Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang thảo luận các dự án luật về tư pháp

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 8-5, Quốc hội thảo luận tại tổ về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận góp ý kiến cho các nội dung này.

Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu nhất trí cao về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, ban hành các dự án luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, bỏ chính quyền cấp huyện. Các dự án luật sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trước đây.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung sửa đổi, đảm bảo phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân theo mô hình tổ chức 3 cấp.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Một trong những nội dung trọng tâm của dự thảo là việc tổ chức lại hệ thống Tòa án theo mô hình 3 cấp, bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp khu vực, thay thế cho mô hình 4 cấp hiện nay. Thay đổi này được đánh giá là cần thiết và phù hợp, nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, đảm bảo tính hiệu quả và chuyên môn hóa trong hoạt động xét xử.

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với Tờ trình 135 của Tòa án cũng như là Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp là cơ sở phù hợp để định hướng sắp xếp các đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy hệ thống Tòa án.

Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đánh giá nêu rõ vấn đề phát sinh trong thực tiễn dự báo tác động tiêu cực đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và hậu quả có thể xảy ra nếu không kịp thời ban hành văn bản pháp luật để giải quyết.

Các đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về việc không tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt liệu có đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của việc giải quyết các vụ việc khó, phức tạp, nhất là đối với các vụ việc phá sản. Từ đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá làm rõ thêm về vấn đề này.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Quang cảnh thảo luận tại tổ.

Cũng theo dự thảo luật này, Tòa án cấp khu vực sẽ có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với các vụ án dân sự, kinh tế, lao động. Trong khi đó, Tòa án cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao sẽ đảm nhận vai trò xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Một số đại biểu bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực của Tòa án cấp khu vực và đề xuất mở rộng thêm thẩm quyền cho cấp này.

Cũng tại thảo luận, các ý kiến đại biểu thống nhất với sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng.

Về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đa số ý kiến nhất trí với việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan Thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Các đại biểu cho rằng, nội dung dự thảo luật bảo đảm tính hợp hiến và cơ bản thống nhất với hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ khi triển khai luật mới, nhiều đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và các luật tố tụng có liên quan.

Nhìn chung, các đại biểu đánh giá cao những nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật, cho rằng đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình cải cách tư pháp, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Các ý kiến đóng góp sẽ được Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

THU HOÀI - MINH TRÍ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202505/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tien-giang-thao-luan-cac-du-an-luat-ve-tu-phap-1041988/
Zalo