Doanh nghiệp chủ động ứng phó thuế quan từ chính quyền Trump

Trước nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại và chính sách thuế quan khó đoán từ Mỹ, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đang ráo riết triển khai các biện pháp ứng phó, từ đa dạng hóa nguồn cung đến mở rộng thị trường... để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Xuất khẩu dệt may kỳ vọng tăng trưởng cao. Ảnh: website Vinatex

Xuất khẩu dệt may kỳ vọng tăng trưởng cao. Ảnh: website Vinatex

Thay nguồn cung nguyên liệu để giảm rủi ro

Chính thức khởi phát từ tháng này, Mỹ đã đưa ra kế hoạch tăng thuế 10% đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc, nâng tổng mức thuế lên đến 35%. Mặc dù Mỹ đã hoãn tăng thuế với một số đối tác thương mại lớn như Canada và Mexico, nhưng những rủi ro này vẫn thường trực nếu các bên không đạt được thỏa thuận. Nhận thức được điều này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã chủ động lên kế hoạch ứng phó.

Việt Thắng Jeans (VitaJean) đã xoay sở tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ từ 30% tỷ trọng lên 45% nhờ vào sự linh hoạt trong sản xuất và hợp tác với đối tác ở Mexico. Trước nguy cơ hàng hóa Mexico nhập vào Mỹ bị áp thuế, công ty dự tính chuyển đơn hàng về Việt Nam và tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế Trung Quốc, nhằm duy trì khả năng cạnh tranh.

Theo ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc VitaJean, việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và nội địa là giải pháp giảm thiểu rủi ro, giúp công ty ứng phó linh hoạt với biến động thị trường. Hiện 35% nguyên liệu của VitaJean đến từ Trung Quốc, và việc Mỹ áp thuế tăng 10% sẽ khiến chi phí sản xuất tăng 5-6%, gây khó khăn trong việc cạnh tranh giá.

Tương tự với ngành đồ gỗ, ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (Mifaco), đơn vị có trên 90% sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ, ghi nhận sự tăng trưởng đơn hàng đáng kể ngay sau khi ông Trump tái đắc cử. Cụ thể, đơn hàng trong quí 1-2025 đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

"Không chỉ Mifaco, nhiều doanh nghiệp cùng ngành cũng ghi nhận sự tăng trưởng đơn hàng từ thị trường Mỹ nhờ dịch chuyển từ Trung Quốc sang", ông Hiệp chia sẻ, và cho rằng chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, và dự kiến mở rộng sang các quốc gia khác, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, không chỉ riêng đồ gỗ mà còn các ngành khác như may mặc, da giày...

Dù vậy, để giảm thiểu rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ, Mifaco cũng đang mở rộng sang các thị trường có FTA với Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế và khai thác thị trường nội địa. Đồng thời, công ty chuyển đổi sang mô hình sản xuất thông minh, quản lý hiện đại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. "Lợi thế nào cũng trở nên vô nghĩa nếu giá thành sản phẩm không cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang có xu hướng dịch chuyển sản xuất đến Việt Nam để xuất khẩu qua Mỹ", ông nói.

Nông sản, da giày, thủy sản, linh kiện điện tử... là những ngành hàng có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ khá cao. Với kinh nghiệm ứng phó với căng thẳng thương mại nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump cũng như đại dịch Covid-19, nhìn chung các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị các phương án ứng phó cũng như tìm cách đa dạng thị trường để giảm rủi ro.

"Chúng tôi có 2-3 phương án, chủ động tìm nguồn nguyên liệu trong nước và tại các nước chưa bị áp thuế để thay thế. Về thị trường, trước kia ngành dệt may có chưa tới 80 thị trường thì nay đã được mở rộng hơn 100 thị trường", ông Việt nói và cho biết: "Với công nghệ tiên tiến hiện nay, các doanh nghiệp cũng dễ dàng linh hoạt sản xuất cho đơn hàng nhỏ lẻ theo từng thị trường với giá cả cạnh tranh hơn những năm trước đây".

Cần tăng nguồn nguyên liệu tại chỗ và kiểm soát vốn FDI

Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM (Agtex) Phạm Xuân Hồng, cũng cho rằng xu hướng chuyển dịch đơn hàng may mặc sang Việt Nam đang gia tăng sau khi ông Trump tái đắc cử. Hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều đã có đơn hàng cho đến hết quí 2. Ông Hồng nhận định, với việc ông Trump tiếp tục áp thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc, các nhà nhập khẩu sẽ tiếp tục chuyển đơn hàng sang Việt Nam, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của ngành năm nay có thể tăng 15%.

Thủy sản cũng được kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ cao. Ảnh: LH

Thủy sản cũng được kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ cao. Ảnh: LH

Trong ngành gỗ, thị trường Mỹ đã chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Mức thuế cho sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ hiện là 0%, trong khi của Trung Quốc là 25%. Với những gánh nặng thuế quan mà Mỹ áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc, ngành gỗ được kỳ vọng sẽ có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu và thu hút đầu tư.

Vấn đề lớn ngành dệt may, da giày... trong nước cần nhanh tháo gỡ là thu hút đầu tư, gia tăng tỷ lệ nguyên phụ liệu sản xuất trong nước thay vì đang phụ thuộc đến 70% nguồn nhập khẩu, trong đó phần lớn là từ Trung Quốc.

Ngoài ra, mối lo ngại lớn là tình trạng hàng hóa Trung Quốc có thể "mượn" xuất xứ Việt Nam để vào thị trường Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp trong ngành luôn phải duy trì sự cẩn trọng và có các biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Hồng cũng nhấn mạnh rằng Việt Nam cần kiểm soát dòng vốn FDI vào ngành may mặc, da giày... chuyển từ Trung Quốc để tránh thuế áp cao của Mỹ. Ngoài ra, cần lựa chọn các dự án FDI mang lại giá trị gia tăng cho ngành, đặc biệt là những lĩnh vực đang thiếu hụt nguyên liệu như vải sợi.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhấn mạnh doanh nghiệp cần nâng cao năng lực; tập trung cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, thay vì cạnh tranh về giá, bởi sản phẩm giá thấp rất có thể sẽ bị điều tra chống bán phá giá. Cùng với đó là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng sử dụng nguyên liệu trong nước, hoặc sử dụng nguyên liệu chính nhập khẩu từ các nước không bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó tránh nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế.

Mặt khác, các ý kiến cũng cho rằng không loại trừ khả năng sắp tới hàng hóa Việt Nam cũng sẽ bị Mỹ áp thuế khi Việt Nam đang là một trong những đối tác mà Mỹ chịu thâm hụt thương mại. Nếu điều này xảy ra, tác động đến thương mại và kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn, nhất là khi Việt Nam đang dựa nhiều vào xuất khẩu.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia, vấn đề không hẳn nằm ở việc Mỹ đánh thuế đối với hàng hóa Việt Nam khi nào và ra sao, mà vấn đề ở chỗ khả năng đàm phán và thỏa thuận giữa Việt Nam với Mỹ trên nguyên tắc cùng có lợi.

Các chuyên gia cho rằng, ngoại giao kinh tế là yếu tố then chốt. Nếu Việt Nam duy trì kênh liên lạc, tích cực đối thoại trực tiếp với chính quyền Tổng thống Trump thì khả năng bị đánh thuế cũng không quá cao.

Mặt khác, đất nước cần nỗ lực tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để giảm nhanh nhất thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam, và cũng thể hiện rằng Việt Nam sẵn sàng cải thiện sự chênh lệch này.

Trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng phức tạp, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp cần nắm vững quy định và chính sách thương mại, thường xuyên cập nhật thông tin về các biện pháp bảo hộ, rào cản thương mại từ các đối tác quốc tế.

Trong nguy có cơ, doanh nghiệp cho rằng đây là giai đoạn của sự tỉnh táo. Thay vì lo lắng, các doanh nghiệp đang theo dõi sát tình hình thế giới để chủ động trước mọi diễn biến có thể xảy ra để kịp thời ứng biến.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-chu-dong-ung-pho-thue-quan-tu-chinh-quyen-trump/
Zalo