Đồ uống có đường gây béo phì, tiểu đường, tim mạch, đặc biệt có hại cho trẻ em
Những bằng chứng khoa học cho thấy đồ uống có đường làm tăng bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch và đặc biệt nguy hại với trẻ em. Để ngăn chặn bệnh tật do đồ uống có đường, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ hiệu quả - WHO khuyến nghị.

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra các chứng chứng về tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe
Đồ uống có đường tác hại đến sức khỏe
Tại hội thảo về tác động của đồ uống có đường (ĐUCĐ) đối với sức khỏe và vai trò của thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) trong kiểm soát tiêu dùng do Bộ Y tế, WHO và Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe tổ chức chiều 28/4, ở trụ sở Liên hiệp quốc (Hà Nội), TS. Angela Pratt – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh ĐUCĐ là nguy cơ gây ra các bệnh không lây nhiễm, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam và đặc biệt nguy hại cho sự phát triển của trẻ em.
Theo WHO, 1 lon nước ngọt 300 ml có ga chứa 40 gr đường, cung cấp 140 kcal năng lượng, nhưng rất ít giá trị dinh dưỡng. Một chai nước cam ép 455 ml chứa khoảng 15 thìa cafe đường.
Vì thế, theo đại diện của WHO, đánh thuế đồ uống có đường là giải pháp đôi bên cùng có lợi - một chiến thắng cho sức khỏe, giúp giảm chi phí y tế, cũng là chiến thắng cho ngân sách của chính phủ. Trên toàn thế giới, khoảng 110 chính phủ đã đánh thuế ĐUCĐ, trong đó có 6 nước ASEAN.

TS. Angela Pratt khuyến cáo Việt Nam tăng thuế thuốc lá.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhấn mạnh ĐUCĐ gây tác hại cho xương, răng miệng, chiều cao ở trẻ.
“Tiêu thụ thường xuyên ĐUCĐ là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người lớn và trẻ em, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, các biến chứng về tim mạch, đột quỵ, tử vong, tiêu hóa, răng miệng...
Ông Nguyễn Tuấn Lâm - Văn phòng WHO tại Việt Nam thông tin thêm: Tiêu thụ nước ngọt tại Việt Nam tăng rất nhanh: Tổng tiêu thụ nước ngọt tăng từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023, gấp 4 lần. Tiêu thụ đầu người cũng tăng từ mức 18,5 lít/người năm 2009, lên 66,5 lít/người năm 2023. Tỷ lệ thừa cân béo phì và tiểu đường tuýp 2 cũng tăng nhanh ở Việt Nam.

Bà Đinh Thị Thu Thủy: Áp thuế TTĐB với ĐUCĐ là biện pháp quan trọng để can thiệp
Thuế TTĐB giúp giảm tiêu dùng ĐUCĐ
Bà Đinh Thu Thủy cho biết áp thuế TTĐB với ĐUCĐ là biện pháp quan trọng để can thiệp được WHO khuyến nghị, nhằm giảm tiêu thụ với 3 hiệu quả: Cải thiện sức khỏe cộng đồng; tăng thu cho ngân sách nhà nước và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe do ĐUCĐ.
Chung quan điểm này, ông Nguyễn Tuấn Lâm lưu ý: Số liệu của World Bank cho thấy có 117 quốc gia áp thuế với ĐUCĐ. Thuế TTĐB là biện pháp y tế dự phòng hiệu quả để làm giảm sử dụng nước ngọt.

Ông Nguyễn Tuấn Lâm khuyến nghị Việt Nam áp dụng lộ trình để thuế ĐUCĐ ở mức 20% giá bán lẻ
Hiện đã là thời điểm rất cần thiết để áp thuế ĐUCĐ khi bằng chứng về tác động xấu đến sức khỏe đã rất rõ cùng với tiêu thụ ĐUCĐ gia tăng quá nhanh tại Việt Nam trong 15 năm qua, cùng như tăng nhanh thừa cân béo phì ở vị thành niên.
Từ kinh nghiệm của các nước, WHO khuyến nghị Việt Nam nên xem xét áp dụng lộ trình tăng thuế hàng năm từ 2026-2029 để thuế ĐUCĐ ở mức 40% giá bán nhà sản xuất (tức là 20% giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO) vào năm 2030 để bảo vệ sức khỏe cho thế hệ tương lai, đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để giảm tiêu thụ ĐUCĐ.
Hiệu quả của chính sách tăng thuế với ĐUCĐ đã giúp giảm lượng đường tiêu thụ, góp phần bảo vệ sức khỏe, vì thế, TS. Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho rằng mức thuế đủ mạnh để đạt hiệu quả bảo vệ sức khỏe theo khuyến cáo của WHO là mức khởi điểm ít nhất bằng 10% giá xuất xưởng. Có lộ trình tính đến hàm lượng đường khi xây dựng mức thuế, tạo động lực để doanh nghiệp cắt giảm lượng đường trong đồ uống.
Các chuyên gia quốc tế và trong nước đều đưa ra các bằng chứng khoa học về tác hại của ĐUCĐ với sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em và sự cần thiết phải ngăn chặn ĐUCĐ bằng thuế TTĐB, đồng thời, mong muốn báo chí chuyển tải đến các ĐBQH những ý kiến này để thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng “vì một Việt Nam khỏe mạnh hơn”.

WHO khởi động chiến dịch truyền thông hạn chế tiêu thụ ĐUCĐ
Cũng trong chiều 28/4, WHO và tổ chức Vital Strategies đã khởi động chiến dịch truyền thông với hai thông điệp chính:“Hãy chọn thức uống lành mạnh vì sức khỏe của chúng ta” và “Thuế góp phần bảo vệ sức khỏe bằng cách hạn chế tiêu thụ ĐUCĐ”. Chiến dịch truyền thông được triển khai trên đa nền tảng, gồm cả truyền hình, phát thanh, báo giấy và báo điện tử, màn hình LCD và mạng xã hội.