Đổi mới mô hình, thêm cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) không phải là đích đến mà là một hành trình liên tục đổi mới, sáng tạo vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng nông thôn, giúp người dân thay đổi cuộc sống.

Những con đường nông thôn khang trang, sạch sẽ là kết quả của quá trình xây dựng NTM đang diễn ra sôi động trên cả nước. Ảnh: N.Lộc

Những con đường nông thôn khang trang, sạch sẽ là kết quả của quá trình xây dựng NTM đang diễn ra sôi động trên cả nước. Ảnh: N.Lộc

Những con số "biết nói" về nông thôn mới

Là huyện đầu tiên của tỉnh Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2024 huyện Tiểu Cần tiếp tục được công nhận đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, sớm hơn một năm so với dự kiến.

Ngoài ra, đến nay toàn huyện còn có 9/9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có xã Phú Cần đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về giáo dục.

Trao đổi với Báo Kiểm toán, Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần Tiêu Thanh Tân cho biết, qua 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đến nay, huyện Tiểu Cần đã huy động trên 4.000 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện các tiêu chí.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2024 thu ngân sách trên địa bàn đạt 79,532 tỷ đồng, vượt hơn 14,4% chỉ tiêu; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2.800 tỷ đồng, vượt 3,7%; đưa 319 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt 120%.

Toàn huyện giảm được 37 hộ nghèo, hiện số hộ nghèo chung của huyện còn 126 hộ, chiếm 0,43%; còn 452 hộ cận nghèo, chiếm 1,53%; thu nhập bình quân đầu người đạt 82,6 triệu đồng/người/năm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện đời sống của người dân nông thôn.

"Những con số biết nói này đã cho thấy lợi ích, giá trị to lớn mang lại từ chủ trương xây dựng NTM, với cách làm đổi mới, lấy người dân làm gốc" - Chủ tịch huyện Tiêu Thanh Tân cho biết.

Kết quả trong xây dựng NTM tại huyện Tiểu Cần là câu chuyện điển hình trong bức tranh NTM hiện đang được nhiều địa phương nỗ lực triển khai thực hiện và ngày càng khởi sắc hiện nay.

Lãnh đạo huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đón nhận Bằng công nhận huyện NTM nâng cao. Ảnh ST

Lãnh đạo huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh đón nhận Bằng công nhận huyện NTM nâng cao. Ảnh ST

Theo Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương (Bộ NNPTNT) Ngô Trường Sơn, giai đoạn 2021-2025 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phát triển nông thôn Việt Nam, với những thành tựu nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Trên cả nước, hơn 78% số xã đạt chuẩn NTM, vượt xa các giai đoạn trước. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ với hơn 60.000km đường giao thông được nâng cấp, mở rộng, giúp kết nối các vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, hơn 95% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và giao thương.

Về kinh tế, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng lên đáng kể, đạt mức trên 55 triệu đồng/năm. Đặc biệt, các khu vực miền núi và vùng sâu vùng xa đã có sự cải thiện rõ rệt nhờ vào các chương trình hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề và phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Bên cạnh đó, hệ thống điện, nước sạch và các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa tiếp tục được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 100%, trong khi hệ thống cung cấp nước sạch đã tiếp cận hơn 95% dân số nông thôn. Chất lượng giáo dục và y tế cũng được nâng cao, với hơn 90% số trường học đạt chuẩn quốc gia và 85% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc thường xuyên.

“Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn. Nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả được nhân rộng” - ông Sơn cho biết.

Cần có thêm những cách làm hay, tạo lan tỏa

Là một trong những địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Vĩnh Long đã xác định: đây là quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc; xây dựng NTM phải đảm bảo “hiệu quả, toàn diện và bền vững”; từng bước nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; triển khai toàn diện ở các lĩnh vực, các cấp; bền vững về môi trường...

Nhận thức đúng để có hành động phù hợp với những cách làm hay, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng, nhờ đó, việc triển khai xây dựng NTM của tỉnh Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, hệ thống thủy lợi, giao thông nông thôn, nước sạch, vệ sinh môi trường… cơ bản đáp ứng yêu cầu cho sản xuất và đời sống người dân.

Hiện, toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, có 75/87 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 35 xã NTM nâng cao và 5 xã NTM kiểu mẫu.

“Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025 có 3/7 huyện đạt chuẩn NTM; 85% số xã đạt chuẩn NTM; 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu” - ông Lê Thanh Hiền - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long cho biết.

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng NTM, đảm bảo đồng bộ, linh hoạt và phù hợp.

Nhờ xây dựng NTM, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Ảnh ST

Nhờ xây dựng NTM, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Ảnh ST

Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí các nguồn lực đầu tư trong xây dựng NTM. Tập trung phát triển sản xuất, dịch vụ gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị...

Xây dựng NTM không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục đổi mới, sáng tạo và phát triển. Chúng ta không chỉ cần một nông thôn "mới" về hình thức mà còn phải mới trong tư duy, trong cách làm, mới trong tổ chức sản xuất và phát triển cộng đồng”. Chúng ta không chỉ cần một nông thôn "mới" về hình thức mà còn phải mới trong tư duy, trong cách làm, mới trong tổ chức sản xuất và phát triển cộng đồng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Tại Hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2026-2030, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, việc xây dựng NTM đã đạt được những kết quả mang tính đột phá, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Trong đó, mỗi địa phương với những cách làm hay, sáng tạo gắn với đặc thù của địa phương đã góp phần tạo nên bức tranh nông thôn mới đa dạng.

Điển hình là Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, với hơn 15.500 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, tạo ra giá trị kinh tế cao và nâng cao vị thế hàng Việt trên thị trường quốc tế.

Những mô hình hay như: Thu gom rác thải nhựa để thực hiện công tác an sinh xã hội, phân loại rác từ gia đình; Tuyến đường xanh - sạch - sáng - đẹp... của tỉnh Trà Vinh cần được nhân rộng trên cả nước. Ảnh ST

Những mô hình hay như: Thu gom rác thải nhựa để thực hiện công tác an sinh xã hội, phân loại rác từ gia đình; Tuyến đường xanh - sạch - sáng - đẹp... của tỉnh Trà Vinh cần được nhân rộng trên cả nước. Ảnh ST

Phát huy những kết quả này, ông Cao Đức Phát cho rằng, xây dựng “Chương trình xây dựng nông thôn hiện đại” trong thời kỳ mới cần phải phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó chú trọng các nội dung chính: Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo việc làm và nâng cao nhanh thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; Quyết liệt bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu; Tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế...

Cùng với việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng NTM, để có được những mô hình, cách làm hay, các ý kiến cho rằng rất cần sự tham gia hỗ trợ của lực lượng khuyến nông.

Thực tiễn, với những hoạt động đa dạng, hiệu quả, thời gian qua hoạt động khuyến nông đã có những hỗ trợ thiết thực cho nông dân trong việc tiếp cận các kỹ thuật mới, mô hình sản xuất hay, đặc biệt là tư duy kinh tế nông nghiệp, từ đó đóng góp quan trọng vào việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

"Khuyến nông đã trở thành cầu nối giúp nông dân dễ dàng tiếp cận được chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đội ngũ khuyến nông trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, giúp đỡ nông dân xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, cũng như trực tiếp tham gia, thúc đẩy chủ trương xây dựng NTM đi vào cuộc sống" - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho biết.

Nhìn nhận rõ vai trò của lực lượng khuyến nông, các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp, đặc biệt là các địa phương cần tăng cường phát huy vai trò, sự tham gia của lực lượng này vào trong quá trình xây dựng xây dựng NTM; đồng thời đề nghị lực lượng khuyến nông cần tiếp tục đổi mới, tìm tòi thêm những cách làm hay để lan tỏa sâu rộng đến với người dân trong bối cảnh tình hình mới có nhiều thay đổi nhanh chóng.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/doi-moi-mo-hinh-them-cach-lam-hay-trong-xay-dung-nong-thon-moi-38362.html
Zalo