Doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế

Theo các chuyên gia của CIEM, những diễn biến trong hoạt động xuất nhập khẩu đặt ra quan ngại về mức độ tham gia của doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, khi đà phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI dường như có tác động kích thích trực tiếp lớn hơn đối với nhập khẩu của khu vực...

Sự đóng góp ngày càng suy giảm

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố báo cáo "Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên mới".

Một trong những nội dung đáng chú ý của báo cáo là đánh giá về thực trạng doanh nghiệp (DN) Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Báo cáo chỉ ra rằng, từ năm 2010, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam mở rộng mạnh về quy mô, thị trường và mặt hàng. Năm 2019, xuất khẩu đạt 264,3 tỷ USD, tăng gần 3,66 lần so với năm 2010, trong khi nhập khẩu tăng gần 3 lần. Nhờ xuất khẩu tăng nhanh hơn, cán cân thương mại chuyển từ thâm hụt sang thặng dư, đạt 10,6 tỷ USD năm 2019, chủ yếu nhờ vào khu vực FDI. Trong khi đó, DN trong nước gặp khó khăn về năng lực cạnh tranh và nhập siêu cao.

Giai đoạn 2020-2022, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng: xuất khẩu tăng lần lượt 6,9%, 19,0%, và 10,6%; nhập khẩu tăng 3,7%, 26,5%, và 8,0%. Khu vực FDI dẫn đầu tăng trưởng xuất nhập khẩu, vượt trội so với khu vực trong nước.

Theo CIEM, mức độ phụ thuộc của hoạt động xuất nhập khẩu đối với khu vực FDI được thể hiện ngay cả trong những thời điểm khó khăn của kinh tế thế giới.

Theo CIEM, mức độ phụ thuộc của hoạt động xuất nhập khẩu đối với khu vực FDI được thể hiện ngay cả trong những thời điểm khó khăn của kinh tế thế giới.

Năm 2023, kinh tế thế giới khó khăn khiến thương mại Việt Nam suy giảm: xuất khẩu giảm 4,6% (FDI giảm 6,0%), nhập khẩu giảm 9,2% (FDI giảm 10,3%). Nói cách khác, mức độ phụ thuộc của hoạt động xuất nhập khẩu đối với khu vực FDI cũng được thể hiện ngay cả trong những thời điểm khó khăn của kinh tế thế giới.

"Những diễn biến trên đây cũng đặt ra quan ngại về mức độ tham gia của DN trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, khi mà đà phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI dường như có tác động kích thích trực tiếp lớn hơn đối với nhập khẩu của khu vực này, thay vì kích thích hoạt động sản xuất và/hoặc nhập khẩu của khu vực trong nước", ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM nhìn nhận.

Cũng theo ông Dương, một vấn đề đáng lo ngại là sự tham gia hạn chế của DN trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tỷ trọng giá trị gia tăng (GTGT) trong nước trong xuất khẩu giảm từ 59,5% năm 2005 xuống 52,0% năm 2020, tương ứng giảm 7,5 điểm phần trăm giai đoạn 2012-2020. Điều này cho thấy sự đóng góp của DN trong nước vào chuỗi giá trị ngày càng suy giảm.

Nghiên cứu của CIEM chỉ ra rằng, DN Việt vẫn gặp rất nhiều khó khăn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ để cùng tham gia chuỗi giá trị.

Theo ông Dương, nguyên nhân là DN FDI có sẵn mạng lưới các DN công nghiệp hỗ trợ; trình độ lao động tương đối thấp và chậm cải thiện. Các nhà cung cấp trong nước thiếu các kênh chính thức để thu thập thông tin về chiến lược mua hàng của DN FDI.

Thêm vào đó, khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ của DN trong nước còn hạn chế. Các chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới của khu vực tư nhân trong nước chưa phát huy hiệu quả rõ ràng. DN Việt cũng chưa có thói quen sử dụng các phương thức xử lý tranh chấp hiện đại cho hoạt động thương mại xuyên biên giới.

Hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh

Bên cạnh các giải pháp chung về ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, các chuyên gia của CIEM cho rằng, Việt Nam cần lưu tâm việc hoàn thiện chính sách công nghiệp với trọng tâm phát triển ngành chiến lược, công nghiệp hỗ trợ, và tăng cường kết nối liên ngành. Tiếp tục cải cách chính sách xuất nhập khẩu theo hướng phù hợp các cam kết quốc tế như CPTPP, EVFTA, đồng thời giữ sự linh hoạt khi thực thi RCEP và các FTA khác.

Phối hợp chặt chẽ với ASEAN, đặc biệt trong xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định khung về kinh tế số giai đoạn 2025 trở đi. Đồng thời, chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh, môi trường, và áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại.

Thu hút FDI có chọn lọc, ưu tiên công nghệ cao, thân thiện môi trường, và tập trung vào sản xuất xuất khẩu. Nhà nước cần hỗ trợ DN cải thiện năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhà nước tạo môi trường thuận lợi và hỗ trợ DN đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường quốc tế. Hỗ trợ các DN ớn của Việt Nam tham gia và phát huy đóng góp ở các công đoạn quan trọng của chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, cần nâng cao năng lực xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến và thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, tuần hoàn, sáng tạo, nhằm nâng vị thế doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-trong-nuoc-tham-gia-chuoi-gia-tri-toan-cau-con-han-che/20250114053538435
Zalo