Chuyện ổ bánh mì giòn tan
Ổ bánh mì giòn tan thơm ngon của Việt Nam cần được quảng bá như một biểu tượng văn hóa ẩm thực quốc gia và cần được xem xét điều chỉnh các 'vấn đề còn vướng' cho phù hợp với thị trường quốc tế, để bánh mì Việt Nam không chỉ nổi tiếng mà còn phổ biến rộng rãi trên thế giới.
Tôi đã đi qua nhiều nơi trên thế giới và không khỏi ấn tượng khi thấy taco của Mexico, hot dog của Mỹ, kebab của Thổ Nhĩ Kỳ hay sushi của Nhật Bản xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ các quầy hàng đường phố đến những nhà hàng sang trọng. Những món ăn này đã trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực của các nước đó và được hàng triệu người trên thế giới biết đến và yêu thích. Tuy nhiên, một câu hỏi luôn khiến tôi băn khoăn là: Tại sao bánh mì Việt Nam - một món ăn không kém phần ngon miệng và độc đáo - lại chưa được nhiều người biết đến và phổ biến rộng rãi trên thế giới?

Có nhiều nguyên nhân giải thích tại sao chiếc bánh mì thơm ngon, giòn tan của Việt Nam chưa thực sự phổ biến trên thế giới mặc dù có tiềm năng lớn. Một trong những trở ngại lớn là sự khác biệt về văn hóa ẩm thực. Ở một số quốc gia, việc ăn các loại bánh mì với lớp vỏ giòn có thể gây cảm giác không thoải mái vì âm thanh ồn ào khi nhai, đặc biệt trong những môi trường yêu cầu sự lịch sự, yên tĩnh. Hơn nữa, vụn bánh mì dễ rơi vương vãi, gây khó khăn trong việc duy trì vệ sinh, điều này không phù hợp với những quốc gia có tiêu chuẩn ăn uống khắt khe.
Bánh mì Việt Nam có những thành phần đặc thù như pate, đồ chua (cà rốt, củ cải ngâm), nước sốt đặc biệt và các loại thịt chế biến theo phong cách Việt Nam. Tuy nhiên, các nguyên liệu này không dễ dàng tìm thấy ở nhiều quốc gia khác, hoặc nếu có thì giá bán cũng khá cao hay chất lượng không đảm bảo. Điều này đã phần nào làm hạn chế khả năng sản xuất bánh mì Việt Nam ở quy mô lớn tại nước ngoài.
Ngoài ra, bánh mì Việt Nam được cho là ngon nhất khi ăn ngay sau khi làm, vì lớp vỏ giòn sẽ bị mềm và mất đi hương vị đặc trưng nếu để quá lâu. Khả năng bảo quản kém khiến việc vận chuyển và phân phối bánh mì trở nên khó khăn, đặc biệt ở những nơi xa xôi. Không chỉ vậy, hình dáng của bánh mì Việt Nam cũng là một vấn đề cần xem xét. Bánh thường khá to và dài, điều này không thuận tiện để cất giữ, cầm nắm hoặc cắn dứt khoát trong một số tình huống. Đây có thể là lý do khiến món ăn này chưa được đánh giá cao về tính tiện lợi ở thị trường quốc tế.
Mặc dù bánh mì đã được một số cộng đồng người Việt ở nước ngoài quảng bá, nhưng quy mô quảng bá vẫn chưa đủ rộng. Nhiều người trên thế giới vẫn chưa biết đến món bánh mì Việt Nam hoặc không hiểu rõ về giá trị văn hóa và sự độc đáo của nó đến khi họ đến Việt Nam du lịch và tình cờ thưởng thức nó. Bên cạnh đó, bánh mì Việt Nam còn phải cạnh tranh với nhiều món ăn đường phố nổi tiếng khác trên thế giới như taco của Mexico, hot dog của Mỹ hay kebab của Thổ Nhĩ Kỳ. Những món ăn này đã có thị trường ổn định và dễ dàng tiếp cận hơn với thực khách quốc tế.
Để bánh mì Việt Nam trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới, cần có những giải pháp cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề hiện tại.
Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào việc quảng bá bánh mì Việt Nam như một biểu tượng văn hóa ẩm thực quốc gia. Các sự kiện ẩm thực quốc tế, hội chợ du lịch và các chiến dịch truyền thông xã hội là những kênh hiệu quả để giới thiệu và quảng bá bánh mì Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đồng thời, việc tổ chức các chương trình thực tế hoặc các cuộc thi nấu ăn liên quan đến bánh mì Việt Nam có thể giúp tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.
Để phù hợp với thị trường quốc tế, cần nghiên cứu và tùy biến nguyên liệu sao cho dễ tìm thấy ở các quốc gia khác. Ví dụ, có thể thay thế pate Việt Nam bằng pate địa phương hoặc sử dụng các loại rau củ phổ biến hơn ở các thị trường mục tiêu. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất có thể giúp tăng tuổi thọ của bánh mì mà vẫn giữ được hương vị đặc trưng. Các công nghệ đóng gói hiện đại hoặc kỹ thuật làm bánh đông lạnh có thể giúp bánh mì Việt Nam dễ dàng xuất khẩu hơn.
Một giải pháp thiết thực để tăng tính tiện lợi và vệ sinh cho bánh mì Việt Nam là cải tiến thiết kế giấy gói. Loại giấy gói nên được làm từ chất liệu thân thiện với môi trường, nhưng đủ chắc chắn để giữ vụn bánh không rơi ra ngoài. Các thiết kế giấy gói có thể bao gồm lớp gấp thông minh hoặc túi giấy định hình, giúp bánh mì dễ dàng cầm nắm và giữ được hình dạng. Điều này không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm ăn uống mà còn tạo ấn tượng tốt hơn đối với thực khách quốc tế.
Ngoài ra, phát triển các chuỗi cửa hàng bánh mì Việt Nam tại các thành phố lớn trên thế giới là một chiến lược khác. Các thương hiệu như “Bánh mì Huỳnh Hoa” hay “Bánh mì Sài Gòn” có thể tận dụng mô hình nhượng quyền thương mại để mở rộng thị trường quốc tế. Bánh mì Việt Nam cũng có thể học hỏi từ thành công của các món ăn như sushi Nhật Bản hay hamburger Mỹ. Những món ăn này đã thành công nhờ sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đồng thời có chiến lược tiếp thị hiệu quả. Chẳng hạn, tạo ra các phiên bản bánh mì mini hoặc bánh mì dành cho trẻ em sẽ có thể là cách để tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng.
Việc hỗ trợ các doanh nhân trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực bánh mì cũng rất quan trọng. Các chương trình hỗ trợ vốn, đào tạo và kết nối thị trường có thể giúp các dự án khởi nghiệp này phát triển mạnh mẽ.
Tóm lại, bánh mì Việt Nam là một món ăn tuyệt vời mang đậm bản sắc văn hóa và sự sáng tạo của người Việt. Tuy nhiên, để bánh mì Việt Nam thực sự trở thành một hiện tượng toàn cầu, cần có những chiến lược phát triển và quảng bá bài bản và dài hạn hơn.
(*) Công ty Luật TNHH Phuoc & Partners