành viên đều là hội viên hội nông dân tham gia sản xuất 3,6ha chanh không hạt, vốn điều lệ 500 triệu đồng. Sau hơn 02 năm hoạt động HTX đã mở rộng diện tích trồng để đáp ứng nhu cầu sản lượng, kết nạp thêm 102 thành viên là hội viên nông dân và người dân trong xã.

Trong năm 2024, HTX phát triển thêm 70ha diện tích trồng mới, nâng diện tích lên 147ha trồng chanh không hạt tập trung ở các huyện Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Trà Cú, trong đó diện tích đã cho trái và đang thu hoạch ổn định trên 24ha; 53ha đang chuẩn bị cho thu hoạch đợt trái đầu, diện tích còn lại mới trồng. Mặc dù hiện nay HTX thu mua của thành viên và cung ứng công ty 20 tấn chanh/tháng, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản lượng của công ty. Để đáp ứng nhu cầu của Công ty TNHH MTV The Fruit Republic xuất khẩu trực tiếp sang thị trường châu Âu và Trung Đông, HTX tiếp tục mở rộng diện tích trồng mới trên địa bàn huyện Càng Long và các vùng lân cận bình quân 75ha/năm.

Theo ông Tài, hiện nay nhu cầu chanh của HTX xuất khẩu sang thị trường ngoài nước ngày càng nhiều, do đó, đòi hỏi người sản xuất phải đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Các thành viên tham gia sản xuất của HTX phải tuân thủ quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt của phía thu mua xuất khẩu, quản lý chặc chẽ từ khâu xử lý bông, làm trái, phòng trị dịch, bệnh, đều phải tuân thủ quy trình và có kỹ thuật viên của Công ty và HTX đến tận vườn hỗ trợ giúp thành viên chăm sóc. Hội viên nông dân nâng cao ý thức hơn trong việc sản xuất sản phẩm an toàn, theo quy trình được sử dụng phân bón và thuốc hóa học trong danh mục cho phép về an toàn sinh học, các thành phần hoạt chất và liều lượng chỉ định, theo chỉ dẫn của nhân viên kỹ thuật. Kết quả là sản lượng chanh của các thành viên HTX luôn đạt tiêu chuẩn do Công ty quy định.

Công ty ký cam kết với HTX thu mua cho thành viên giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg và khi giá chanh biến động tăng, HTX thu mua cao hơn thị trường 3.000 đồng/kg. So cây lúa hiện nay, trồng chanh không hạt có giá trị cao hơn gấp 07 - 08 lần. Đối với cây chanh 03 năm tuổi, trung bình lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/năm/0,1ha.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội: thời gian tới, xã tạo mọi điều kiện để HTX và thành viên HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Quy hoạch vùng trồng và vận động người dân tham gia thành viên liên kết của HTX để mở rộng diện tích trồng chanh không hạt trên địa bàn xã, đến năm 2027 nâng diện tích lên 300ha theo cam kết của HTX với Công ty và đăng ký mã số vùng trồng chanh không hạt để xuất khẩu sang thị trường EU, Newzeland, Anh, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, xã kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm các chính sách hỗ trợ đề án 01 triệu héc-ta lúa đồng bằng sông Cửu Long để vận động người dân tham gia và nhân rộng mô hình. Đối với mô hình trồng chanh không hạt, lãnh đạo huyện và ngành chuyên môn huyện có kế hoạch hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để thành viên HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hỗ trợ về pháp lý, thủ tục cũng như các chính sách ưu đãi khác giúp HTX đầu tư xây dựng kho bãi và vườn ươm cây giống chanh không hạt, tạo điều kiện cho HTX không chỉ liên kết đầu vào, đầu ra, còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/doi-moi-phat-trien-kinh-te-tap-the-thuc-day-co-cau-lai-nong-nghiep-43725.html
Zalo