Thủ tướng yêu cầu tập trung vào những vấn đề cấp bách để phát triển kinh tế tư nhân

Chiều 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Hội đồng Tư vấn chính sách nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự cuộc họp có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính – cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết 68-NQ/TW cần được thể chế hóa gồm 3 nhóm.

Nhóm 1, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đã có trong nội dung kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Với nhóm này, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội, với các nhóm chính sách cụ thể.

Nhóm 2, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, cần được thể chế hóa, hoặc cần sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật đang được sửa đổi, bổ sung, dự kiến trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Các dự án luật này gồm: Luật Cán bộ, công chức; Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư, Luật Đầu tư Công; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Các tổ chức tín dụng.

Nhóm 3, các nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, đòi hỏi phải nhanh nhạy, linh hoạt, kịp thời, phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả. Ở trong nước, chúng ta đã tổ chức Hội nghị Trung ương lịch sử bàn về những vấn đề lịch sử; triển khai quyết liệt, triệt để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy; phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo.

Chính phủ đã trình Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về "bộ tứ chiến lược", gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Cùng với đó, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, trong đó trình kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV 44 dự án Luật, Nghị quyết (số lượng nhiều nhất trong một kỳ họp); hoàn thiện các văn kiện, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững. Các nội dung trong "bộ tứ chiến lược" theo các Nghị quyết của được triển khai đồng bộ, bài bản sẽ có tác động cộng hưởng tích cực với nhau.

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội cần tập trung vào những vấn đề cấp thiết nhất cần giải quyết ngay, được người dân và doanh nghiệp quan tâm nhất, vừa mang tính cấp bách vừa mang tính lâu dài, nhưng chưa có trong các dự án luật.

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, Nhà nước phải kiến tạo, con người là nền tảng, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và thể chế, cơ chế, chính sách là động lực.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để các tập đoàn kinh tế lớn tham gia các chuỗi cung ứng toàn đầu, trở thành các tập đoàn đa quốc gia; khuyến khích, tạo điều kiện để hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ thành doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp lớn trở thành doanh nghiệp lớn hơn.

Rà soát, bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, tiếp cận bình đẳng về nguồn lực, vốn, đất đai, tài sản công; đẩy mạnh hợp tác công tư. Chính sách đào tạo nhân lực phải xuất phát từ nhu cầu thị trường, yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, cơ sở đào tạo. Dự thảo Nghị quyết cũng cần làm rõ hơn, nhấn mạnh hơn cơ chế, thể chế liên quan tới tài sản vô hình, thương hiệu, sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68-NQ/TW về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm".

Thủ tướng cũng lưu ý tính toán thêm nội dung về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; khuyến khích Quỹ đầu tư tư nhân; các thủ tục đăng ký, giải thể doanh nghiệp đơn giản nhất, nhanh nhất, chi phí rẻ nhất và đặc biệt là xóa bỏ cơ chế xin cho; làm rõ hơn chính sách thuế theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; doanh nghiệp vừa có trách nhiệm, vừa có nghĩa vụ; đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Về tiến độ, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các thành viên Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trình Quốc hội thông qua trước ngày 18/5.

Mây Hạ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thu-tuong-yeu-cau-tap-trung-vao-nhung-van-de-cap-bach-de-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-418159.html
Zalo