Bảo đảm tổ chức cơ quan tư pháp thực sự gần dân, sát dân

Thảo luận tại Tổ 2 (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) chiều nay, 8/5, các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần bảo đảm tổ chức hệ thống cơ quan tư pháp gần dân, sát dân.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 2. Ảnh: Hồ Long

Các ĐBQH thống nhất với sự cần thiết của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân tại các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh, mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung hai Luật này là nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tổ chức bộ máy gần dân, sát dân, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả, khắc phục được những vướng mắc, tồn tại hiện nay để tạo đà cho sự phát triển nhanh, bền vững.

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Với quan điểm đó, Chủ tịch nước cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung hai luật về tổ chức tòa án nhân dân và viện kiểm sát nhân dân sẽ khắc phục được những bất cập trong tổ chức của hai cơ quan, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án, viện kiểm sát.

Theo Chủ tịch nước, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hai cơ quan này không chỉ nhằm nâng cao chất lượng xét xử mà còn nâng cao nhận thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

"Trong lần sửa đổi, bổ sung này, cần nghiên cứu quy định về tổ chức của cơ quan tư pháp để bảo đảm thực sự gần dân, sát dân. Cùng với đó, cần bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và trong hệ thống cơ quan tư pháp, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa thống nhất việc không tổ chức Tòa án nhân dân cấp trung gian (kết thúc hoạt động của 3 Tòa án nhân dân cấp cao), không tổ chức Tòa án nhân dân cấp huyện mà thay thế bằng mô hình Tòa án nhân dân khu vực, tổ chức hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử gồm 3 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, cấp tỉnh, cấp khu vực; điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp Tòa án, số lượng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng nhận thấy, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tỉnh sẽ nhiều hơn khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh theo hướng Tòa án nhân dân cấp tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án hình sự mà mức cao nhất của khung hình phạt là trên 20 năm tù, tù chung thân, tử hình và vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp khác; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật.

Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý, cần bảo đảm quy định số lượng thẩm phán của Tòa án nhân dân cấp tỉnh đủ để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị, cần bổ sung những giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tư pháp; có cơ chế bảo vệ thẩm phán trong quá trình xét xử.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị, hai cơ quan soạn thảo cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có nêu giải pháp “Tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm, mong muốn ngành tư pháp quán triệt thể chế hóa.

Cụ thể, sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại…” nhằm thể hiện rõ hơn trong hai dự thảo Luật.

Nâng cao chất lượng giải quyết vụ án đặc thù về phá sản, sở hữu trí tuệ

Một nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm là bổ sung quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức tòa án nhân dân liên quan đến việc thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực, với phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Tòa án nhân dân tối cao dự kiến tổ chức 3 Tòa Phá sản tại 3 Tòa án nhân dân khu vực ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức 2 Tòa Sở hữu trí tuệ tại 2 Tòa án nhân dân khu vực ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

ĐBQH Lê Thanh Phong phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Lê Thanh Phong phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Hồ Long

Ủng hộ việc bố trí các Tòa chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực ở các tỉnh, thành phố lớn là trung tâm kinh tế, tài chính của đất nước, ĐBQH Lê Thanh Phong cho rằng, việc này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về giải quyết các vụ án đặc thù, nhất là trong bối cảnh các tranh chấp kinh tế, các vụ án phá sản ngày càng nhiều; đồng thời, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc này.

Một số đại biểu cũng cho rằng, việc bố trí các tòa chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ tại một số Tòa án nhân dân khu vực nhằm hiện thực hóa cam kết và khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài của nước ta với cộng đồng quốc tế.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-to-chuc-co-quan-tu-phap-thuc-su-gan-dan-sat-dan-10371790.html
Zalo